Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 3/22/2011(UTC) Posts: 3,308
Thanks: 326 times Was thanked: 364 time(s) in 256 post(s)
|
Tin Tong Hop
ĐTC Phanxicô: Bách hại làm cho lửa loan báo Tin Mừng mạnh mẽ hơn
10/2/2019 9:12:24 PM
Bách hại không làm cho lòng hăng say loan báo Tin Mừng bị dập tắt nhưng ngược lại, làm nó bừng cháy mạnh mẽ. Chúa Thánh Thần là nhân vật chính trong hoạt động loan báo Tin Mừng. Nếu không có Chúa Thánh Thần, sẽ không có loan báo Tin Mừng.

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 02/10, ĐTC tiếp tục loạt bài giáo lý về sách Công vụ Tông đồ. Tuần này ĐTC trình bày về những con đường mới của Lời Chúa, dựa trên đoạn sách trích từ chương 8, câu 5-8, nói về việc ông Philípphê giải nghĩa Lời Chúa và sau đó rửa tội cho một quan thái giám người Êtiôpia. ĐTC nói đến tầm quan trọng của việc hiểu Lời Chúa và các bí tích trong đời sống mới trong Chúa Kitô. Đồng thời, ĐTC cũng nhấn mạnh vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc loan báo Tin Mừng. Nếu không có Chúa Thánh Thần thì không có loan báo Tin Mừng.
Bài giáo lý của ĐTC
Sau khi ông Stêphanô tử đạo, cuộc “hành trình” của Lời Chúa dường như bị trì trệ, vì sự hung hăng bách hại tàn bạo chống lại Giáo hội Giêrusalem (Cv 8,1). Sau đó, các Tông đồ ở lại Giêrusalem trong khi các Kitô hữu phân tán đi các nơi khác ở Giuđêa và Samaria.
Bách hại làm cho lửa loan báo Tin Mừng càng mạnh hơn
Trong sách Tông đồ Công vụ, bách hại dường như là tình trạng thường kỳ trong đời sống của các môn đệ, đúng theo lời Chúa Giêsu đã nói: “Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em“ (Ga 15,20). Nhưng thay vì dập tắt ngọn lửa loan báo Tin Mừng, thì bách hại lại làm cho nó bùng cháy mạnh mẽ hơn.
Hành trình mới của Tin Mừng: đến với người ngoại
Phó tế Philípphê bắt đầu loan báo Tin Mừng tại các thành phố của miền Samaria và nhiều dấu lạ chữa lành được thực hiện cùng với việc loan báo Lời Chúa. Vào lúc này, Chúa Thánh Thần đánh dấu một giai đoạn mới trong hành trình của Tin Mừng: thúc đẩy ông Philípphê đi gặp gỡ một người ngoại có tâm hồn cởi mở. Ông Philípphê đứng lên vội vã lên đường và trên con đường vắng vẻ nguy hiểm, ông gặp một quan lớn của nữ hoàng Êtiôpia, người này là tổng quản kho mạc của nữ hoàng. Quan chức này, một thái giám, sau khi lên Giêrusalem hành hương, đang trở về xứ sở của mình. Ngồi trong xe ngựa, ông đọc sách ngôn sứ Isaia, đặc biệt là bài ca thứ tư về “Người Tôi tớ đau khổ”.
Đọc Kinh Thánh thôi chưa đủ, cần phải hiểu ý nghĩa
Ông Philípphê tiến tại gần xe ngựa và hỏi quan thái giám: “Ngài có hiểu điều ngài đọc không?” (Cv 8,30). Người Êtiôpia trả lời: “Mà làm sao tôi hiểu được, nếu không có người dẫn giải?” (Cv 8,31). Người đàn ông quyền thế đó nhận ra rằng cần được hướng dẫn để hiểu Lời Chúa. Ông là một chủ ngân hàng lớn, là bộ trưởng kinh tế, có tất cả sức mạnh của tiền bạc, nhưng ông biết rằng nếu không được giải thích thì ông không thể hiểu; ông khiêm tốn.
Qua sự kiện này, ĐTC nhận xét: Cuộc đối thoại giữa ông Philípphê và vị quan xứ Êtiôpia cũng giúp suy nghĩ về một sự thật là đọc Kinh Thánh thôi thì chưa đủ, nhưng cần hiểu ý nghĩa, tìm ra “tinh túy” bằng cách vượt qua mặt chữ, đi đến Thần trí đã linh hứng chữ viết. Như ĐGH Biển Đức đã nói khi khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục về Kinh Thánh, “chú giải, việc đọc Kinh Thánh thật sự không chỉ là một hiện tượng văn học, […]. Nó là sự chuyển động của cuộc sống của chúng ta (Bài suy gẫm 06/10/2008). Đi vào Lời Chúa là sẵn sàng đi ra khỏi những giới hạn của mình để gặp Chúa và để trở nên giống Chúa Kitô, Đấng là Lời sống động của Chúa Cha.
Chúa Thánh Thần là nhân vật chính của việc loan báo Tin Mừng
Vậy ai là nhân vật chính của bài ca thứ tư về Người Tôi tớ đau khổ mà quan thái giám người Êtiôpia đang đọc? Ông Philípphê đã giúp cho thính giả của ngài chìa khóa để đọc: người tôi tớ đau khổ hiền lành đó, Đấng không dùng sự ác đáp trả lại sự ác, Đấng mà ngay cả khi bị coi là thất bại và không sinh hoa trái, bị chặt đi giữa chừng, lại giải thoát dân chúng khỏi sự gian ác và mang lại kết quả cho Chúa, chính là Chúa Kitô mà ông Philípphê và toàn thể Giáo hội loan báo! Với cuộc Vượt Qua, Người cứu độ tất cả chúng ta. Cuối cùng, người Êtiôpia nhận ra Chúa Kitô và xin được rửa tội để tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu.
Tường thuật này rất hay nhưng ai đã thúc đẩy ông Philípphê đi vào con đường vắng để gặp người đàn ông đó? Ai đã thúc đẩy ông đến gần chiếc xe ngựa? Đó chính là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là nhân vật chính của việc loan báo Tin Mừng. Nếu không có Chúa Thánh Thần thì không có loan báo Tin Mừng. Loan báo Tin Mừng là để Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta loan báo, loan báo bằng chứng tá, ngay cả bằng sự tử đạo, bằng lời nói.
Niềm vui là dấu hiệu của người loan báo Tin Mừng
Sau khi đã giúp người Êtiôpia gặp được Chúa Phục Sinh - ông gặp được Chúa Phục Sinh bởi vì ông hiểu lời tiên tri trong sách ngôn sứ Isaia – ông Philípphê biến đi. Chúa Thánh Thần đem ông đi và sai ông đi làm một sứ vụ khác. Tôi đã nói rằng Chúa Thánh Thần là nhân vật chính của việc loan báo Tin Mừng, vậy đâu là dấu chỉ anh chị em, các Kitô hữu, là người loan báo Tin Mừng? Đó là niềm vui. Ngay cả khi tử đạo. Và ông Philípphê, tràn đầy niềm vui, đã đi đến nơi khác để rao giảng Tin Mừng.
Cuối cùng, ĐTC cầu xin Chúa Thánh Thần làm cho những người nam nữ đã được rửa tội trở thành những người loan báo Tin Mừng, không để lôi kéo người khác đến với mình, nhưng đến với Chúa Kitô; ngài xin Chúa Thánh Thần giúp họ trở thành những người biết dành chỗ để Thiên Chúa hành động, trở thành những người biết làm cho người khác tự do và chịu trách nhiệm trước Chúa.
http://conggiao.info/dtc...mung-manh-me-hon-d-51656
Hồng Thủy (VaticanNews 02.10.2019)
ĐTC khai mạc Tháng Truyền giáo Ngoại thường
10/2/2019 9:04:23 PM
Chiều ngày 1/10, lễ thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, ĐTC đã chủ sự giờ Kinh Chiều tại Đền thờ Thánh Phêrô, khai mạc Tháng Truyền giáo Ngoại thường.

Bài đọc Tin Mừng sau các Thánh Vịnh được trích từ Tin Mừng theo thánh Matthêu, 25,14-33, nói về dụ ngôn ông chủ, trước khi đi xa, đã gọi các đầy tớ lại và trao cho họ những nén bạc, người được 5 nén, người kia 2 nén, người khác 1 nén, để họ sinh lợi.
