Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 3/22/2011(UTC) Posts: 3,340
Thanks: 327 times Was thanked: 364 time(s) in 256 post(s)
|
Tin Tong Hop
Bài Giáo lý Hàng tuần của Đức Phanxicô: Cầu nguyện trong cuộc sống hàng ngày
Vũ Văn An 10/02/2021

Buổi yết kiến chung diễn ra lúc 9 giờ 15 sáng ngày 10 tháng 2, năm 2021 tại Thư viện Tông tòa, trong đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục loạt bài giáo lý hàng tuần của ngài về cầu nguyện, hôm nay, ngài nhấn mạnh tới việc cầu nguyện trong cuộc sống hàng ngày.
Sau khi tóm lược bài giáo lý bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, Đức Giáo Hoàng đã ngỏ những lời thăm hỏi đặc biệt tới các tín hữu. Sau đó, ngài phát động lời kêu gọi tới các nạn nhân thiên tai diễn ra tại Bắc Ấn Độ và ngỏ lời cầu chúc tốt đẹp đối với nhân dân các nước Viễn Đông và nhiều nơi khác trên thế giới sẽ cử hành Tết Âm Lịch vào thứ Sáu tới.
Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha, dựa vào bản Tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:
Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!
Trong bài giáo lý trước, chúng ta đã thấy việc cầu nguyện của Kitô hữu được “thả neo” trong Phụng vụ ra sao. Hôm nay, chúng ta sẽ làm sáng tỏ cách Phụng vụ luôn đi vào đời sống hàng ngày như thế nào: trên đường phố, trong văn phòng, trên các phương tiện giao thông công cộng… Và ở những nơi đó, nó tiếp tục cuộc đối thoại với Thiên Chúa: người cầu nguyện giống như người đang yêu, luôn mang người họ yêu trong trái tim họ bất cứ họ đi đâu.
Trong yếu tính, mọi thứ đều trở thành một phần của cuộc đối thoại này với Thiên Chúa: mọi niềm vui đều trở thành lý do để ngợi khen, mọi thử thách là cơ hội để xin sự giúp đỡ. Cầu nguyện luôn sống động trong cuộc sống của chúng ta, như than hồng, dù miệng không nói nhưng trái tim nói. Mọi ý nghĩ, ngay cả những suy nghĩ có vẻ “phàm trần”, đều được lời cầu nguyện thấm nhiễm. Thậm chí còn có một khía cạnh cầu nguyện trong trí hiểu của con người; thực thế, nó là chiếc cửa sổ nhìn vào mầu nhiệm: nó soi sáng một số bước ở phía trước chúng ta và sau đó mở ra toàn bộ thực tại, một thực tại vốn đi trước nó và vượt qua nó. Mầu nhiệm này không có vẻ mặt thất vọng hay lo lắng. Không, sự hiểu biết về Chúa Kitô khiến chúng ta tin tưởng rằng bất cứ điều gì mắt thường và mắt tâm trí của chúng ta không thể thấy, thay vì không có gì ở đó, một ai đó vẫn đang chờ đợi chúng ta, một ơn thánh vô hạn vẫn đang ở đó. Và do đó, lời cầu nguyện của Kitô hữu gieo vào trái tim con người một niềm hy vọng bất diệt: bất cứ trải nghiệm nào chúng ta gặp trong cuộc hành trình của mình, tình yêu của Thiên Chúa đều có thể biến nó thành điều tốt đẹp.
Về điều này, Sách Giáo lý viết: “Chúng ta học biết cầu nguyện vào một số thời gian nhất định, bằng cách lắng nghe Lời Chúa và tham dự mầu nhiệm Vượt Qua của Người; Người còn ban Thánh Thần để giúp chúng ta cầu nguyện trong mọi lúc, trong mọi biến cố của cuộc sống hằng ngày... Thời gian là của Cha; chúng ta gặp được Người trong hiện tại, không phải hôm qua hay ngày mai, nhưng chính hôm nay”
(số 2659). Hôm nay tôi gặp Thiên Chúa, hôm nay luôn là ngày gặp gỡ.
Không có ngày nào tuyệt vời hơn ngày mà chúng ta đang sống. Những người sống luôn nghĩ về tương lai, tương lai: “Nhưng nó sẽ tốt hơn…”, nhưng không chấp nhận mỗi ngày như nó diễn ra: đó là những người sống trong mộng tưởng, họ không biết phải đối phó ra sao với thực tại cụ thể. Và hôm nay là có thật, hôm nay là cụ thể. Và lời cầu nguyện phải được thực hiện ngày hôm nay. Chúa Giêsu đến gặp chúng ta hôm nay, ngày chúng ta đang sống. Và chính lời cầu nguyện biến ngày này thành ơn thánh, hay tốt hơn, nó biến đổi chúng ta: xoa dịu cơn giận, nâng đỡ tình yêu, nhân thừa niềm vui, truyền sức mạnh để tha thứ. Đôi khi dường như không còn là chúng ta đang sống nữa, nhưng ơn thánh đó sống và hoạt động trong chúng ta qua việc cầu nguyện. Đó là ơn thánh đang chờ đợi, nhưng luôn luôn là điều này, đừng quên: hãy đón nhận ngày hôm nay như nó xẩy đến. Và hãy nghĩ đến khi một ý nghĩ tức giận đến với anh chị em, về sự bất hạnh khiến anh chị em phải chịu đựng sự cay đắng, anh chị em hãy dừng lại. Và hãy thưa với Chúa: "Chúa đang ở đâu vậy? Và con sẽ đi đâu đây?” Và Chúa ở đó, Chúa sẽ cho anh chị em lời đúng đắn, lời khuyên để anh chị em đi tiếp mà không phải nếm mùi cay đắng, tiêu cực đó. Vì, nói theo ngôn ngữ phàm trần, việc cầu nguyện luôn luôn tích cực. Luôn luôn. Nó sẽ đưa anh chị tiến lên phía trước. Mỗi ngày bắt đầu sẽ được đi kèm với lòng can đảm nếu nó được chào đón trong lời cầu nguyện. Như vậy, các vấn đề chúng ta gặp phải dường như không còn là trở ngại cho hạnh phúc của chúng ta nữa, mà là những lời kêu gọi từ Thiên Chúa, những cơ hội để gặp gỡ Người. Và khi ai đó được Chúa đồng hành, họ sẽ cảm thấy can đảm hơn, tự do hơn và thậm chí hạnh phúc hơn.
Vì vậy, chúng ta hãy luôn cầu nguyện cho mọi người, cho cả kẻ thù của chúng ta nữa. Chúa Giêsu khuyên chúng ta làm điều này: "Hãy cầu nguyện cho kẻ thù của các con". Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người thân yêu của chúng ta, cả cho những người chúng ta không quen biết. Chúng ta hãy cầu nguyện cho cả các kẻ thù của chúng ta, như tôi đã nói, như Kinh Thánh thường mời gọi chúng ta thực hiện. Lời cầu nguyện hướng chúng ta đến một tình yêu cực kỳ phong phú. Trên hết, chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đang buồn rầu, cho những người đang khóc trong cô đơn và tuyệt vọng để vẫn có thể có một người yêu thương họ. Cầu nguyện làm phép lạ; và lúc đó, những người nghèo sẽ hiểu ra rằng, nhờ ơn thánh của Thiên Chúa, ngay trong hoàn cảnh bấp bênh của họ, lời cầu nguyện của một Kitô hữu làm cho lòng cảm thương của Chúa Kitô hiện diện. Thật vậy, Người hết sức âu yếm nhìn đám đông mệt mỏi và lạc lõng như bầy chiên không người chăn dắt (xem Mc 6:34). Chúng ta đừng quên Chúa là Chúa của lòng cảm thương, của sự gần gũi, của sự âu yếm dịu dàng: ba hạn từ không bao giờ được quên liên quan đến Chúa. Vì đó là phong cách của Chúa: cảm thương, gần gũi, âu yếm dịu dàng.
Cầu nguyện giúp chúng ta yêu thương người khác, bất chấp lỗi lầm và tội lỗi của họ. Con người luôn quan trọng hơn các hành động của họ, và Chúa Giêsu đã không phán xét thế gian, nhưng Người cứu vớt nó. Cuộc đời kinh khủng xiết bao là cuộc đời của một người luôn phán xét người khác, luôn kết án, phán xét… Đó là một cuộc đời kinh khủng, bất hạnh, khi Chúa Giêsu đến để cứu rỗi chúng ta. Anh chị em hãy mở lòng ra, tha thứ, dành cho người khác phần đúng khi nghi ngờ, hiểu biết, gần gũi với người khác, cảm thương, âu yếm dịu dàng, giống như Chúa Giêsu. Chúng ta cần phải yêu thương từng người và mọi người, ghi nhớ trong lời cầu nguyện rằng tất cả chúng ta đều là những kẻ tội lỗi và đồng thời được Thiên Chúa yêu thương từng người một. Yêu thế giới cách này, yêu nó bằng sự âu yếm dịu dàng, chúng ta sẽ khám phá ra rằng mỗi ngày và mọi sự đều mang trong nó một mảnh của mầu nhiệm Thiên Chúa.