Kết thúc bài đọc Tin Mừng, Đức Thánh Cha đã có một bài giảng. ĐTC nói rằng: “Thiên Chúa không yêu cầu chúng ta cất giữ cuộc đời và đức tin của chúng ta, nhưng Ngài mời chúng ta làm cho nó sinh lợi. Tháng Truyền giáo Ngoại thường này thúc bách chúng ta trở thành những người chủ động với những nén bạc. Không phải như người cất giữ đức tin và nắm lấy ân sủng, nhưng trở thành những nhà truyền giáo.”
Đức Thánh Cha cũng nói đến cách thức để trở nên những nhà truyền giáo. Trước hết là sống chứng tá về một đời sống biết Chúa Giêsu. Chứng tá là từ khoá có nguồn gốc từ ý nghĩa tử đạo. Các vị tử đạo là những người đầu tiên làm chứng: không phải bằng lời nói mà bằng cuộc sống. Chúng ta phải tự hỏi trong tháng này: chứng tá của tôi thế nào?
Về cuối dụ ngôn, Chúa nói “tài giỏi và trung thành” đối với người dám làm; và ngược lại, “tồi tệ và biếng nhác” đối với đầy tớ chỉ biết phòng thủ. Điều tệ mà đầy tớ này phạm phải là không làm điều tốt, có tội vì sự thiếu sót. Chúng ta nhận được cuộc sống không phải để chôn dưới đất, nhưng để đem nó vào cuộc chơi.
“Thiên Chúa yêu những ai cho đi cách vui tươi” (2Cr 9,7). Ngài yêu một Giáo hội đi ra. Nếu không đi ra thì không phải là Giáo hội. Một Giáo hội đi ra không tìm cách bảo vệ sự yên ắng; nhưng trở nên muối đất và men cho thế giới.
Đức Thánh Cha nhắc đến ba “tôi tớ” đồng hành với chúng ta trong tháng 10 này, họ đã mang lại rất nhiều hoa trái. Trước hết là thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, bằng cầu nguyện ngài đã thổi cháy hoạt động truyền giáo trên thế giới. Thứ đến là thánh Phanxicô Xaviê. Ngài khuấy lên nơi chúng ta câu hỏi: chúng ta có ra khỏi vỏ ốc, chúng ta có thể để lại những tiện nghi vì Tin Mừng không? Và thứ ba là Đấng Đáng kính Pauline Jaricot, người khởi đầu với tiền lương của mình để lập các Hội giáo hoàng truyền giáo. Chúng ta có biến mỗi ngày của chúng ta thành một món quà để làm cho khoảng cách giữa Tin Mừng và cuộc sống được nối lại không?
Ba vị nêu trên, một vị là nữ tu, một linh mục và một giáo dân đồng hành với chúng ta và nói với chúng ta rằng không ai bị loại trừ trong sứ mạng của Giáo hội.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha kêu gọi: “Can đảm lên, Chúa mong đợi rất nhiều từ bạn.”
Vào cuối buổi Kinh Chiều, ĐTC trao Thánh giá truyền giáo cho 5 nữ tu, 3 linh mục và một giáo dân. Những nhà truyền giáo này sẽ đi đến các quốc gia các nhau như Brazil, Kirghizistan, Kazakistan, Nam Sudan, Bangladesh, Campuchia, Cộng hoà dân chủ Congo và Đài Loan. (CSR_5709_2019)
Văn Yên, SJ (VaticanNews 01.10.2019)
Xin thêm lòng tin cho chúng con
10/1/2019 1:58:30 PM
SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXVII - NĂM C (Lc 17, 5-10)
 Đức tin là chủ đề nổi bật trong phụng vụ Chúa Nhật tuần này. Đức tin được đề cập đến trong bài đọc I : "Người công chính sẽ sống nhờ trung tín " (Kb 1,4). Ý tưởng này được Thánh Phaolo lấy để khuyên môn đệ mình là Thimôthê : "Con hãy lấy những lời lành lẽ phải… làm mẫu mực trong đức tin… " (2Tm 1,13-17). Bài Tin Mừng bắt đầu với lời cầu xin của các tông đồ cùng Chúa Giêsu : "Xin thêm lòng tin cho chúng con! " (Lc 17, 5-6).
Thay vì thỏa mãn lòng ao ước của các ông, Chúa Giêsu xem ra muốn làm đức tin lớn mạnh hơn. Người nói : "Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng :'hãy bứng rễ lên mà đi trồng dưới biến', nó liền vâng lời các con " (Lc 17,6). Chúng ta lấy câu này làm lời cầu xin của mình trong thế giới hôm nay. Chúa Giêsu có ngoa ngữ hay không khi nói đức tin của các môn đệ chỉ bằng hạt cải thôi, cũng có thể làm những điều con người không bao giờ nghĩ tới. Đúng như vậy, người đơn sơ, khiêm tốn nhưng có đức tin mạnh mẽ thì có thể chuyển núi dời non. Chẳng hạn như, một người cha hay một người mẹ, lúc phải đối mặt với những khó khăn nặng nề hay một ai đó đang lâm bệnh rất nặng mà có đức tin, thì những người đến thăm họ sẽ cảm nhận được sự thanh thản và bình an. Quả thật, những người ấy, nhờ đức tin của họ, đã không tự hào về những gì mình làm, nhưng, như Chúa Giêsu bảo họ: "Chúng con chỉ là những người tôi tớ. Chúng con chỉ làm những điều phải làm" (Lc 17,10).
Sống trong thời buổi ngày hôm nay, hỏi bao nhiêu người trong chúng ta có được đức tin mạnh mẽ để làm được những điều cả thể.
Đức Tin là gì ?
Đức tin không phải là một vấn đề phức tạp. Những hoàn cảnh vốn phức tạp, nhưng bản thân đức tin lại rất đơn giản. Tin chính là biết Thiên Chúa là ai, biết Ngài hằng yêu thương và muốn giúp đỡ chúng ta, Ngài sẽ thực hiện cho dù sự hiểu biết ấy trái ngược với những hiểu biết thông thường của chúng ta và biết rằng Ngài nghe lời chúng ta cầu nguyện.
Đức tin thì không giao động hoặc hoài nghi. Thiên Chúa biết chúng ta không hoàn hảo. Khi chúng ta có lòng tin, chúng ta sẽ vững vàng tin tưởng vào Chúa, không bị lay động bởi những tin tức xấu hoặc xu hướng xấu (x. Tv 112,7). Mỗi người tuỳ theo lượng đức tin Thiên Chúa đã phân phát cho (x.Rm 12,3). Vì thế, chúng ta phải xin Chúa ban cho món quà của Thần Khí là ơn đức tin (x. 1 Cr 12,9). Xin Thiên Chúa gia tăng lòng tin nơi chúng ta (x. Lc 17, 5).
Sự cần thiết của Đức Tin
Còn sống là còn cần đến đức tin. Đức tin để tin tưởng và đón nhận Lời được viết; để nghe những Lời từ Thiên Chúa ; để vâng phục và thi hành ý Chúa; tin vào Chúa trong những lúc ngặt nghèo; phó thác mọi sự trong tay Chúa; đương đầu với những thử thách và ngay cả những hoàn cảnh không thể. Tiên tri Khabacuc mô tả người có đức tin, cậy dựa vào Chúa, nhưng bị thử thách quá sức : "Lạy Chúa, con kêu cầu Chúa cho đến bao giờ mà Chúa không nghe? Con phải ức ép kêu lên cùng Chúa, mà Chúa không cứu con sao? Cớ sao Chúa tỏ cho con thấy sự gian ác và lao khổ, cướp bóc và bất lương trước mặt con? Dù có công lý, nhưng kẻ đối nghịch vẫn thắng" (Kb 1,2-3). Chúa bảo : "Người công chính sẽ sống nhờ trung tín" (Kb 1,5). Đức tin cho ta rất nhiều thứ.
Để hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa trong cuộc đời ta, chắc chắn chúng ta phải cần đến đức tin. Làm sao để đức tin của chúng ta lớn mạnh là việc chúng ta phải làm ngay hôm nay. Chúng ta sẽ không có được đức tin để chuẩn bị cho tương lai nếu chúng ta không bắt đầu luyện tập và củng cố thêm đức tin của chúng ta ngay từ bây giờ.
Tháng truyền giáo, tháng Mân Côi
Bước vào tháng Mười, tháng dành riêng cho việc truyền giáo, với chủ đề : "Được Rửa tội và được sai đi. Giáo Hội của Chúa Kitô với sứ mạng truyền giáo trên thế giới". Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi toàn thể Giáo Hội cử hành "Tháng ngoại thường về truyền giáo" này để cầu nguyện cho hòa bình thế giới và làm mới mẻ lại tinh thần Loan Báo Tin Mừng nơi người Kitô hữu.
Chúng ta nhớ đến các nhà truyền giáo đang hăng say rao giảng và mang Tin Mừng đến cho người khác, họ đã phải vượt qua những khó khăn đủ loại, kể cả trao ban sự sống. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho họ ơn can đam, nâng đỡ họ, để họ can đảm, như thánh Phaolo nói với Timôthê : "Con chớ hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, và cho cha nữa, là tù nhân của Người, nhưng con hãy đồng lao cộng tác với cha vì Tin Mừng, nhờ quyền năng của Thiên Chúa" (2Tm 1,8). Mỗi chúng ta cũng có thể làm chứng cho Chúa, với sức mạnh của Thiên Chúa, sức mạnh của niềm tin. Ðức tin của chúng ta nhỏ bé nhưng mạnh mẽ: với sức mạnh đó chúng ta làm chứng cho Chúa Giêsu, là những người Kitô hữu bằng đời sống, bằng chứng ta của chúng ta.
Và làm thế nào để chúng ta có được sức mạnh ấy? Chúng ta phải cầu xin. Lời cầu nguyện là hơi thở của đức tin. Lời cầu nguyện, đức tin, tình yêu liên kết với nhau vốn là điều không thể thiếu, lời cầu nguyện là thưa chuyện với Thiên Chúa.
Tháng 10 cũng là tháng Mân Côi, chúng ta hiệp ý cùng nhau cử hành hành vi đức tin với Ðức Trinh Nữ Maria Rất Thánh Mân Côi, Mẹ chúng ta, đồng thời xin Mẹ là cô giáo của trường cầu nguyện, trường đức tin dạy chúng ta siêng năng lần chuỗi Mân Côi để cầu cho thế giới được muôn muôn sự lành. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Đức Hồng Y Walter Brandmuller: Bóng ma ly giáo tại Đức càng ngày càng tỏ tường
10/3/2019 1:31:54 PM
Hôm 1 tháng Mười, Đức Hồng Y Walter Brandmüller - nguyên Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Khoa học Lịch sử - đã ra một tuyên bố đăng trên Kath.net của Công Giáo Áo trong đó ngài khuyên những người Đức, đồng bào của ngài, đừng lao vào con đường tiến trình công nghị “có hiệu quả ràng buộc” trong đó xét lại các giáo huấn và kỷ luật của Giáo Hội về luật độc thân linh mục, việc phong chức cho phụ nữ và chúc lành cho các kết hiệp đồng tính luyến ái. Con đường đó sẽ dẫn đến một “giáo hội quốc gia” mà “gần như không có bất kỳ mối quan hệ nào với Rôma”. Ngài cũng cảnh báo rằng “con đường này chắc chắn dẫn đến diệt vong.”
 “Không còn có thể thờ ơ nữa: bóng ma của một giáo hội quốc gia ở Đức càng ngày càng tỏ tường” Đức Hồng Y viết. Ngài nhấn mạnh rằng “tình trạng cô lập trong phạm vi quốc gia của những người Công Giáo Đức còn sót lại, khi co cụm trong một thứ Đức Giáo, gần như không có bất kỳ mối quan hệ đến Rôma, chắc chắn sẽ là con đường diệt vong.”
Đức Hồng Y Brandmüller lưu ý rằng Chúa Giêsu đã “nói về Giáo Hội của Ngài ở dạng số ít” – “im Singular” [nguyên văn: Jesus Christus von seiner Kirche im Singular spricht. Nicht anders sein Apostel Paulus, der die Kirche den – natürlich nur einen – Leib Christi nennt. Chúa Giêsu Kitô nói về Giáo Hội của mình ở dạng số ít. Cũng thế Thánh Phaolô, người gọi Giáo Hội là thân thể - dĩ nhiên chỉ có một - của Chúa Kitô”.
Ngài nhận xét rằng thật là “ngỡ ngàng” khi thấy Giáo Hội Công Giáo ở Đức lại theo đuổi một con đường “tự hủy hoại, theo chủ nghĩa quốc gia cực đoan.”
Cảnh báo của Đức Hồng Y tương tự như nhận xét của Đức Hồng Y Rainer Woelki, tổng Giám Mục Köln, vào đầu tháng Chín khi ngài cảnh báo về một “ly giáo trong Giáo Hội ở Đức” mà chung cuộc sẽ dẫn đến một thứ “Đức Giáo”.
Với các kiến thức uyên thâm của một vị từng là Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Khoa học Lịch sử, Đức Hồng Y Brandmüller cho biết tiến trình công nghị ở Đức ngày nay bắt nguồn từ lịch sử tư tưởng Đức về một “giáo hội quốc gia” và tình cảm chống Rôma, là điều đã phát triển ngày càng tỏ tường từ hậu bán thế kỷ 20, khi các Giám Mục Đức càng ngày càng tỏ ra bất chấp các quyết định từ Rôma.
Đức Hồng Y Brandmüller giải thích: “Những gì đã tiếp tục âm ỉ kể từ cuộc khủng hoảng Chủ nghĩa Hiện đại chưa được giải quyết [vào đầu thế kỷ 20], giờ đây đã bùng phát rõ rệt, ồn ào, với một sự kịch liệt mới.”
Để minh họa, Đức Hồng Y Brandmüller nói rằng các Giám Mục Đức đã “tương đối hóa” lệnh cấm của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI trong Thông điệp Humanae Vitae – Sự sống con người - về ngừa thai nhân tạo và cho đến tận ngày nay nhiều vị chưa bao giờ thay đổi quan điểm của họ.
Đức Hồng Y cho biết các Giám Mục Đức đã đưa ra “Tuyên bố Königstein”, trong đó cho phép các cặp vợ chồng được quyết định theo lương tâm của họ có nên sử dụng các phương tiện và các thực hành nhằm tránh thai hay không. Ngài nhận xét chua chát rằng cho đến nay “các Giám Mục Đức vẫn khăng khăng chống Huấn Quyền Hội Thánh. Không vị Giáo Hoàng nào kế vị Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục thành công trong nỗ lực buộc các Giám Mục Đức xem xét lại tuyên bố này.”
Đức Hồng Y Brandmüller đặc biệt đề cập đến Thượng Hội Đồng Würzburg kéo dài từ 1971 đến 1975, vì theo ngài có một số điểm tương đồng với tiến trình công nghị hiện nay. Thượng Hội Đồng đó rõ ràng cũng “đã phá vỡ truyền thống Thượng Hội Đồng của Giáo Hội, cả về mặt quy chế lẫn các chương trình nghị sự khi cho người giáo dân có quyền biểu quyết và có số tham dự viên tương đương với con số các Giám Mục và linh mục tham dự Thượng Hội Đồng.” Những thành viên cũng được lựa chọn từ Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức (ZdK), là những người có một lịch sử lâu dài chống lại các giáo huấn của Giáo Hội về luật độc thân linh mục, phong chức cho phụ nữ và các giáo huấn về đạo đức tính dục. Vấn đề này cũng xảy ra tương tự trong tiến trình công nghị được bắt đầu vào đầu Mùa Vọng sắp đến.
Một tương đồng khác là mức độ chống đối Thượng Hội Đồng Würzburg vào thời điểm đó, Đức Hồng Y Brandmüller cho biết “Giáo sư Joseph Ratzinger [sau này là Đức Giáo Hoàng Benedict XVI] và Đức Cha Karl Forster - lúc đó là thư ký của Hội đồng Giám mục – đã bỏ ngang Thượng Hội Đồng này để phản đối.” Ngày nay, điều đó cũng xảy ra tương tự. Giáo sư Marianne Schlosser - một thành viên trong diễn đàn thảo luận về phụ nữ tại tiến trình công nghị này - đã tuyên bố rời khỏi diễn đàn thảo luận, và Đức Cha Rudolf Voderholzer của Regensburg công bố rằng ngài có thể sẽ bỏ ngang tiến trình công nghị này tại bất cứ thời điểm nào.