Một lần nữa, Sách Giáo Lý viết: “Cầu nguyện trong mọi biến cố của cuộc sống hằng ngày, là một trong những điều bí ẩn của Nước Trời được mặc khải cho những kẻ bé mọn, những người tôi tớ của Đức Kitô, những người nghèo theo các Mối Phúc. Cầu nguyện cho Nước công lý và bình an tác động vào diễn tiến của lịch sử, là việc chính đáng và tốt đẹp; nhưng phải đem những hoàn cảnh bình thường của cuộc sống hằng ngày vào kinh nguyện. Mọi hình thức cầu nguyện đều có thể là thứ men cần thiết được Chúa nói đến trong dụ ngôn về Nước Trời” (số 2660).
Con người - nam và nữ, tất cả chúng ta, - con người giống như hơi thở, như ngọn cỏ (xem Tv 144: 4; 103: 15). Nhà triết học Pascal đã từng viết: “Không cần cả vũ trụ phải cầm vũ khí để nghiền nát anh ta: một hơi nước, một giọt nước cũng đủ giết chết anh ta” [1]. Chúng ta là những sinh vật mong manh, nhưng chúng ta biết cách cầu nguyện: đó là phẩm giá lớn nhất của chúng ta và cũng là sức mạnh của chúng ta. Anh chị em hãy can đảm. Anh chị em hãy cầu nguyện trong mọi thời điểm, trong mọi hoàn cảnh để Chúa ở gần chúng ta. Và khi một lời cầu nguyện được ngỏ theo lòng Chúa Giêsu, thì điều đó sẽ nhận được các phép lạ.
Giới thiệu các thành phố Iraq Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm
Đặng Tự Do 01/Mar/2021
http://vietcatholic.net/News/Html/266420.htm
1. Thủ đô Baghdad

Thủ đô Baghdad nghĩa là “Được Chúa Ban”
Baghdad (tiếng Ả Rập: بغداد ), nơi Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cư ngụ trong suốt chuyến tông du từ ngày 5 đến 8 tháng Ba, là thủ đô của Iraq và là một trong những thành phố lớn nhất trong thế giới Ả Rập. So sánh với dân số đông đúc trên một một diện tích nhỏ bé chỉ có 673 km vuông, Baghdad là thành phố có mật độ dân cư lớn nhất trong vùng Trung Đông.
Nằm dọc theo sông Tigris, gần tàn tích của thành phố Babylon ở Akkadian và thủ đô Ctesiphon của Iran cổ đại, Baghdad được thành lập vào thế kỷ thứ 8 và trở thành thủ đô của đế chế Abbasid. Tuy nhiên, trước khi Baghdad trở thành một thành phố, vùng này đã có dân cư. Tên Baghdad đã có từ trước và trong tiếng Aramaic là ngôn ngữ Chúa Giêsu nói khi xuống thế làm người nó có nghĩa là “Được Chúa Ban”.
Trong một thời gian ngắn, Baghdad đã phát triển thành một trung tâm văn hóa, thương mại và tri thức quan trọng của thế giới Hồi giáo. Ngoài việc có một số cơ sở học thuật quan trọng, Baghdad cũng có một môi trường đa sắc tộc và đa tôn giáo, tạo cho thành phố danh tiếng trên toàn thế giới như là “Trung tâm Học tập”.
Baghdad là thành phố lớn nhất trên thế giới trong phần lớn thời đế chế Abbasid, là thời kỳ Hoàng kim của Hồi giáo, với dân số đạt đến mức cao nhất là hơn một triệu người. Thành phố đã bị phá hủy phần lớn dưới tay của Đế chế Mông Cổ vào năm 1258, dẫn đến sự suy tàn kéo dài qua nhiều thế kỷ do thường xuyên xảy ra dịch bệnh và sự thay đổi của nhiều đế chế kế tiếp nhau. Với việc Anh công nhận Iraq là một quốc gia độc lập vào năm 1932, Baghdad dần dần lấy lại một số vị trí nổi bật trước đây như một trung tâm văn hóa Ả Rập quan trọng, với dân số ước tính khoảng 6 hoặc hơn 7 triệu người.
Trong thời hiện đại, thành phố thường xuyên phải đối mặt với những thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng, gần đây nhất là do cuộc xâm lược Iraq năm 2003 do Hoa Kỳ lãnh đạo, và Chiến tranh Iraq tiếp theo kéo dài đến tháng 12 năm 2011. Trong những năm gần đây, thành phố thường xuyên là địa bàn của của các cuộc biểu tình, và các cuộc tấn công khủng bố, làm mất đi đáng kể các di sản văn hóa và hiện vật lịch sử. Tính đến năm 2018, Baghdad được xếp vào danh sách những nơi nguy hiểm nhất để sinh sống.
2. Thành phố Najaf
Najaf (tiếng Ả Rập: ٱ لنجف), còn được gọi là Baniqia (tiếng Ả Rập: بانيقيا ), là một thành phố ở miền trung Iraq khoảng 180 km về phía nam Baghdad. Dân số ước tính là 1 triệu người. Đây là thủ phủ của tỉnh Najaf. Theo dự trù, sáng thứ Bẩy, 6 tháng Ba, Đức Thánh Cha sẽ đáp máy bay đi Najaf để có cuộc gặp gỡ với Grand Ayatollah, tức là Đại Giáo Trưởng, của Hồi Giáo Shiite, là Ali al-Sistani.
Najaf được coi là thành phố linh thiêng thứ ba của Hồi giáo Shiite, sau Mecca và Medina, thủ đô tâm linh của thế giới Hồi giáo Shiite và là trung tâm quyền lực chính trị của người Shiite ở Iraq.
Để hiểu tại sao Najaf quan trọng đối với người Hồi giáo Shiite, chúng tôi xin trình bày như sau. Tất cả người Hồi giáo tin rằng không có Chúa nào khác ngoài Allah, và rằng Mohammed là vị tiên tri cuối cùng của Ngài. Họ tin rằng kinh Koran là Lời Chúa mạc khải cho Mohammed. Bên cạnh niềm tin chung đó, họ cũng rất tương đồng trong cách thức thờ phượng. Tuy nhiên, người Hồi Giáo Sunni, chiếm khoảng 80 phần trăm người Hồi giáo, và người Shiite, từ 15-20 phần trăm, thường tiến hành những cuộc chiến tranh tôn giáo kinh hoàng chống lại nhau.

Đền thờ Hồi Giáo Al-Najaf của người Hồi giáo dòng Shiite
Sự khác biệt quan trọng giữa hai hệ phái Hồi Giáo này là một điều thuộc về tín lý: Người Shiite tin rằng sau khi Mohammed qua đời vào năm 632, quyền lãnh đạo tôn giáo do ông thành lập phải được truyền cho con cháu của ông bắt đầu với Ali, là con rể của ông ta. Họ cũng tin rằng hàng lãnh đạo tôn giáo, tức là các imams, phải được thần thánh lựa chọn. Trong khi đó, người Hồi Giáo Sunni tin rằng quyền lãnh đạo tôn giáo phải được trao cho những đồng chí thân cận nhất của tiên tri Mohammed. Khi thế hệ các đồng chí này qua đi, thì người ta bình bầu lên các vị Caliph, tức là những người được cho là ưu tú, và có đạo đức nổi bật, được người ta tôn lên làm các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị, trực hệ hay không với tiên tri Mohammed không phải là vấn đề.
Sự khác biệt về tín lý này gây ra những hậu quả bi thảm. Mỗi nhánh Hồi Giáo nhìn nhánh khác như là những kẻ đi theo các nhà lãnh đạo giả mạo, và do đó, họ là những người bội giáo - những kẻ phản bội Hồi giáo. Những người cực đoan ở cả hai phía tin rằng những người Hồi Giáo phía bên kia phải bị tận diệt để “thanh tẩy đức tin”.
Ngay những từ đầu sau khi Mohammed qua đời, những imams Shiite đều bị hàng lãnh đạo Sunni tìm mọi cách tiêu diệt, và tất cả 11 nhà lãnh đạo đầu tiên của Hồi Giáo Shiite đều đã chết một cách thê thảm, thường là do bị ám sát.
Trong lịch sử, chính tại Iraq, người Hồi Giáo Shiite đã bị đại bại trong những trận đánh lớn diễn ra trong các thế kỷ thứ 7, thứ 8 và thứ 9, và do đó, mà cũng chính tại Iraq, người Hồi Giáo Shiite có các đền thờ lớn nhất – để vinh danh các nhà lãnh đạo bị thảm sát của họ.