Ngược dòng lịch sử, Đức Hồng Y Brandmüller, nhận xét rằng vị Giáo Hoàng bị các Giám Mục Đức chống đối mạnh nhất là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
“Đức Gioan Phaolô II đã vấp phải một sự phản kháng mạnh mẽ hơn các vị khác khi ngài cấm các trung tâm tư vấn của Giáo Hội tại Đức cấp ‘giấy chứng nhận tư vấn’ cho các phụ nữ mang thai. Luật ở Đức đòi các phụ nữ phải có ‘giấy chứng nhận tư vấn’ như một điều kiện tiên quyết để có thể phá thai hợp pháp.” Vị Giáo Hoàng Ba Lan lý luận rằng cái giấy đó “thực tế là án tử hình của những đứa trẻ chưa chào đời,” Đức Hồng Y giải thích. Ngài cho biết thêm: “Quyết định này phát sinh một sự kháng cự mạnh mẽ và dai dẳng nơi hầu hết các Giám Mục Đức, đặc biệt là Đức Hồng Y Lehmann và Đức Giám Mục Kamphaus.”
Đức Hồng Y cũng phàn nằn rằng nhiều Giám Mục Đức không có lòng khiêm nhường và có khuynh hướng muốn trở thành “bậc thầy” của Giáo Hội Hoàn Vũ khi muốn xuất cảng ý tưởng của mình sang các quốc gia khác.
Điều này thể hiện rõ trong bức thư gần đây của Đức Hồng Y Reinhard Marx trả lời cho Đức Hồng Y Marc Ouellet, tổng trưởng Bộ Giám Mục vào ngày 12 tháng 9 vừa qua. Vị tổng trưởng Bộ Giám Mục đã gởi cho Hội Đồng Giám Mục Đức bản đánh giá pháp lý của Hội đồng Tòa Thánh về giải thích các văn bản luật trong đó khẳng định rằng:
“Làm thế nào một Giáo Hội địa phương có thể thảo luận với hiệu quả ràng buộc khi các chủ đề thảo luận có liên quan đến toàn thể Giáo Hội? Hội Đồng Giám Mục không thể mang lại hiệu lực pháp lý cho các nghị quyết về các vấn đề này, điều đó vượt quá khả năng của nó”.
Đức Hồng Y Marx trả lời Đức Hồng Y Ouellet một cách ngạo mạn rằng ngài hy vọng tiến trình công nghị ở Đức sẽ giúp Giáo Hội Hoàn Vũ: “Chúng tôi hy vọng rằng kết quả của việc hình thành một ý kiến cho những vấn đề này ở đất nước chúng tôi sẽ hữu ích cho Giáo Hội Hoàn Vũ trong việc hướng dẫn cho các Hội Đồng Giám Mục khác trên cơ sở từng trường hợp một. Dù thế nào đi nữa, tôi không thể hiểu tại sao mà những vấn đề đã được huấn quyền quyết định chung cuộc lại không thể được đưa ra thảo luận trong bất kỳ cuộc tranh luận nào, như các bài viết của ngài đề xuất.”
Đức Hồng Y đã đề cập đến các nỗ lực của các Giám Mục Đức muốn “ảnh hưởng” đến Giáo Hội Hoàn Vũ từ “nguồn tiền dồi dào chảy từ tiền thuế đóng cho Giáo Hội Đức sang các vùng nghèo hơn trên thế giới, qua đó tăng cường ảnh hưởng của Đức trên trường quốc tế. Chẳng hạn, ảnh hưởng của Đức đối với Thượng Hội Đồng Amazon.
Nhưng trong bối cảnh thực tế là số người Công Giáo ở Đức chính thức làm đơn lên tòa án xin bỏ đạo, Đức Hồng Y Brandmüller gọi sự tự phụ của các Giám Mục đồng hương là một sự “ngạo mạn đáng xấu hổ”.
Đặng Tự Do (WHĐ 02.10.2019/ Kath.net)
Trung cộng cho nổ tung tượng Phật Quan Âm cao nhất thế giới

Chính quyền Trung cộng đã cho “thổi bay đầu” một tượng Phật Quan Âm cao gần 60 mét, công trình trị giá gần 59 tỷ đồng tiền VC được tạo tác trên vách núi. Sau đó lo ngại người dân phục dựng, chính quyền đã cho nổ tung toàn bộ bức tượng, theo Bitter Winter.
Bức tượng vị Phật có tên Tích Thủy Quan Âm, cao 57,9 m, tượng được tạc dựng trên vách núi, hậu điện chùa Hoàng An, thuộc huyện Bình San, thành phố Thạch Gia Trang, Hà Bắc, Trung cộng. Ngoài việc là một địa điểm cho du khách tới tham quan, cầu nguyện, người dân khu vực này cũng thường xuyên tới đây bái Phật. Chùa Hoàng An cũng là một trong những danh lam thắng cảnh của Trung cộng, và là địa điểm bảo vệ văn vật trọng điểm của tỉnh Hà Bắc.
 Theo tạp chí Tự do Tôn giáo Bitter Winter, vào ngày 2/2 năm nay, các quan chức chính quyền địa phương đã dùng mìn cho nổ tung phần đầu của tượng, hành vi này được các cư dân mạng Trung cộng đại lục ví như là hành vi của “Nhà nước Hồi giáo ISIS”. Cho đến nay, đây là tượng Phật Quan Âm bằng đá cao nhất thế giới được điêu khắc trên vách núi.
Vài ngày sau khi phá dỡ, sợ người dân sẽ phục dựng lại tượng Phật, các quan chức địa phương đã ra lệnh nổ tung hoàn toàn phần thân còn lại của tượng Tích Thuỷ Quan Âm.

Tượng Phật Tích Thuỷ Quan Âm bị phá huỷ và bốc khói.
Tờ Bitter Winter trích dẫn nguồn tin thân cận, lệnh phá huỷ tượng Phật là do Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung cộng (ĐCSTC) ban hành với lý do: “Bây giờ số lượng người tín ngưỡng tôn giáo quá nhiều, tất cả các nơi trên toàn quốc đều đang cấm chỉ mọi người cúng bái tượng Phật”.
 Bức tượng Tính Thủy Quan Âm sau khi bị chính quyền Trung cộng dùng mìn ‘thổi bay’ phần đầu.
Vào ngày 30/1/2019, hơn 20 quan chức chính quyền tỉnh, thành phố, quận và nhân viên an ninh công cộng đã xông vào danh lam thắng cảnh chùa Hoàng An, lệnh cấm giới nghiêm toàn bộ tôn giáo của địa phương, cấm người dân vào chùa. Chính quyền đã đe dọa những ai lên tiếng can thiệp và chống lại việc phá hủy tượng Phật.
Cũng theo bài báo của Bitter Winter, một công nhân giấu tên – người đã tham gia vào vụ việc phá tượng, cho biết, rằng kế hoạch nổ mìn tượng Phật đã được lên kế hoạch bởi các chuyên gia, và tới hiện trường tham dự “phá tượng” có các quan chức chính quyền tỉnh, thành phố, quận, huyện.

Tượng Phật Tích Thuỷ Quan Âm nhìn từ xa.
Một người dân địa phương cho biết, phải mất gần 5 năm mới điêu khắc xong bức tượng, bức tượng trị giá khoảng 17 triệu nhân dân tệ (gần 59 tỷ đồng). Sau khi hoàn thành tượng Phật, nơi đây đã thu hút rất nhiều lượt khách du lịch đến thăm và thờ cúng, thể hiện lòng kính trọng Thần Phật của người dân.
Cũng theo người dân này: “Mọi người đều bái Phật, nói Phật Tổ tốt, không nói rằng ĐCSTC tốt, ĐCSTC có vui trong lòng không?”, và rằng: “Không tin tưởng ĐCSTC, ĐCSTC liền cho nổ tung tượng Phật”.

Tượng Phật Tích Thuỷ Quan Âm trước khi bị phá huỷ.
Bắt đầu từ năm ngoái, Trung cộng đã thương mại hóa Phật giáo và Đạo giáo, “chỉnh đốn” các nơi thờ cúng tôn giáo, nhiều pho tượng Phật ngoài trời tại các khu danh lam thắng cảnh bị niêm phong, phá hủy. Tuy nhiên, việc phá hủy tượng các bức tượng lớn ở các địa điểm du lịch là nghiêm trọng nhất.
Banned Book cũng đưa tin, vào tháng 7 năm ngoái, chính quyền tỉnh Thiểm Tây đã làm theo văn kiện bí mật của Bắc Kinh về việc “Tăng cường quản lý các địa điểm tôn giáo”, lấy lý do xây dựng trái phép và bắt đầu chiến dịch phá hủy các địa điểm tôn giáo và các pho tượng Phật trong tỉnh, nhiều chùa cổ, chùa Phật giáo và Đạo quán liên tiếp bị phá hủy..
Trung cộng phá huỷ tượng Phật với lý do ‘chỉnh lý’ công trình trái phép

Bức tượng vị Phật có tên Tích Thủy Quán Âm khi bị phá hủy phần đầu. Sau đó chính quyền Trung cộng cho hủy nốt phần thân của bức tượng.
Tóm tắt bài viết:
Chính quyền tỉnh Thiểm Tây, Trung cộng đã tiến hành các chiến dịch phá hủy các pho tượng Phật theo một văn kiện bí mật, theo tạp chí Tự do Tôn giáo Bitter Winter.
Vào ngày 2/2, chính quyền Trung cộng đã cho "thổi bay" một tượng Phật Quan Âm, cao 57,9 m, công trình trị giá gần 59 tỷ đồng được tạo tác trên vách núi, hậu điện chùa Hoàng An, Hà Bắc, Trung cộng.
Trong tuần đầu tiên tháng 11/2018, chính quyền địa phương bí mật tháo dỡ pho tượng "Phật Quan Âm Tam Diện" nổi tiếng ở chùa Thiết Phật.
Điện Long Vương trong Thiền viện Quan Âm của Trung Nam Sơn, tỉnh Thiểm Tây đã bị phá huỷ hoàn toàn.
 Chính quyền Trung cộng đã tiến hành một chiến dịch phá hủy các pho tượng Phật và các địa điểm tín ngưỡng tôn giáo của người dân theo một “văn kiện bí mật”, tạp chí Bitter Winter đưa tin.
Phong trào phá hủy những nơi thờ cúng linh thiêng làm người dân Trung cộng liên tưởng đến sự hồi sinh của thời kỳ “Cách mạng Văn hóa thứ hai”, khi các ngôi đền cổ, chùa chiền Phật giáo và các Đạo quán liên tiếp bị đập phá.
Việt Nam Sợ Tàu Là Có Thật
Phạm Trần October 3, 2019
Những hành động mới cho thấy đảng CSVN đã chọn biết sợ Trung Cộng là giải pháp tốt nhất để tồn tại.
Chủ trương này xẩy ra trong bối cảnh tầu Hải Dương 8 (HD-8), được nhiều tầu Quân sự và Hải giám Trung Cộng hộ tống, tiếp tục công tác tìm kiếm dầu khí, bắt đầu từ ngày 03/07 (2019), ở bãi Tư Chính và vùng biển lân cận, bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 Hải lý (khoảng 370 cây số) của Việt Nam.
Phía Việt Nam cũng đã gửi một số tàu võ trang của Hải Quân và lực lượng Cảnh sát biển đến vùng Tư Chính để bảo vệ an ninh cho các giàn khoan dầu hỗn hợp giữa Việt Nam với Nga và Ấn Độ.

Tuy nhiên, cả Trung Cộng và Việt Nam đều không thông báo về hoạt động của đôi bên, dường như là để che đậy về cường độ mâu thuẫn.
Nhưng sự thể phía Trung Cộng tiếp tục để HD-8 hoạt động sau 3 tháng có mặt và chưa có dấu hiệu rút lui là một thách thức mới cho quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Khác với năm 2014, khi giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) vào bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở vị trí cách đảo Lý Sơn, Tỉnh Quảng Ngãi, khoảng 120 Hải lý, hay lối 220 cây số, về hướng đông thì nó chỉ đứng nguyên ở đó từ ngày 01/05/2014 đến ngày rút lui 16/07/2014.
Ngược lại, nay bãi đá Chữ Thập ở phía bắc Tư Chính, bị Trung Cộng chiếm năm 1988, đã biến thành đảo nhân tạo với bến cảng kiên cố, sân bay và có quân lính bảo vệ nên HD-8 và các tầu hộ tống của Trung Cộng đã sử dụng Chữ Thập làm trạm nghỉ ngơi và tiếp tế nên có thể hoạt dồng dài ngày.
Hành động của Trung Cộng ở vùng Tư Chính, cực nam trong hình lưỡi Bò (hay đường 9 Đoạn) tự vẽ để chiếm ¾ tổng diện tích trên 3 triệu cây số vuông Biển Đông, là nhằm chống hợp tác dầu khí giữa Việt Nam với nước khác, không phải là Trung Quốc. Bởi vì từ năm 1977, khi lãnh đạo Trung Cộng là Đặng Tiểu Bình còn sống đã đưa ra đề nghị “gác tranh chấp để cùng khai thác”, với các nước có tranh chấp với Bắc Kinh gồm Việt Nam, Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai và Brunei.
Từ đó đến nay, qua nhiều lãnh đạo kế vị Đặng Tiểu Bình, Trung Hoa vẫn không đạt được mục đích hợp thức hóa quyền chủ quyền không hề có của mình ở Biển Đông.
Nhưng đến thời Tập Cận Bình thì áp lực của Trung Công đối với 5 nước Đông Nam Á gia tăng rõ rệt, song song với kế hoạch dùng viện trợ kinh tế và kỹ thuật, trong chủ trương “Một vành đai, một con đường” (Nhất đới, Nhất lộ) để mua chuộc và thao túng.
PHI LUẬT TÂN-TRUNG CỘNG
Cho đến nay, mặc dù bị Tòa án hòa giải quốc tế bác quyền chủ quyền của Trung Cộng trong hình lưỡi Bò, trong phán quyết Phi Luật Tân kiện Trung Cộng ngày ngày 12 tháng 7 năm 2016, nhưng Bắc Kinh tuyên bố không công nhận phán quyết này.

Từ lâu, Phi Luật Tân tuyên bố chủ quyền ở vùng biển Tây Phi Luật Tân ở bãi cạn Scarborough, Đá Vành Khăn (Micchief) và bải Cỏ Mây (Second Thomas), nhưng bị Trung Cộng bác bỏ. Bắc Kinh đã đem quân đồn trú và thường xuyên đe dọa ngư dân Phi đánh bắt ở đây.
Do đó, trước áp lực và được nhiều viện trợ của Trung Cộng, Tổng thống Phi Luật Tân Rodrido Duterte đã đồng ý hợp tác với Trung Hoa để tìm dầu khí chung với tỷ lệ ăn chia 60 – 40 nghiêng về Philippines.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh cuối tháng 8/2019, ông Duterte đã công bố quyết định thành lập ban nghiên cứu giữa hai nước, sau cuộc họp với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình.
Theo Tân Hoa Xã của Trung Hoa thì Họ Tập nói với Tổng thống Duterte:”Hai nước nên đặt tranh chấp qua một bên, loại trừ sự can thiệp từ bên ngoài, và có thể tiến một bước lớn hơn đối với việc phát triển dầu khí chung.”
VẪN THÂN THIỆN
Vậy liệu lãnh đạo Cộng sản Việt Nam có noi theo Phi Luật Tân, trong bối cảnh của Tư Chính không?
Chưa có dấu hiệu như thế, nhưng chỉ thấy Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã không đưa ra bất kỳ lời tuyên bố nào làm phật lòng Tập Cận Bình từ khi xẩy ra vụ HD-8.
Ngược lại, ông Trọng và Chính phủ CSVN vẫn tỏ ra thân thiện, trên giấy trắng mực đen với nhà cầm quyền Trung Quốc. Bằng chứng do Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV, Voice of Vietnam) đưa tin ngày 29/09 (2019:” Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1/10/1949 – 1/10/2019), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gửi điện mừng tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Cộng Tập Cận Bình, Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Lật Chiến Thư.”
VOV viết tiếp:”Các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta chúc mừng những thành tựu to lớn của Trung Cộng trong 70 năm qua, đặc biệt sau hơn 40 năm cải cách mở cửa; chúc nhân dân Trung Cộng tiếp tục giành được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp cải cách mở cửa, sớm xây dựng Trung Cộng trở thành nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hoà và tươi đẹp, đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới.”