Ali, con rể của tiên tri và cũng là Imam đầu tiên của người Hồi Giáo Shiite, đã bị tấn công và giết chết trong lúc đang cầu nguyện; và sau đó được chôn cất ở Najaf. Con trai của ông là Hussein, vị Imam thứ ba, cũng đã bị giết trong trận Karbala và được chôn cất ở đó.
Cho đến ngày nay, nhiều người Shiite vẫn mang theo bên cạnh họ một viên gạch nhỏ làm bằng đất sét lấy từ đất ở Karbala, nơi máu của Hussein đổ ra. Họ đặt viên gạch xuống đất ở bất cứ nơi nào họ cầu nguyện và nhấn trán của mình lên đó.
Al-Najaf được người Hồi giáo dòng Shiite coi là linh thiêng vì là nơi chôn cất Ali, con rể và anh họ của tiên tri Muhammad. Thành phố hiện là một trung tâm hành hương trên khắp thế giới của Hồi giáo Shiite. Người ta ước tính rằng chỉ có Mecca và Medina là hai nơi nhận được nhiều người hành hương Hồi giáo hơn.
Đền thờ Hồi Giáo Imam Ali nằm trong một công trình kiến trúc vĩ đại với mái vòm mạ vàng và nhiều đồ vật quý giá trên tường. Gần đó là nghĩa trang Wadi-us-Salaam, lớn nhất thế giới. Nó chứa các ngôi mộ của một số nhà tiên tri và nhiều người tín hữu Hồi Giáo từ khắp nơi trên thế giới mong muốn được chôn cất ở đó, để được sống lại từ cõi chết cùng với Imam Ali vào ngày Phán xét. Qua nhiều thế kỷ, nhiều nhà tế bần, trường học, thư viện và viện nghiên cứu đã được xây dựng xung quanh đền thờ để biến thành phố trở thành trung tâm học tập và thần học của Hồi giáo Shiite.
Chủng viện Al-Najaf là một trong những trung tâm giảng dạy quan trọng nhất trong thế giới Hồi giáo. Ayatollah Khomeini giảng dạy ở đó từ năm 1964 đến năm 1978. Nhiều nhân vật hàng đầu của phong trào Hồi giáo mới nổi lên ở Iraq, Iran và Li Băng trong những năm 1970 đã học tại Najaf.
Najaf, cùng với Karbala, được coi là một điểm đến hành hương đông đúc của người Hồi giáo Shiite và ngành công nghiệp hành hương trong thành phố bùng nổ sau khi kết thúc sự cai trị của Saddam Hussein. Tuy nhiên, do lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, số lượng người hành hương Iran đã giảm đáng kể.
3. Thành phố Nasiriyah
Nasiriyah (tiếng Ả Rập: ٱ لناصرية ) là một thành phố ở miền Nam Iraq cách thủ đô Baghdad 350km về phía Đông Nam, cách Najaf 250km về phía Đông Đông Nam. Nó nằm dọc theo bờ sông Euphrates, khoảng 360 km về phía đông nam Baghdad, gần những tàn tích của thành phố cổ Ur. Dân số ở đây vào khoảng 560,000 người, khiến nó trở thành thành phố lớn thứ tư ở Iraq. Vào đầu thế kỷ 20, thành phố có một dân số đa dạng về tôn giáo gồm người Hồi giáo, người Manda và người Do Thái, nhưng ngày nay cư dân của thành phố này chủ yếu là người Hồi giáo Shiite.

Vùng đồng bằng Ur là quê hương của tổ phụ Abraham
Nasiriyah được thành lập bởi bộ tộc Muntafiq vào cuối thế kỷ 19 trong thời kỳ Ottoman. Nó đã trở thành một trung tâm giao thông vận tải lớn. Nasiriyah là trung tâm của khu vực trồng cây chà là. Các ngành công nghiệp tiểu thủ công của thành phố bao gồm đóng thuyền, làm mộc và làm các đồ trang trí bằng bạc. Viện bảo tàng thành phố có một bộ sưu tập lớn các hiện vật của người Sumer, Assyriô, Babylon và Abbasid. Tàn tích của các thành phố cổ đại Ur và Larsa nằm gần đó.
Vào ngày thứ Bẩy, 6 tháng Ba, sau cuộc viếng thăm xã giao với Đại Giáo Trưởng Ali al-Sistani của Hồi giáo Shiite, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành bằng máy bay đi Nasiriyah.
Vùng đồng bằng Ur là quê hương ban đầu của tổ phụ Abraham trước khi ngài lên đường theo tiếng Chúa gọi để xây dựng quê hương mới ở Canaan.
Tại Nasiriyah, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ liên tôn với các tôn giáo lớn tại Iraq.
4. Thành phố Erbil
Erbil (tiếng Ả Rập:ھ ە ول ێ ر) được biết đến trong lịch sử cổ đại với danh xưng là Arbela, là thủ phủ và là thành phố đông dân cư nhất trong khu vực Kurdistan của Iraq. Thành phố có khoảng 1.5 triệu dân. Đây là thủ phủ của khu tự trị Kurdistan Iraq, cách Baghdad 370km về phía Bắc.

Thành phố Erbil
Con người đã có mặt tại Erbil từ thiên niên kỷ thứ 5 trước Chúa Giáng Sinh. Như thế, Erbil là một trong những khu vực có người sinh sống liên tục lâu đời nhất trên thế giới.
Thành phố có dân số đa dạng về sắc tộc gồm người Kurd, người Thổ, người Assyriô, người Ả Rập và người Armenia. Nó cũng đa dạng về tôn giáo không kém, với các tín đồ của Hồi giáo Sunni, Hồi giáo Shiite, Kitô Giáo, và các tín hữu Yazidi.
Sáng Chúa Nhật, 7 tháng 3, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành bằng máy bay từ thủ đô Baghdad để bay đến Erbil.
Khi đến sân bay Irbil, ngài aẽ có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo tôn giáo và dân sự của Khu tự trị người Kurdistan trong phòng khánh tiết của sân bay.
Sau cuộc gặp gỡ tại đây, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành bằng trực thăng đến Mosul.
5. Thành phố Mosul
Mosul (tiếng Ả Rập: الموصل ) là một thành phố lớn ở miền bắc Iraq, nằm cách thủ đô Baghdad khoảng 400 km về phía bắc, và cách Erbil 80km về phía Tây Tây Bắc. Mosul nằm trên bờ tây của sông Tigris, đối diện với thành phố Ninivê cổ của người Assyriô ở bờ đông. Khu vực đô thị đã phát triển bao gồm các khu vực đáng kể ở cả hữu ngạn và tả ngạn của con sông Tigris.
Mosul, cùng với đồng bằng Ninivê gần đó, là một trong những trung tâm lịch sử của người Assyriô và các Giáo Hội của họ bao gồm Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Chanđê, Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Syria và các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương của người Assyriô, có lăng mộ của một số nhà tiên tri trong Cựu ước như tiên tri Giôna, một số đã bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS phá hủy vào tháng 7 năm 2014.

Thành phố Mosul
Mosul là thành phố lớn thứ hai của Iraq sau thủ đô Baghdad, và là nơi đã diễn ra một trận chiến kỳ lạ nhất trong lịch sử cận đại. Trước sự ngỡ ngàng của thế giới, đêm 9 rạng 10 tháng 6, 2014 30,000 quân Iraq đồn trú trong thành phố Mosul, cùng với gần 30,000 cảnh sát liên bang, tức là gần 60,000 quân đã bỏ chạy tán loạn trước sức tấn công của một lực lượng chỉ từ 800 đến 1,500 quân khủng bố Hồi Giáo IS. Kho bạc, các kho vũ khí, các chiến xa và các khí tài chiến tranh khác được bỏ lại gần như nguyên vẹn.
Chiến thắng Mosul tạo ra một thanh thế rất lớn cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS đến mức nhiều thành phố, làng mạc khác lần lượt rơi vào tay chúng. Trong thời cực thịnh của IS, một nửa nước Iraq và một phần ba Syria rơi vào tay chúng. Có lúc, chúng đã áp sát được đến tận thủ đô Baghdad.
Hơn 2 năm sau thất bại tại Mosul, quân Iraq mới hoàn hồn và mới dám mở cuộc tấn công giải phóng Mosul từ ngày 16 tháng 10, 2016 và đến ngày 9 tháng 7, 2017 mới chính thức giải phóng được thành phố này.
Khi đến Mosul, Đức Thánh Cha sẽ cầu nguyện tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh tại Hosh al-Bieaa, nghĩa là quảng trường nhà thờ.
Trong trận chiến tại Mosul, quân Iraq thiệt mất 1,200 quân và 5,000 quân nhân bị thương. Quân Kurd tham chiến bên cạnh quân Iraq thiệt mất 30 quân và 100 quân nhân bị thương. Hoa Kỳ có 2 quân nhân bị giết và 20 người khác bị thương, Quân Iran chiến đấu bên cạnh lực lượng dân quân Hồi giáo Shiite có 3 người bị giết.
Về phía thường dân có 6,400 người thiệt mạng và 17, 124 người bị thương.
6. Thành phố Bakhdida
Bakhdida (tiếng Ả Rập: بخديدا ) còn được gọi là Baghdeda, hay Qaraqosh, là một thành phố của người Assyriô ở miền bắc Iraq trong tỉnh Ninivê, tọa lạc khoảng 39 km về phía Đông Nam thành phố Mosul và 60 km về phía tây Erbil trong bối cảnh đất nông nghiệp, gần đống đổ nát của các thành phố Assyriô cổ đại Nimrud và Ninivê. Nó được kết nối với thành phố Mosul bằng hai con đường chính. Tuyến đầu tiên nối vào trục đường Mosul - Erbil chạy qua các thị trấn Bartella và Karamles. Tuyến thứ hai được xây dựng những năm 1990, dẫn thẳng đến Mosul.
Qaraqosh là tên do người Thổ Nhĩ Kỳ đặt dưới thời đế quốc Ottoman. Từ đầu vùng này có tên là Bakhdida, theo tiếng Aramaic có nghĩa là “Vùng đất của loài chim Kite”. Dân chúng trong vùng gần như toàn tòng theo Công Giáo nghi lễ Syria hay theo Chính Thống Giáo Syria. Đến nay họ vẫn dùng tiếng Aramaic là ngôn ngữ Chúa Giêsu nói khi xuống thế làm người.
Ngày 6 tháng 8, 2014, trước sức tấn công của bọn khủng bố Hồi Giáo IS, toàn bộ dân chúng dưới sự hướng dẫn của các linh mục dắt nhau bỏ chạy về thành phố Erbil. Thành phố không còn một ai nên có thời gọi là thành phố ma. Quân IS sau khi chiếm được thành phố đã nổi lửa đốt cháy toàn bộ các nhà thờ trong vùng. Ngày 19 tháng 10, 2016 thành phố mới được giải phóng.
Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với cộng đoàn địa phương tại nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Qaraqosh.

Đức Hồng Y Philippe Barbarin.
Ngôi nhà thờ này có một kỷ niệm đặc biệt với vị Hồng Y người Pháp nguyên Tổng Giám Mục Lyon là Đức Hồng Y Philippe Barbarin.
Ngày 29 tháng 7, 2014 tức là khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã chiếm được Mosul hơn một tháng, Đức Hồng Y Philippe Barbarin đến thăm vùng này và dâng lễ với họ. Chỉ một tuần sau, dân chúng bỏ chạy về thành Erbil. Ngài ngậm ngùi gặp lại họ ở đó.
Ngay sau khi Mosul vừa được giải phóng, Đức Hồng Y đã quay lại gặp gỡ anh chị em giáo dân ở đây vào ngày 25 tháng 7, 2017.
Giảng trong thánh lễ, Đức Hồng Y ngậm ngùi nói: “Lần chót tôi đến đây là vào ngày 29 tháng 7 năm 2014. Nhà thờ thật huy hoàng, lộng lẫy, có cả một ca đoàn, lúc đó nhà thờ còn chật đầy người. Hôm nay trở lại sau bao nhiêu những bạo lực và cướp bóc, lòng tôi buồn khôn tả. Nhưng đồng thời thấy vùng đất đang được hồi sinh, tôi cũng tràn trề hy vọng.”
Bên ngoài một nhà thờ tại Mosul, ngài đã nhờ những người Iraq công kênh ngài lên để ngài tự tay đặt một tượng Đức Mẹ do ngài mang từ Lyon sang.
Đức Hồng Y nói: “Bức tượng nhỏ này là một biểu tượng đẹp cho tình huynh đệ mạnh mẽ mà tôi hy vọng đã thêm vào một điều gì đó mà trong trường hợp nào cũng có thể chuyển hoá chúng ta. Chúng tôi nhận thức rằng ta không thể sống bằng cách nhìn mọi thứ từ xa và đọc xem người ta đau khổ như thế nào trên báo chí. Chúng ta phải sống với họ.”
Diễn từ của Đức Thánh Cha với các Thượng Phụ, Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ tại nhà thờ Đức Mẹ Giải Thoát

Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An 05/Mar/2021
Lúc 16 giờ 40 theo giờ địa phương ngày thứ Sáu 5 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Nhà thờ Công Giáo nghi lễ Syriac “Đức Mẹ Giải Thoát”, là trụ sở của Tòa Giám Mục Công Giáo nghi lễ Syriac ở Baghdad, để gặp gỡ các vị Thượng Phụ, Giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên.
Khi đến nơi, tại lối vào của nhà thờ ngài được chào đón bởi Đức Thượng Phụ Ignace Youssif Younan Đệ Tam, là Thượng phụ thành Antiôkia của người Công Giáo nghi lễ Syriac, và Đức Tổng Giám Mục Ephrem Yousif Abba của Giáo Hội này.
Tại quảng trường trước nhà thờ, 12 người khuyết tật đang đợi Đức Thánh Cha cùng với những người bạn đồng hành của họ. Tại lối vào nhà thờ chính tòa, nơi có khoảng 100 người đang hiện diện, Đức Thượng phụ Younan và Đức Tổng Giám Mục Abba đã trao cho Đức Thánh Cha cây thánh giá và nước thánh để ngài rảy nước. Sau đó, hai người trẻ tặng Đức Thánh Cha những bông hoa mà ngài đặt trước nhà tạm, nơi ngài dừng lại trong im lặng để cầu nguyện.
Cuối cùng, sau khi tiến tới bàn thờ, Đức Thượng phụ Công Giáo Syriac và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Iraq, là Đức Hồng Y Louis Raphaël Sako, Thượng phụ thành Babylon của Công Giáo Chanđê đã giới thiệu và chào mừng Đức Thánh Cha. Trong phần đáp từ, Đức Thánh Cha đã phát biểu như sau:
Thưa các Đức Thượng Phụ, Chư huynh Giám Mục, Quý Linh Mục và các Nữ Tu,
Anh chị em thân mến,
Tôi ôm lấy tất cả anh chị em với tình cảm của một người cha. Tôi biết ơn Chúa, Đấng trong sự quan phòng của Ngài đã tạo điều kiện cho chúng ta gặp nhau ngày hôm nay. Tôi cảm ơn Đức Thượng Phụ Ignace Youssif Younan và Đức Hồng Y Louis Sako vì những lời chào mừng của các ngài. Chúng ta đang tụ họp trong Nhà thờ Đức Mẹ Giải Thoát này, được thánh hóa bởi máu của các anh chị em chúng ta, những người ở nơi này đã phải trả cái giá tột đỉnh cho lòng trung thành với Chúa và Giáo hội của Người. Ước gì kỷ niệm về sự hy sinh của họ truyền cảm hứng cho chúng ta, để chúng ta có thể đổi mới niềm tin của chính chúng ta vào sức mạnh của thánh giá và thông điệp cứu rỗi của thánh giá là tha thứ, hòa giải và tái sinh. Các Kitô hữu được mời gọi làm chứng cho tình yêu của Chúa Kitô trong mọi lúc và mọi nơi. Đây là Tin Mừng cũng phải được loan báo và thể hiện trên đất nước thân yêu này.
Với tư cách là giám mục và linh mục, nam nữ tu sĩ, giáo lý viên và giáo dân, tất cả anh chị em đều chia sẻ niềm vui và nỗi khổ, niềm hy vọng và lo lắng của các tín hữu Chúa Kitô. Nhu cầu của con dân Chúa, và những thách thức mục vụ khó khăn mà anh chị em phải đối mặt hàng ngày, đã trở nên trầm trọng hơn trong thời đại đại dịch này. Tuy nhiên, điều không bao giờ có thể bị hạn chế hoặc giảm sút là lòng nhiệt thành tông đồ của chúng ta, mà trong trường hợp của anh chị em, được kín múc từ những căn cội cổ kính, từ sự hiện diện không gián đoạn của Giáo hội ở những vùng đất này kể từ thời sơ khai (x. Benedict XVI, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Giám Mục về Trung Đông, 5). Chúng ta biết rằng vi-rút của sự chán nản có thể lây lan xung quanh chúng ta dễ dàng như thế nào. Tuy nhiên, Chúa đã ban cho chúng ta một loại vắc-xin hữu hiệu chống lại loại vi-rút khó chịu này. Đó là niềm hy vọng được sinh ra từ sự cầu nguyện bền bỉ và lòng trung thành hàng ngày đối với việc tông đồ của chúng ta. Với vắc-xin này, chúng ta có thể ra đi với sức mạnh mới mẻ, để chia sẻ niềm vui của Tin Mừng với tư cách là các môn đệ truyền giáo và những dấu chỉ sống động về sự hiện diện của vương quốc thánh khiết, công chính và hòa bình của Thiên Chúa.