Điện mừng khẳng định: ”Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Cộng, mong muốn cùng Trung Cộng tiếp tục củng cố truyền thống láng giềng hữu nghị, làm sâu sắc các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi, kiểm soát và xử lý thỏa đáng các vấn đề tồn tại trên cơ sở tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế, đáp ứng lợi ích căn bản, lâu dài của hai nước và nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực và thế giới, cùng hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Cộng vào năm 2020.”
Trong khi đó, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Nguyễn Phương Nga cũng đã nói trong buổi liên hoan mừng Quốc khánh Trung Hoa:” Việt Nam coi trọng cao độ quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện với Trung Quốc, và luôn mong thúc đẩy quan hệ hai nước không ngừng đi vào chiều sâu. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội Hữu nghị Việt-Trung sẽ tiếp tục duy trì hợp tác chặt chẽ với bạn bè Trung Quốc, tổ chức càng nhiều hoạt động, tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước để chào đón 70 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.”
PHẠM BÌNH MINH
Riêng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cố tình tránh không nói tên Trung Cộng, trong diễn văn ngày 28/09 (2019) tại Liên Hiệp Quốc. Ông Minh đã có lần lên án đích danh Trung Cộng tại Hội nghị các nước ASEAN (Đông Nam Á).
Về Biển Đông, ông Minh nói với Liên Hiệp Quốc: ”Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) – “Hiến chương của Biển và Đại dương”. Kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Biển Đông có ý nghĩa chiến lược đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới. Nhận thức rõ điều đó, các quốc gia liên quan đã có nhiều nỗ lực, đạt được những kết quả tích cực về giải quyết bất đồng, tranh chấp. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã nhiều lần nêu rõ sự lo ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, trong đó có việc vi phạm các quyền chủ quyền, quyền tài phán tại các vùng biển của Việt Nam được xác định theo UNCLOS 1982. Các bên liên quan cần kiềm chế và tránh có những hành động đơn phương làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng, và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.”

Tuyên bố của ông Minh, chắc chắn không phải của riêng ông mà là của Bộ Chính trị do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu. Mà ông Trọng là người nổi tiếng thân Bắc Kinh thì ai cũng biết.
Cha ông Minh là nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, tên thật là Phạm Văn Cương, một người công khai chống việc để cho Việt Nam bị lê thuộc vào Trung Cộng dưới thời nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, sau Hội nghị Thành Đô năm 1990.
Có tin nói, vì không bằng lòng với áp chế của Trung Cộng vào Việt Nam mà ông Thạch đã cảnh giác ông Linh rằng: “Thời kỳ Bắc thuộc mới đã bắt đầu.”
Sau đó ông Nguyễn Cơ Thạch đã bị Trung Cộng yêu cầu ông Linh phải loại ra khỏi Bộ Chính trị và luôn cả Đại hội đảng 7 thời Đỗ Mười, năm 1991.
Hai ông Linh và Mười đã cúi đầu tuân lệnh Bắc phương là một vết nhơ trong lịch sử bang giao Việt-Trung mà ai ở Việt Nam cũng biết.
Giờ đây, trong khi nối nghiệp Cha, ông Phạm Bình Minh đã không có nghĩa khí như Cha mình, nhưng ngược lại cả Bộ Chính trị, trong đó có ông Minh đã sợ Tàu cộng ra mặt. -/-
Phạm Trần (10/019)
Kỷ niệm 70 năm, Trung Quốc phải chấp nhận thách thức to lớn nhất: cải cách chính trị và mở cửa
02/10/201911:04:00(Xem: 940) David Shambaugh - Đỗ Kim Thêm dịch
Kỷ niệm 70 năm, Trung Quốc phải chấp nhận thách thức to lớn nhất: cải cách chính trị và mở cửa
Lời dịch giả: Nhân dịp lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân, Trung Quốc đã thể hiện những mâu thuẩn rõ rệt, vừa ca ngợi thành tích vừa lừa dối lịch sử cận đại.
Trong bài phát biểu, Tập Cận Bình tuyên bố là Trung Quốc đã tổ chức đất nước như một lực lượng hòa bình có trách nhiệm. Trong một đoạn văn khác, Tập nói rằng không có sức mạnh nào có thể làm lung lay nền tảng của quốc gia vĩ đại này. Dù không ám chỉ Hoa Kỳ, điều đó tất nhiên ai cũng hiểu như vậy. Với một cuộc diễn hành quân sự đã cho thấy Tập muốn Trung Quốc trở thành siêu cường. Các hoả tiển viễn liên mới được trang bị bằng mười đầu đạn có thể tới lãnh thổ Mỹ trong nửa giờ. Đó là một thí dụ.
Nhưng Việt Nam có chứng minh sự lừa dối của Trung Quốc với các bằng chứng hùng hồn nhất. Trong lúc Tập đọc diễn văn tại Bắc kinh, thì tàu “khảo sát” Hải Dương 8 “mở rộng khu vực khảo sát dọc theo 9 lô dầu mà Trung Quốc tự nhận và mở thầu năm 2012, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”. Trước đây, tàu Hải Dương 8 quấy phá khu vực Nam Biển Đông, hiện nay vẫn tiếp tục đe dọa hoạt động của Giàn khoan Hakuryu-5 tại khu vực này. Hoạt động của Trung Quốc từ chỗ chỉ tập trung ở khu vực Bãi Tư Chính, nay đã mở rộng thành hai khu vực: Bãi Tư Chính và vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận.
Nhưng Việt Nam thiếu can đảm tố cáo đích danh việc vi phạm chủ quyền lãnh thổ, nên làm cho Trung Quốc ngang nhiên tiếp tục lừa dối về thiện chí hiếu hoà.
Công luận quốc tế thán phục sự phát triển của Trung Quốc: từ nhà nước của công nhân và nông dân trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Với chính sách cải cách và mở cửa kể từ cuối những năm 1970, Trung Quốc đã đưa trên 400 trăm triệu người thoát khỏi cành đói nghèo. Không có quốc gia nào trên thế giới đã thành công quá ấn tượng trong việc này như Trung Quốc.
Nhưng mặt khác của phép lạ này là khi Trung Quốc cố tình che dấu những sự thật thương đau do chế độ độc tài gây ra. Vai trò lịch sử Mao Trạch Đông vẫn là điều cấm kỵ. Chính sách "Bước tiến nhảy vọt" làm cho hàng triệu nạn nhân chết oan uổng, sau đó đã kết thúc với một nạn đói khổng lồ và có lẽ hơn 40 triệu người chết. Hàng trăm ngàn trí thức đã bị bức hại, tra tấn hoặc giết trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Gần đây nhất là vụ thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn cũng không để lại một dấu tích nào. Cho đền nay, không ai nhớ, không sử gia nào can đảm hay được phép làm sáng tỏ những khuất tất của lịch sử. Tất cả sự thật này không có chỗ trong cuộc triển lãm chính thức nhân dịp lễ kỷ niệm 70 năm.
Lễ kỷ niệm vô cùng hào nhoáng trong chiều hướng khép lại lịch sử cận đại một cách khôn ngoan. Trung Quốc không trình bày khách quan các sự thật lịch sử là tiếp tục đánh lừa dân chúng bằng chính sách ngu dân. Dân chúng vì cơm áo mà đành yên thân trước sự đã rồi. Nhưng một ngày nào đó, sư thật lịch sử sẽ sáng tỏ. Điều đó có nghĩa là cuối cùng giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ không còn chổ đứng trong lòng dân tộc.
*** Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc có thể tự hào về những thành tựu để trở thành một cường quốc thế giới. Nhưng trong 10 năm qua, sự chuyển hướng với các biện pháp kiểm soát chính trị và xã hội rộng lớn hơn sẽ đưa đất nước lui về quá khứ đàn áp, thay vì hướng đến một tương lai có thể phát triển toàn diện các tiềm năng.
Ngày kỷ niệm phải là các dịp để ăn mừng các thành tựu, suy ngẫm về quá khứ, đưa ra một bảng đối chiếu về hiện tại và nhìn về tương lai. Kỷ niệm 70 năm của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc là một dịp để làm như vậy.