Thế giới xung quanh chúng ta cần được nghe thông điệp đó biết bao! Chúng ta đừng bao giờ quên rằng Chúa Kitô được rao truyền trên hết bằng chứng tá của những cuộc đời được biến đổi bởi niềm vui của Tin Mừng. Như chúng ta thấy từ lịch sử đầu tiên của Giáo hội ở những vùng đất này, đức tin sống động nơi Chúa Giêsu là “lây lan”; đức tin ấy có thể thay đổi thế giới. Gương của các thánh cho chúng ta thấy rằng tư cách môn đệ của Kitô hữu “không chỉ là điều đúng đắn và chân chính, mà còn là điều gì đó đẹp đẽ, có khả năng lấp đầy cuộc sống bằng sự huy hoàng mới mẻ và niềm vui sâu sắc, ngay cả trong những thời điểm khó khăn rất lớn” (Evangelii Gaudium – Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 167).
Khó khăn là một phần trong kinh nghiệm hàng ngày của các tín hữu Iraq. Trong những thập kỷ gần đây, anh chị em và đồng bào của anh chị em đã phải đối phó với những tác động của chiến tranh và bách hại, sự mong manh của cơ sở hạ tầng cơ bản và cuộc đấu tranh liên tục vì kinh tế và an ninh cá nhân, thường dẫn đến việc di dời nội bộ và di cư của nhiều người, bao gồm Kitô hữu, đến các nơi khác trên thế giới. Tôi cảm ơn anh chị em, các giám mục và linh mục anh em của tôi, đã luôn gần gũi và thân thiết với mọi người dân của anh chị em, hỗ trợ họ, cố gắng đáp ứng nhu cầu của họ và giúp họ đóng vai trò của mình trong việc hoạt động vì thiện ích chung. Các hoạt động tông đồ giáo dục và bác ái của các Giáo hội địa phương của anh chị em đại diện cho một nguồn tài nguyên phong phú cho đời sống của cả cộng đồng giáo hội và xã hội rộng lớn hơn. Tôi khuyến khích anh chị em hãy kiên trì trong những nỗ lực này, để bảo đảm rằng cộng đồng Công Giáo Iraq, dù nhỏ bé như hạt cải (x. Mt 13,31-32), sẽ tiếp tục làm phong phú toàn thể đời sống xã hội.
Tình yêu của Chúa Kitô kêu gọi chúng ta gạt bỏ mọi kiểu tự cao tự đại hoặc cạnh tranh; tình yêu của Chúa Kitô thúc đẩy chúng ta vươn đến sự hiệp thông phổ quát và thách thức chúng ta hình thành một cộng đồng những anh chị em chấp nhận và chăm sóc lẫn nhau (xem Fratelli Tutti, 95-96). Đến đây tôi liên tưởng đến hình ảnh tấm thảm quen thuộc. Các Giáo hội khác nhau hiện diện ở Iraq, mỗi Giáo hội đều có lịch sử lâu đời, phụng vụ và di sản tinh thần, giống như rất nhiều sợi chỉ màu riêng lẻ, được đan lại với nhau, tạo nên một tấm thảm đẹp duy nhất, một tấm thảm không chỉ thể hiện tình huynh đệ của chúng ta mà còn hướng đến nguồn gốc của tình huynh đệ ấy. Vì chính Chúa là người nghệ sĩ đã tưởng tượng ra tấm thảm này, kiên nhẫn dệt nó và cẩn thận sửa lại; Ngài mong muốn chúng ta luôn gắn bó mật thiết như những người con trai và con gái của Ngài. Do đó, chúng ta có thể ghi nhớ lời khuyên của Thánh Inhaxiô thành Antiôkia: “Đừng để điều gì tồn tại giữa anh chị em có thể chia rẽ anh chị em… nhưng hãy có một lời cầu nguyện, một tâm trí, một hy vọng, trong tình yêu và niềm vui” (Ad Magnesios, 6- 7: PL 5, 667). Chứng tá của sự hiệp nhất huynh đệ này quan trọng biết bao trong một thế giới quá thường xuyên bị chia cắt và xé nát bởi những chia rẽ! Mọi nỗ lực được thực hiện để xây dựng những nhịp cầu giữa các cộng đồng và cơ sở giáo hội, giáo xứ và giáo phận sẽ đóng vai trò như một cử chỉ ngôn sứ đối với Giáo hội Iraq và là một lời đáp trả hữu hiệu cho lời cầu nguyện của Chúa Giêsu để tất cả nên một (x. Ga 17:21; Tông Huấn Giáo Hội Trung Đông, 37).
Các mục tử và tín hữu, linh mục, tu sĩ và giáo lý viên chia sẻ, mặc dù theo những cách khác nhau, trách nhiệm thúc đẩy sứ mệnh của Giáo hội. Đôi khi, những hiểu lầm có thể nảy sinh và chúng ta có thể trải qua những căng thẳng nhất định; đó là những nút thắt cản trở việc dệt nên tình huynh đệ. Chúng là những nút thắt mà chúng ta mang trong mình; suy cho cùng, tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi. Tuy nhiên, những nút thắt này có thể được tháo gỡ bởi ân sủng, bởi một tình yêu lớn hơn; chúng có thể được nới lỏng nhờ liều thuốc tha thứ và bằng đối thoại huynh đệ, bằng cách kiên nhẫn mang gánh nặng cho nhau (x. Gl 6: 2) và củng cố nhau trong những lúc thử thách và gian truân.
Ở đây, tôi muốn nói một lời đặc biệt với các giám mục anh em của tôi. Tôi thích nghĩ về chức vụ giám mục của chúng ta theo khía cạnh gần gũi: nhu cầu của chúng ta là ở gần Chúa trong lời cầu nguyện, gần gũi với các tín hữu được giao phó cho chúng ta chăm sóc, và gần gũi với các linh mục của chúng ta. Hãy đặc biệt gần gũi với các linh mục của các chư huynh. Hãy để họ không xem các chư huynh chỉ là quản trị viên hay người quản lý, mà là những người cha thực sự, quan tâm đến phúc lợi của họ, sẵn sàng cung cấp cho họ sự hỗ trợ và khuyến khích với trái tim rộng mở. Hãy đồng hành với họ bằng lời cầu nguyện của các chư huynh, thời gian của các chư huynh, sự đánh giá cao của các chư huynh đối với công việc của họ và nỗ lực của các chư huynh hướng dẫn sự phát triển của họ. Bằng cách này, các chư huynh sẽ dành cho các linh mục của mình một dấu chỉ và khuôn mẫu hữu hình của Chúa Giêsu, Mục tử nhân lành, Đấng biết các chiên của mình và hiến mạng sống cho chúng (x. Ga 10,14-15).
Các linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo lý viên, chủng sinh chuẩn bị cho chức vụ trong tương lai thân mến,
Tất cả anh chị em đã nghe tiếng Chúa trong lòng và như cậu bé Sa-mu-ên, anh chị em đã trả lời: “Thưa con đây” (1 Sa 3: 4). Ước gì lời đáp trả ấy, mà tôi mời gọi anh chị em đổi mới hàng ngày, dẫn dắt mỗi người trong anh chị em can đảm và nhiệt thành chia sẻ Tin Mừng, luôn sống và bước đi trong ánh sáng của Lời Chúa mà chúng ta nhận được ân sủng và trách nhiệm rao truyền. Chúng ta biết rằng sứ vụ của chúng ta nhất thiết phải có bộ phận quản trị, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta nên dành toàn bộ thời gian cho các cuộc họp hoặc ngồi sau bàn làm việc. Điều quan trọng là phải đi ra giữa bầy chiên của chúng ta và ban tặng ân sủng là sự hiện diện và đồng hành của chúng ta cho các tín hữu trong các thành phố và làng mạc của chúng ta. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người có nguy cơ bị bỏ lại phía sau: người trẻ, người già, người bệnh và người nghèo. Khi chúng ta phục vụ người lân cận bằng sự tận tụy như anh chị em đang làm, với tinh thần từ bi, khiêm nhường, nhân hậu và yêu thương, thì chúng ta đang thực sự phục vụ Chúa Giêsu, như chính Người đã nói với chúng ta (x. Mt 25,40). Và bằng cách phục vụ Chúa Giêsu nơi người khác, chúng ta khám phá ra niềm vui đích thực. Đừng bao giờ lùi bước khỏi dân thánh của Thiên Chúa mà từ đó anh chị em đã được sinh ra. Hãy nhớ đến những người mẹ và người bà của anh chị em, những người, như Thánh Phaolô đã nói, đã nuôi dạy anh chị em trong đức tin (xem 2 Ti 1: 5). Hãy là mục tử, đầy tớ của người dân, chứ đừng là các công chức. Luôn luôn là một thành phần của dân Chúa, chứ đừng khi nào tách rời, như thể anh chị em là một giai cấp đặc quyền. Đừng từ bỏ dòng dõi cao quý của chúng ta là dân thánh của Thiên Chúa.
Tôi xin nhắc lại một lần nữa về những anh chị em của chúng ta đã chết trong vụ tấn công khủng bố ở nhà thờ này cách đây khoảng mười năm và đang được tiến hành tuyên chân phước. Cái chết của họ là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng việc kích động chiến tranh, thái độ thù hận, bạo lực hoặc đổ máu là không phù hợp với những giáo lý tôn giáo đích thực (x. Fratelli Tutti, 285). Tôi cũng muốn tưởng nhớ tất cả các nạn nhân của bạo lực và ngược đãi, bất kể họ thuộc nhóm tôn giáo nào. Ngày mai, tại Ur, tôi sẽ gặp các nhà lãnh đạo của các truyền thống tôn giáo hiện có trên đất nước này, để một lần nữa tuyên bố xác tín của chúng ta rằng tôn giáo phải phục vụ sự nghiệp hòa bình và hiệp nhất giữa tất cả con cái Chúa. Tối nay, tôi muốn cảm ơn anh chị em vì đã nỗ lực trở thành những người kiến tạo hòa bình, trong cộng đồng của anh chị em và với những tín hữu của các truyền thống tôn giáo khác, nỗ lực gieo hạt giống hòa giải và chung sống huynh đệ có thể dẫn đến sự tái sinh hy vọng cho tất cả mọi người.
Ở đây tôi đặc biệt nghĩ đến những người trẻ tuổi. Những người trẻ tuổi ở khắp mọi nơi là một dấu chỉ của hứa hẹn và hy vọng, nhưng đặc biệt là ở đất nước này. Ở đây anh chị em không chỉ có kho báu khảo cổ học vô giá, mà còn có kho báu vô giá cho tương lai, là những người trẻ! Tuổi trẻ là kho báu của anh chị em; họ cần anh chị em chăm sóc cho họ, nuôi dưỡng ước mơ của họ, đồng hành với sự trưởng thành của họ và nuôi dưỡng hy vọng của họ. Mặc dù họ còn trẻ, nhưng sự kiên nhẫn của họ đã được thử thách rất nhiều bởi những xung đột trong những năm này. Tuy nhiên, chúng ta đừng bao giờ quên phối hợp với những người cao niên, họ là kim cương trên đất nước này, là cây trái trù phú nhất. Chúng ta phải nuôi dưỡng sự phát triển của người trẻ trong sự tốt lành và nuôi dưỡng họ với hy vọng.
Anh chị em thân mến
Trước hết nhờ phép rửa tội và phép thêm sức, và sau đó qua việc thụ phong hoặc khấn dòng, anh chị em đã được thánh hiến cho Chúa và được sai đi làm môn đệ truyền giáo tại vùng đất gắn liền với lịch sử cứu độ này. Anh chị em là một phần của lịch sử đó, hãy trung thành làm chứng cho những lời hứa không bao giờ thất bại của Thiên Chúa khi anh chị em cố gắng xây dựng một tương lai mới. Ước gì chứng tá của anh chị em, trưởng thành qua nghịch cảnh và được củng cố bằng máu các thánh tử đạo, là ánh sáng chói lọi ở Iraq và xa hơn nữa để rao truyền sự cao cả của Chúa và làm cho tinh thần dân tộc này vui mừng trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta (x. Lc 1: 46-47).
Một lần nữa tôi rất biết ơn vì chúng ta đã có thể ở bên nhau. Xin Đức Mẹ Giải Thoát và Thánh Tôma Tông đồ cầu bầu cho anh chị em và luôn bảo vệ anh chị em. Tôi thân ái chúc phúc cho anh chị em và cộng đồng của anh chị em. Và tôi xin anh chị em, hãy cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!
Cuối cùng, sau phần trao quà, đọc kinh Lạy Cha và Phép lành cuối cùng, Đức Thánh Cha chào các Giám mục và chụp ảnh chung với các ngài. Sau khi ký Sách Lưu Niệm, Đức Thánh Cha rời nhà thờ và đi xe đến Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Baghdad, nơi ngài được các nhân viên chào đón.
Diễn từ của Đức Thánh Cha trước chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn tại Baghdad

Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An 05/03/2021
Thưa tổng thống, Các thành viên của Chính phủ và ngoại giao đoàn, Các giới chức chính quyền, Đại diện của Xã hội Dân sự,
Kính thưa quý vị,
Tôi biết ơn vì có cơ hội được thực hiện chuyến thăm được chờ đợi và ao ước từ lâu này đến Cộng hòa Iraq, và đến vùng đất này, một cái nôi của nền văn minh được liên kết chặt chẽ thông qua Tổ phụ Abraham và các tiên tri trong lịch sử cứu độ với các truyền thống tôn giáo lớn là Do Thái giáo, Kitô Giáo và Hồi giáo. Tôi bày tỏ lòng biết ơn tới ngài Tổng thống Salih về lời mời và những lời chào đón ân cần của ngài, nhân danh các giới chức chính quyền và những người dân yêu quý của đất nước. Tôi cũng chào các thành viên của ngoại giao đoàn và các đại diện của xã hội dân sự.
Tôi xin chào các giám mục và linh mục, các tu sĩ nam nữ và tất cả các tín hữu của Giáo Hội Công Giáo. Tôi đã đến như một người hành hương để khích lệ họ trong chứng tá đức tin của họ, trong hy vọng và tình yêu giữa xã hội Iraq. Tôi cũng chào các thành viên của các Giáo hội Kitô và các Cộng đồng Giáo hội khác, các tín đồ Hồi giáo và các đại diện của các truyền thống tôn giáo khác. Xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết cùng nhau hành trình với tư cách là anh chị em trong “niềm tin chắc chắn rằng những lời dạy đích thực của các tôn giáo mời gọi chúng ta tiếp tục bám rễ vào các giá trị của hòa bình… sự hiểu biết lẫn nhau, tình huynh đệ nhân loại và sự chung sống thuận hòa” (Tài liệu về Tình huynh đệ nhân loại, Abu Dhabi, Ngày 4 tháng 2 năm 2019).
Chuyến thăm của tôi diễn ra vào thời điểm mà toàn thế giới đang cố gắng thoát khỏi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của vô số cá nhân mà còn góp phần làm xấu đi các điều kiện kinh tế và xã hội đã được đánh dấu bằng sự mong manh và không ổn định. Cuộc khủng hoảng này kêu gọi tất cả những nỗ lực phối hợp để thực hiện các bước cần thiết, bao gồm cả việc phân phối vắc xin một cách công bằng cho tất cả mọi người. Nhưng điều này vẫn chưa đủ: cuộc khủng hoảng này trên hết là một lời kêu gọi chúng ta “suy nghĩ lại về phong cách sống của mình… và ý nghĩa của sự tồn tại của chúng ta” (Fratelli Tutti, 33). Vấn đề là làm sao chúng ta có thể bước ra khỏi thời gian thử thách này sao cho tình trạng của chúng ta tốt hơn trước đây, và có thể định hình một tương lai dựa nhiều hơn vào những gì gắn kết chúng ta hơn là những gì chia rẽ chúng ta.
Trong nhiều thập kỷ qua, Iraq đã phải hứng chịu những tác động thảm khốc của chiến tranh, tai họa khủng bố và xung đột giáo phái thường xuất phát từ một chủ nghĩa cực đoan không có khả năng chấp nhận sự chung sống hòa bình của các nhóm dân tộc và tôn giáo, các ý tưởng và nền văn hóa khác nhau. Tất cả những điều này đã mang đến cái chết, sự tàn phá và đổ nát, không chỉ về mặt vật chất: các thiệt hại còn sâu sắc hơn rất nhiều nếu chúng ta nghĩ đến nỗi đau xé lòng của rất nhiều cá nhân và cộng đồng, và những vết thương sẽ phải mất nhiều năm để chữa lành. Ở đây, trong số rất nhiều người đã phải chịu đựng, suy nghĩ của tôi hướng về người Yazidi, những nạn nhân vô tội của những hành động tàn bạo vô nghĩa và bất nhân, những người bị bắt bớ và giết hại vì niềm tin tôn giáo của họ, và chính căn tính cũng như sự sống còn của họ đã bị đe dọa. Chỉ khi chúng ta học cách nhìn xa hơn sự khác biệt của mình và coi nhau như những thành viên của cùng một gia đình nhân loại, chúng ta mới có thể bắt đầu một quá trình hiệu quả để xây dựng lại và để lại cho các thế hệ tương lai một thế giới tốt đẹp hơn, công bằng hơn và nhân bản hơn. Về mặt này, sự đa dạng về tôn giáo, văn hóa và sắc tộc đã là dấu ấn của xã hội Iraq trong nhiều thiên niên kỷ là một nguồn tài nguyên quý giá để thu hút, chứ không phải là những trở ngại phải loại bỏ. Iraq ngày nay được kêu gọi để cho tất cả mọi người, đặc biệt là ở Trung Đông thấy rằng sự đa dạng, thay vì làm nảy sinh xung đột, nên dẫn đến sự hợp tác hài hòa trong đời sống xã hội.