Điều chắc chắn là sẽ có một cuộc lễ diễn hành trọng đại được dàn dựng với phô diễn quân sự tại Quảng trường Thiên An Môn. Một thập niên trước đây, nhân dịp kỷ niệm 60 năm, tôi ngồi trong khán đài xem bên dưới cổng Thiên An Môn và dự khán các loại vũ khí và phao, binh sĩ và dân chúng diễn hành qua Đại lộ Hòa bình vĩnh cửu. Đó là một màn trình diễn gây ấn tượng về niềm tin quốc gia, xuất hiện sau cuộc lễ Thế vận hội Olympic 2008 thành công. Vào buổi tối, có những màn pháo hoa hoành tráng và nhiều lễ hội ở quảng trường.
Lần này là một lễ kỷ niệm hoạch định thậm chí công phu hơn. Về mặt quân sự, Quân đội Giải phóng Nhân dân dự kiến sẽ phô bày một số hoả tiễn mới, nhiều bệ phóng hoả tiễn, máy bay ném bom chiến lược, xe tăng hạng nhẹ, máy bay và tàu bay dưới nước không người lái và máy bay thám thính không người lái trinh sát loại siêu thanh viễn liên.
Những hệ thống vũ khí mới này sẽ không chỉ gây tò mò cho giới quan sát Quân đội Nhân dân, mà nó còn gửi tín hiệu mạnh mẽ khắp châu Á và đến Hoa Kỳ về một Trung Quốc đang liên tục tăng cường quyền lực quân sự.
Tuy nhiên, cũng như đã xảy ra đối với tôi cách đây 10 năm trước khi xem màn trình diễn hỏa lực đó, liệu có phải một cuộc phô diễn khích chiến như vậy là mâu thuẫn và phản tác dụng với hình ảnh quyền lực mềm và hiếu hòa trong tình lân quốc mà Bắc Kinh cố tìm cách tô vẽ? Các cuộc thăm dò của Pew tiết lộ rằng phần lớn các nước ở khắp châu Á đã xem sự trỗi dậy và tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc là tiêu cực
Người ta tự hỏi liệu điều này có xảy ra trong Ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Trung Quốc không? Đối với một quốc gia đang tìm cách giảm bớt lý thuyết về mối đe dọa của Trung Quốc và đang tạo ra về một hình ảnh đẹp ở nước ngoài, có phải đây là cách tốt nhất để làm như vậy? Câu trả lời có thể là cuộc diễn binh nhằm mục đích khơi dậy niềm tự hào trong nước và chủ nghĩa dân tộc hơn là để trấn an người ngoài cuộc.
Ngoài cuộc diễn hành quân sự vào ngày 1 tháng 10, chúng ta nên làm gì với quá khứ, hiện tại và tương lai Trung Quốc?
Chắc chắn là dân chúng và chính phủ Trung Quốc có rất nhiều điều đáng tự hào về bảy thập niên sau khi Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nền cộng hòa mới.
Bằng bất kỳ một số các biện pháp nào - thống kê kinh tế và các chỉ số phát triển xã hội, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ, quan hệ đối ngoại và vị thế của Trung Quốc trên thế giới - Trung Quốc đã đạt được tiến bộ chưa từng có trong lịch sử thế giới và hiện là một trong những cường quốc thế giới.
Với những thành tựu vật chất và hữu hình như vậy cũng mang lại cảm giác chân thực về thành tựu tâm lý cho người dân Trung Quốc. Sau một thế kỷ phân hoá và nhục nhã, khôi phục ý thức về phẩm giá quốc gia là một trong những mục tiêu chính được thể hiện trong việc thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc - khi Chủ tịch Mao tự hào tuyên bố trên đỉnh Thiên An Môn là “người Trung Quốc đã đứng lên!“
Trong khi chính phủ Trung Quốc và dân chúng có nhiều điều đáng tự hào và những thành tựu để ăn mừng, thì việc suy nghĩ về quá khứ lại càbg khó khăn hơn. Trầm tư về quá khứ không phải là điều mà chế độ khuyến khích, bởi vì nó chứa quá nhiều sai lầm về chính sách và quá nhiều đau khổ cho con người, đặc biệt là trong thời đại theo chủ nghĩa Mao. Trong nhiều mức độ, trong 30 năm đầu tiên của Cộng hòa Nhân dân thật là kinh hoàng. Tuy nhiên, đây không phải là điều mà chế độ Tập Cận Bình muốn đề cập.
Tuyên truyền chính thức gần như hoàn toàn minh oan cho giai đoạn 1949-1978 (đặc biệt là 1958-1976) và bất kỳ phân tích nào trái với tường thuật được chứng minh đều được gán cho là theo "chủ nghĩa hư vô lịch sử". Không đối mặt quá khứ với bất kỳ loại trung thực lịch sử thực sự nào chỉ là một công thức làm cho bản sắc dân tộc bị bóp méo một cách sâu xa và tính hợp pháp của chế độ giống như tuyên truyền che dấu sự thật của Potemkin.
Đối vối Tập, ca ngợi Trung Quốc trong ngày Quốc khánh sẽ nói nhiều về sức mạnh của Tập.
Nếu ba thập niên đầu tiên phần lớn là đàn áp và nhiều đau thương, thì thập niên thứ tư vừa qua đã có nhiều điều tốt hơn - mặc dù không phải không có những bi kịch tiếp theo như năm 1989. Nhưng, nhìn chung, Trung Quốc cởi mở hơn đối với thế giới và trong nước.
Tuy nhiên, trong 10 năm qua đã chứng kiến sự đàn áp gia tăng và kiểm soát thông tin và xã hội lớn hơn. Trong khi đó, năm 2009, vẫn còn một ý thức lan tỏa ở Trung Quốc và nước ngoài về mở cửa tiến bộ và tự do hóa gia tăng, thập niên qua đã chứng kiến một sự đảo ngược triệt để.
Dường như là có một sự tiến hóa theo đường tuyến tính từ thời kỳ hỗn loạn của thời Mao thông qua sự lạc quan thực dụng của thời Đặng Tiểu Bình, đến sự cai trị công nghệ và cải cách của Giang Trạch Dân, và những cải cách thận trọng hơn dưới thời Hồ Cẩm Đào, thời Tập Cận Bình đã trở thành thoái bộ theo một quá khứ đàn áp bên cạnh những cải cách bị đình trệ.
Nhìn bề ngoài, nhiều chỉ số vẫn còn cho thấy rằng Trung Quốc đi theo đúng hướng của việc trẻ trung hóa tuyệt vời. Tuy nhiên, nhìn dưới bề mặt này, có nhiều vấn đề còn giấu kín: dân số già nua và mất cân bằng về giới tính; một hệ thống chính trị vô trách nhiệm theo kiểu Lenin; một hệ thống tài chính và nền kinh tế do nhà nước thống trị; một hệ thống giáo dục cứng nhắc; bất bình đẳng về mức thu nhập; đàn áp thô bạo đối với xã hội dân sự, bất đồng chính kiến, và tôn giáo; kiểm soát hà khắc đối với Tây Tạng và Tân Cương; kiểm duyệt kỹ lưỡng và kiểm soát các phương tiện truyền thông; giới lãnh đạo thối nát tham nhũng vẫn còn ở mức độ cao; thất thoát vốn tư bản; dư thừa sản xuất trong công nghiệp; nợ nần của chính quyền địa phương và doanh nghiệp (khoảng 300% tổng sản phẩm quốc nội); làm chậm tăng trưởng GDP; rơi vào bẫy thu nhập trung bình; bong bóng thị trường nhà ở và xây dựng quá mức (thành phố ma); suy thoái môi trường; và một nhà lãnh đạo độc tài không có kế hoạch kế nhiệm.
Những cơn bệnh này không làm trầm trọng thêm một Trung Quốc đang gặp khủng hoảng hay một hệ thống đang bị đe dọa trực tiếp, nhưng tầt cả là những vấn đề nghiêm trọng và thực tế mà bất kỳ một bảng đối chiếu trung thực nào về tình hình của Trung Quốc ngày nay phải nhận ra.
Bên ngoài, ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc chưa bao giờ rộng lớn như vậy.Trung Quốc đã thực sự trở thành một cường quốc thế giới bằng nhiều biện pháp. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận toàn cầu của Pew cũng tiếp tục cho thấy hình ảnh quốc tế của Trung Quốc là một sự pha trộn giữa tích cực và tiêu cực.