Chung sống huynh đệ đòi hỏi đối thoại kiên nhẫn và trung thực, được bảo vệ bởi công lý và tôn trọng luật pháp. Nhiệm vụ này không phải là dễ dàng; nó đòi hỏi sự làm việc chăm chỉ và một dấn thân gạt bỏ những cạnh tranh và mâu thuẫn, và thay vào đó là nói chuyện với nhau từ bản sắc sâu sắc nhất của chúng ta với tư cách là những con cái chung của cùng một Thiên Chúa và Đấng Tạo Hoá (xem Công Đồng Chung Vatican II, Tuyên bố Nostra Aetate, 5). Trên cơ sở nguyên tắc này, Tòa thánh, ở Iraq cũng như các nơi khác, không ngừng kêu gọi các cơ quan có thẩm quyền ban cấp cho tất cả các cộng đồng tôn giáo sự công nhận, sự tôn trọng, các quyền lợi và sự bảo vệ. Tôi đánh giá cao những nỗ lực đã được thực hiện trong lĩnh vực này, và tôi hiệp cùng những người nam nữ có thiện chí kêu gọi những nỗ lực này được tiếp tục vì lợi ích của quốc gia.
Một xã hội mang dấu ấn của sự hiệp nhất huynh đệ là một xã hội mà các thành viên sống trong tình đoàn kết với nhau. “Đoàn kết giúp chúng ta coi những người khác… như những người hàng xóm, những người bạn đồng hành trên hành trình của chúng ta” (Thông điệp cho Ngày Thế giới Hòa bình năm 2021). Đó là một đức tính giúp chúng ta thực hiện những hành động chăm sóc và phục vụ cụ thể, đặc biệt quan tâm đến những người dễ bị tổn thương và những người đang túng quẫn nhất. Ở đây, tôi nghĩ đến tất cả những người đã mất đi các thành viên trong gia đình và những người thân yêu, nhà cửa và sinh kế do bạo lực, bắt bớ hoặc khủng bố. Tôi cũng nghĩ đến những người tiếp tục đấu tranh cho an ninh và các phương tiện sinh tồn cá nhân và kinh tế trong thời điểm thất nghiệp và nghèo đói ngày càng gia tăng. “Ý thức rằng chúng ta đang chịu trách nhiệm về sự mong manh của người khác” (Fratelli Tutti, 115) phải truyền cảm hứng cho mọi nỗ lực tạo ra các cơ hội cụ thể cho sự tiến bộ, không chỉ về mặt kinh tế, mà còn về mặt giáo dục và chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta. Sau một cuộc khủng hoảng, chỉ đơn giản là xây dựng lại thôi thì chưa đủ; chúng ta cần phải xây dựng lại thật tốt, để tất cả đều có thể tận hưởng một cuộc sống đàng hoàng. Chúng ta không bao giờ thoát ra khỏi một cuộc khủng hoảng trong cùng một tình trạng của chúng ta trước đó; khi thoát ra được, chúng ta hoặc là tốt hơn hoặc là tệ hơn.
Với tư cách là các nhà lãnh đạo chính phủ và các nhà ngoại giao, các bạn được kêu gọi để nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết huynh đệ này. Chống tệ nạn tham nhũng, lạm quyền, coi thường pháp luật là cần thiết, nhưng chưa đủ. Những điều cũng cần thiết khác là cổ vũ cho công lý và thúc đẩy tính trung thực, minh bạch, cũng như củng cố các thể chế chịu trách nhiệm về vấn đề này. Bằng cách này, sự ổn định trong xã hội phát triển và một nền chính trị lành mạnh được hình thành, có thể mang lại cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người trẻ tuổi đông đảo ở đất nước này, một hy vọng chắc chắn về một tương lai tốt đẹp hơn.
Thưa Tổng thống, các nhà chức trách ưu tú, các bạn thân mến! Tôi đến như một người thống hối, cầu xin sự tha thứ của thiên đàng và của các anh chị em tôi vì quá nhiều những tàn phá và tàn ác. Tôi đến như một người hành hương hòa bình nhân danh Chúa Kitô, Hoàng tử của Hòa bình. Chúng tôi đã cầu nguyện biết bao nhiêu trong những năm này cho hòa bình ở Iraq! Thánh Gioan Phaolô II không tiếc bất cứ sáng kiến nào và trên hết đã dâng lời cầu nguyện và những đau khổ của mình cho ý định này. Và Chúa lắng nghe, Ngài luôn lắng nghe! Chúng ta phải lắng nghe Người và bước đi theo đường lối của Người. Cầu mong cuộc xung đột vũ trang bị tắt tiếng! Cầu mong sự lây lan của các vũ khí được hạn chế, ở đây và ở khắp mọi nơi! Cầu mong những lợi ích phe phái được chấm dứt, đó là những lợi ích của những người bên ngoài không liên quan đến người dân địa phương. Cầu mong tiếng nói của những người xây dựng và kiến tạo hòa bình được lắng nghe! Cầu mong cho tiếng nói của những người hèn mọn, những người nghèo khổ, những người nam nữ bình thường muốn sống, làm việc và cầu nguyện trong hòa bình được chú ý. Cầu mong một sự chấm dứt các hành vi bạo lực và cực đoan, bè phái và không khoan dung! Cầu mong có chỗ cho tất cả những công dân muốn hợp tác xây dựng đất nước này thông qua đối thoại và thông qua thảo luận thẳng thắn, chân thành và mang tính xây dựng. Cầu mong cho các công dân biết dấn thân hòa giải và sẵn sàng đặt lợi ích riêng của họ sang một bên, vì thiện ích chung. Trong những năm này, Iraq đã tìm cách đặt nền móng cho một xã hội dân chủ. Muốn vậy, điều cần thiết là phải bảo đảm sự tham gia của tất cả các nhóm chính trị, xã hội và tôn giáo và bảo đảm các quyền cơ bản của mọi công dân. Cầu mong không ai bị coi là công dân hạng hai. Tôi khuyến khích những bước tiến đã đạt được cho đến nay trên hành trình này và tôi tin tưởng rằng chúng sẽ củng cố sự thanh thản và hòa thuận.
Cộng đồng quốc tế cũng có vai trò trong việc thúc đẩy hòa bình ở vùng đất này và ở Trung Đông nói chung. Như chúng ta đã thấy trong cuộc xung đột kéo dài ở nước láng giềng Syria - đã bắt đầu cách đây mười năm! - những thách thức mà thế giới của chúng ta phải đối mặt ngày nay liên quan đến toàn bộ gia đình nhân loại. Chúng đòi hỏi phải có sự hợp tác trên quy mô toàn cầu để giải quyết, trong số những vấn đề khác, sự bất bình đẳng kinh tế và căng thẳng khu vực đang đe dọa sự ổn định của những vùng đất này. Tôi cảm ơn các quốc gia và tổ chức quốc tế đang làm việc tại Iraq để xây dựng lại và hỗ trợ nhân đạo cho những người tị nạn, những người phải di tản trong nước và những người đang cố gắng trở về nhà, bằng cách cung cấp thực phẩm, nước, nhà ở, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và vệ sinh trên khắp đất nước, cùng với các chương trình hòa giải và xây dựng hòa bình. Ở đây tôi không thể không nhắc đến nhiều cơ quan, trong đó có một số cơ quan Công Giáo, trong nhiều năm qua đã dấn thân giúp đỡ người dân đất nước này. Đáp ứng những nhu cầu cơ bản của rất nhiều anh chị em của chúng ta là một hành động bác ái và công lý, và góp phần vào một nền hòa bình lâu dài. Tôi cầu nguyện trong niềm hy vọng rằng cộng đồng quốc tế sẽ không rút khỏi người dân Iraq vòng tay của tình hữu nghị và sự tham gia mang tính xây dựng, mà sẽ tiếp tục hành động trên tinh thần trách nhiệm chung với chính quyền địa phương, không áp đặt lợi ích chính trị hoặc ý thức hệ.