Việc kết liễu cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc khởi đầu?
Cận kề hơn với chuyện nội tình, Hồng Kông và Đài Loan tiếp tục là những vấn đề đặc biệt rắc rối đối với giới lãnh đạo Trung Quốc. Sự bất tuân dân sự đang diễn ra ở Hồng Kông và cuộc biểu tình ào ạt song song được lên kế hoạch ở đó vào ngày 1 tháng 10 là những chỉ dấu cho thấy rõ ràng là, sau 70 năm nắm quyền, thanh danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc bị mờ nhạt và có sự bất mãn lan rộng với cách hoạt động trong chính sách “một quốc gia, hai hệ thống.“
Trong 70 năm qua, Đài Loan vẫn là một thực thể tự quản riêng biệt, đáng kể là đa số cũng có tình cảm chống lại việc sáp nhập vào Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc. Cuộc đối kháng liên tục này ở Hồng Kông và Đài Loan sẽ là một lời nhắc nhở nghiêm túc đối với Bắc Kinh rằng, đối với tất cả những thành tựu trong nước và vị thế quốc tế, nó vẫn chưa thống nhất được Trung Quốc.
Nhìn về tương lai, thách thức rõ ràng nhất đối với Trung Quốc nằm ở trong lĩnh vực chính trị. Hệ thống chính trị cứng nhắc là trở ngại lớn cho nhiều mục tiêu của Trung Quốc - lãnh thổ, kinh tế, xã hội, trí tuệ và đổi mới. Giống như những người ở độ tuổi 70, sự thay đổi không dễ dàng - nhưng chỉ bằng cách nới lỏng và mở ra, Trung Quốc mới có thể đạt được tiềm năng toàn diện, đạt được mục tiêu và thực sự ăn mừng những ngày lễ kỷ niệm trong tương lai.
*** David Shambaugh là Giáo sư nghiên cứu châu Á và các vấn đề quốc tế, Giám đốc Chương trình Chính sách Trung Quốc tại Đại học George Washington, Washington DC.
Nguyên tác: China at 70 must take on its greatest challenge yet – political reform and opening up
Trump công khai kêu gọi Trung Quốc điều tra đối thủ chính trị Biden
04/10/2019

Ông Trump đang vướng tai tiếng trong vụ điều tra ông Joe Biden và con trai
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3/10 một lần nữa mời gọi nước ngoài can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ bằng cách công khai kêu gọi Trung Quốc điều tra đối thủ chính trị của ông bên đảng Dân chủ là ông Joe Biden, kiểu đề nghị đã khơi mào cuộc điều tra về luận tội Tổng thống tại Quốc hội.
Vị Tổng thống Cộng hòa nói ông tin là cả Trung Quốc lẫn Ukraine nên điều tra ông Joe Biden, ứng viên Tổng thống năm 2020, và con trai ông là doanh nhân Hunter Biden. Ông Trump gọi cuộc điều tra luận tội nhắm vào ông là ‘tào lao.’
“Tiện thể, cũng như thế, Trung Quốc nên khởi sự cuộc điều tra vào gia đình Biden. Bởi những gì đã xảy ra ở Trung Quốc cũng tệ hại như những gì đã xảy ra ở Ukraine,” ông Trump nói với phóng viên tại Tòa Bạch Ốc.
Tổng thống Trump và luật sư riêng là Rudy Giuliani chưa đưa ra bằng chứng cho những cáo buộc về tham nhũng nhắm vào cựu Phó Tổng thống Biden.
Đáp câu hỏi rằng ông đã yêu cầu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điều tra ông Biden hay chưa, ông Trump trả lời: “Tôi chưa, nhưng đây là chuyện chúng tôi có thể bắt đầu nghĩ tới.”
Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington không hồi đáp yêu cầu bình luận tức thì.
Lời kêu gọi của ông Trump đối với Trung Quốc đặc biệt gây bất ngờ vì Washington và Bắc Kinh đang rơi vào cuộc thương chiến làm tổn hại tăng trưởng kinh tế thế giới. Hai nước dự kiến mở vòng đàm phán kế tiếp tại Mỹ vào tuần sau.
Lời kêu gọi này càng củng cố quyết tâm của phe Dân chủ ở Hạ viện xúc tiến cuộc điều tra xem có nên luận tội Tổng thống Trump hay không sau khi có người tố cáo rằng ông Trump trong cuộc điện đàm hồi tháng 7 đã yêu cầu Tổng thống Ukraine điều tra cha con ông Biden.
Ông Hunter Biden nằm trong ban quản trị của một công ty dầu khí Ukraine khi Mỹ và Châu Âu đang tìm cách ve vãn Ukraine rời xa nước láng giềng Nga.
Một số đảng viên Cộng hòa chỉ trích ông Biden vì đã đưa con trai lên máy bay của Phó Tổng thống Air Force Two hồi năm 2013 trong chuyến bay sang Trung Quốc, nơi con trai ông có những lợi ích về kinh doanh.
Tại một sự kiện ở The Villages, bang Florida, ông Trump nói phe Dân chủ mở cuộc điều tra luận tội vì không thể đánh bại ông tại phòng phiếu vào năm 2020.
Người phụ nữ vô gia cư có giọng ca opera lay động cộng đồng mạng
October 2, 2019

Photo Credit: kron4 LOS ANGELES (CNN) – Một phụ nữ vô gia cư ở trạm xe điện ngầm Los Angeles có giọng opera cao đang được lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Vào tối thứ Hai, Emily Zamourka ca bài “Aria” cao vút, thánh thót, bản nhạc đã làm nhiều người trên mạng xã hội cảm động.
https://www.baocalitoday...dong-cong-dong-mang.html Màn trình diễn ngẫu hứng tại trạm xe điện Koreatown vào tuần trước được một cảnh sát Los Angeles ghi hình và đăng trên mạng Twitter. Đoạn băng nhanh chóng thu hút sự chú ý bởi giọng ca đẹp, đầy cảm xúc từ người phụ nữ 52 tuổi.
30 năm trước, nghệ sĩ đàn violin và piano được đào tạo bài bản từ Nga sang định cư ở Mỹ. Cô kiếm sống bằng nghề dạy nhạc nhưng bắt đầu có những vấn đề về sức khoẻ, và những hoá đơn y tế buộc cô phải làm nhiều công việc khác nhau để tồn tại.
Emily chơi đàn violin trên đường phố để kiếm thêm tiền, nhưng cây đàn trị giá $10.000 Mỹ kim bị đánh cắp cách đây vài năm. Không thể trả tiền mướn nhà và các hoá đơn, Emily trở thành người vô gia cư.
Không có nhà, cô ngủ trên những tấm bìa trong bãi đậu xe. Không có nhạc cụ, Emily đem thứ không thể mất trộm được, chất giọng, ra trình diễn cho khách đi tàu điện. “Nghe rất hay khi ở trong tàu điện. Nghe đẹp lắm,” Emily nói. Mặc dù không được đào tạo thanh nhạc, nhưng cô ca để người hảo tâm qua lại rủ lòng thương.
Emily vẫn chưa tin những gì xảy ra với mình trong mấy ngày qua, giống như một phép màu. “Tôi rất biết ơn người đàn ông đó vì đã thật sự thay đổi cuộc đời tôi,” người phụ nữ vừa khóc vừa nói về viên cảnh sát đã quay phim và đăng trên mạng xã hội. “Tôi muốn cám ơn ông ấy rất nhiều, vì nếu ông không làm những gì như đã làm thì tôi sẽ không có mặt ở đây hay ở nơi nào, và mọi người sẽ không biết về tôi và những khả năng của tôi.”
Một nghị viên thành phố Los Angeles cho hay, văn phòng ông đang tìm cách tìm ra chỗ ở cho Emily.
Trang GoFundme được lập ra với mục tiêu ban đầu là $50.000 Mỹ kim để giúp người phụ nữ bắt đầu xây dựng lại cuộc sống, vào tối thứ Ba đã có hơn 1300 nhà hảo tâm đóng góp hơn $45.000 Mỹ kim. Nhà tổ chức sau đó đã tăng mục tiêu lên $65000 Mỹ kim.
Hương Giang (Theo CNN) Edited by user Thursday, October 3, 2019 8:25:54 PM(UTC)
| Reason: Not specified
|