Tự bản chất, tôn giáo phải phục vụ hòa bình và tình huynh đệ. Danh Chúa không thể được sử dụng “để biện minh cho các hành động giết người, lưu đày, khủng bố và áp bức” (Tài liệu về Tình huynh đệ nhân loại, Abu Dhabi, ngày 4 tháng 2 năm 2019). Ngược lại, Thiên Chúa, Đấng đã tạo ra con người bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi, kêu gọi chúng ta truyền bá các giá trị của tình yêu thương, thiện chí và sự hòa thuận. Ở Iraq cũng vậy, Giáo Hội Công Giáo mong muốn trở thành bạn của tất cả mọi người và thông qua đối thoại giữa các tôn giáo, hợp tác một cách xây dựng với các tôn giáo khác để phục vụ cho sự nghiệp hòa bình. Sự hiện diện lâu đời của các tín hữu Kitô ở vùng đất này, và những đóng góp của họ cho đời sống của quốc gia, tạo thành một di sản phong phú mà họ muốn tiếp tục phục vụ cho tất cả mọi người. Sự tham gia của họ vào đời sống công cộng, với tư cách là công dân có đầy đủ quyền, tự do và trách nhiệm, sẽ chứng minh rằng sự đa nguyên lành mạnh về tín ngưỡng tôn giáo, sắc tộc và văn hóa có thể góp phần vào sự thịnh vượng và hòa hợp của quốc gia.
Các bạn thân mến, một lần nữa tôi xin chân thành bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với tất cả những gì các bạn đã và đang làm trong việc xây dựng một xã hội hài hòa, đoàn kết và hòa thuận. Phục vụ lợi ích chung của người dân là một điều cao cả. Tôi cầu xin Đấng Toàn năng nâng đỡ các bạn trong trách nhiệm của các bạn và hướng dẫn các bạn theo những cách thức khôn ngoan, công lý và sự thật. Đối với mỗi người trong số các bạn, gia đình và những người thân yêu của các bạn, và trên tất cả người dân Iraq, tôi cầu xin Chúa ban các phước lành thiêng liêng dư dật. Cảm ơn các bạn!
Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp nhà lãnh đạo người Shia, al-Sistani, của Iraq
Vũ Văn An 06/Mar/2021
Theo bản tin ngày 6 tháng 3 của Aljazeera, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp Đại Giáo Trưởng Ali al-Sistani tại thành phố thánh địa Najaf để thúc giục người Hồi giáo đón nhận các Kitô hữu bị vây khốn của Iraq.

Đại Giáo Trưởng Ali al-Sistani là một trong những nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Hồi giáo Shia. Đức Giáo Hoàng gặp Đại Giáo Trưởng để đưa ra thông điệp về sự chung sống hòa bình, thúc giục người Hồi giáo đón nhận cộng đồng thiểu số Kitô giáo từ lâu vốn bị vây khốn của Iraq.
Cuộc gặp lịch sử vào thứ Bảy tại ngôi nhà khiêm tốn của al-Sistani đã mất hàng tháng mới tổ chức xong, với mọi chi tiết được thảo luận và thương lượng kỹ lưỡng giữa văn phòng của Đại Giáo Trưởng và Tòa Thánh.
Sau cuộc gặp gỡ, văn phòng al-Sistani đã đưa ra một tuyên bố cho biết các thẩm quyền tôn giáo có vai trò trong việc bảo vệ các Kitô hữu ở Iraq và nhà lãnh đạo Shia “khẳng định mối quan tâm của mình rằng các công dân Kitô giáo nên được sống như tất cả người dân Iraq trong hòa bình và an ninh, và với đầy đủ các quyền lợi hiến định ”.
Tòa thánh Vatican cho biết Đức Phanxicô cảm ơn al-Sistani và người Shia đã “lên tiếng bảo vệ những người yếu nhất và bị bách hại nhiều nhất” trong một số thời điểm bạo lực nhất trong lịch sử gần đây của Iraq.
Ngài cho biết thông điệp hòa bình của al-Sistani khẳng định "tính thánh thiêng của sự sống con người và tầm quan trọng của sự đoàn kết của nhân dân Iraq".
Đoàn xe của vị giáo hoàng 84 tuổi, được dẫn đầu bởi một chiếc xe chống đạn, đã dừng lại cho cuộc gặp gỡ tại địa điểm dọc theo con phố hẹp và có hàng cột Rasool của Najaf, mà đỉnh điểm là Đền Imam Ali có mái vòm bằng vàng, một trong những địa điểm được tôn kính nhất trên thế giới dành cho người Hồi giáo phái Shia. Sau đó, ngài đi bộ vài mét đến ngôi nhà khiêm tốn của al-Sistani, nơi mà nhà lãnh đạo Shia đã thuê trong nhiều thập niên.
Một nhóm người Iraq mặc trang phục truyền thống chào đón ngài ở bên ngoài. Khi Đức Phanxicô đeo mặt nạ bước vào ngưỡng cửa, một vài con chim bồ câu trắng được thả ra như một dấu hiệu hòa bình.
Cuộc họp kín nhằm đề cập đến các vấn đề đang gây khó khăn cho cộng đồng thiểu số Kitô giáo của Iraq. Al-Sistani là một nhân vật được tôn kính sâu sắc ở Iraq có đa số dân theo phái Shia và ý kiến của ngài về các vấn đề tôn giáo và các vấn đề khác được người Hồi giáo phái Shia trên toàn thế giới tìm kiếm.
Đối với khối thiểu số Kitô giáo đang ngày càng ít đi ở Iraq, việc thể hiện tình liên đới của al-Sistani có thể giúp bảo đảm vị trí của họ ở Iraq sau nhiều năm di tản - và họ hy vọng có thể giảm bớt sự đe dọa từ các nhóm vũ trang Shia chống lại cộng đồng của họ.
Chuyến thăm đã được truyền hình trực tiếp trên truyền hình Iraq, và người dân đã hoan nghênh cuộc gặp gỡ của hai nhà lãnh đạo đức tin đáng kính.
Ta hãy cầu xin cho Đức Giáo Hoàng: Căn cứ Mỹ tại Iraq vừa trúng 10 quả hoả tiễn
Đặng Tự Do 03/Mar/2021
Hôm thứ Tư 3 tháng Ba, Liên minh do Mỹ dẫn đầu tại Iraq cho biết một cuộc tấn công bằng hoả tiễn đã rớt vào một căn cứ quân sự của liên quân trên đất Iraq.
Người phát ngôn Liên quân là Đại tá Wayne Marotto cho biết vào lúc 7:20 sáng thứ Tư 3 tháng Ba giờ địa phương đã có ít nhất 10 quả hỏa tiễn được bắn vào căn cứ không quân Al Asad ở tỉnh Anbar miền Tây Iraq cách thủ đô Iraq 243km.
Không có báo cáo ngay lập tức về bất kỳ thương vong nào ngoại trừ trường hợp qua đời của một nhà thầu người Hoa Kỳ chết vì nhồi máu cơ tim khi tìm chỗ ẩn nấp.
Hôm thứ Tư, trong bài huấn đức trực tuyến, Đức Thánh Cha nói:
Ngày mốt, nếu Chúa muốn, tôi sẽ đến Iraq để hành hương ba ngày. Từ lâu, tôi đã muốn gặp những người đã phải chịu đựng rất nhiều đau khổ; gặp gỡ Giáo Hội tử đạo đó trong miền đất của Áp-ra-ham. Cùng với các nhà lãnh đạo tôn giáo khác, chúng ta cũng sẽ tiến thêm một bước nữa trong tình anh em giữa các tín hữu. Tôi xin anh chị em đồng hành với chuyến tông du này bằng những lời cầu nguyện của mình, để nó có thể diễn ra theo cách tốt nhất có thể và sinh hoa kết quả như kỳ vọng. Người dân Iraq đang chờ đợi chúng ta; họ đã chờ đợi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nhưng người không được phép đến đó. Người ta không thể làm một dân tộc thất vọng lần thứ hai. Chúng ta hãy cầu nguyện rằng cuộc hành trình này sẽ là một chuyến đi tốt đẹp.
Cuộc tấn công diễn ra chỉ hai tuần sau khi hỏa tiễn tấn công một căn cứ ở miền bắc Iraq, giết chết một nhà thầu dân sự và làm bị thương một thành viên dịch vụ Hoa Kỳ.
Cuộc tấn công ngày 16 tháng 2 đã khiến Hoa Kỳ thực hiện các cuộc không kích nhằm vào một mục tiêu ở Syria mà Ngũ Giác Đài cho rằng đã được sử dụng bởi nhiều lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn.
Hoa Kỳ đã đổ lỗi cho các nhóm này về các cuộc tấn công hỏa tiễn nhằm vào các vị trí của Hoa Kỳ ở Iraq trong những năm gần đây và các quan chức cho biết các cuộc không kích của Hoa Kỳ được đề ra nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai.
Năm ngoái, Iran đã nhắm mục tiêu vào căn cứ Al Asad trong một cuộc tấn công trả đũa việc Mỹ giết chết chỉ huy hàng đầu của Iran là tướng Qassem Soleimani.
Edited by user Saturday, March 6, 2021 4:10:50 AM(UTC)
| Reason: Not specified
|