Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 3/22/2011(UTC) Posts: 3,308
Thanks: 326 times Was thanked: 364 time(s) in 256 post(s)
|
Tin Tong Hop
Hãy Đi Và Làm Như Vậy
7/12/2019 11:14:33 AM
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN NĂM - C (Lc 10, 25-37)
 "Hãy đi và làm như vậy" (Lc 10,37), đó là lời của Chúa Giêsu dành cho nhà thông luật khi xưa. Hôm nay, Chúa cũng bảo mỗi người chúng ta "Hãy đi và làm như vậy".
Có người hỏi : Hãy đi và làm như vậy là thế nào ? Là làm như người Samaritanô nhân hậu đã làm. Tất cả chúng ta phải tiếp tục nhiệm vụ của người Samaritanô nhân hậu bên cạnh những người chúng ta gặp và chân thành giúp đỡ, băng bó các vết thương thể xác và tinh thần cho họ, những vết thương lòng, nghèo đói, ốm đau, bệnh tật, cô đơn và chết chóc… Đừng ngồi đặt vấn đề: Ai là anh em tôi? Nhưng hãy đi và tỏ ra mình là anh em của mọi người. Đừng dừng lại tìm xem người đó là ai, có đạo hay không. Nhưng hãy đi và làm như người Samaritanô kia, nhìn thấy vết thương thì băng bó, gặp người đau khổ phải cứu giúp. Cần vượt qua quan niệm hẹp hòi, đi đến tình huynh đệ phổ quát.
Người Samaritanô đối xử với nạn nhân bằng tình thương thật sự : ông băng bó các vết thương của người ấy, chở ông ta tới nhà trọ và đích thân lo lắng cho người ấy, liệu trước việc trợ giúp ông ta (x. Lc 10, 34). Mở đầu dụ ngôn, thầy tư tế và thầy Lêvi là người thân cận với kẻ hấp hối; vào cuối dụ ngôn, người Samaritanô đã trở thành người lân cận. Chúa Giêsu nhấn mạnh viễn tượng: đừng có đứng đó mà sắp xếp người khác để xem ai là thân cận ai không. Hãy trở thành người thân cận của bất cứ ai ta gặp trong lúc cần thiết, và ta sẽ là người thân cận, nếu trong tim ta có sự cảm thương, nghĩa là nếu ta có khả năng đau khổ với người khác.
Ngày 11 tháng 2 năm 1984, thánh Gioan Phaolô II, Giáo hoàng đã ban hành một Tông thư mang tựa đề: "Salvifici doloris" nói về "ý nghĩa đau khổ của người theo Kitô giáo" để toàn thể Giáo hội suy tư trong Năm Thánh Cứu Độ. Ngài đã nhắc lại dụ ngôn "người Samaritanô nhân hậu", không phải chỉ để gửi tới các bệnh nhân, những người chịu đau khổ, mà còn gửi tới mọi người. Bởi vì đau khổ vẫn ở ngay bên đường đi của chúng ta, đến nỗi con người rất dễ bị cám dỗ "bỏ đi qua" một cách dửng dưng. Sự dửng dưng này là một nét đặc trưng của thời đại chúng ta. Chắc chắn rằng dụ ngôn "Người Samari nhân hậu" đã trở nên yếu tố thiết yếu của nền văn hóa đạo đức cũng như nền văn minh phổ quát của nhân loại. Chúa Giêsu bảo luật sĩ: "Cả ông nữa, hãy đi và làm như vậy".
Vị tư tế và thầy Lêvi thấy người bị hại và bỏ đi, có thể họ có lý do, tư tế bận cử hành lễ vì giờ đã điểm, thầy Lêvi cũng có thể vì sợ ô uế, bởi cả hai đều liên quan đến việc phụng tự nơi đền thời. Đức Phanxicô nói : Họ không có phụng tự thật, vì không thể hiện ra bằng việc phục vụ người lân cận. Chúng ta đừng bao giờ quên điều này: trước nỗi khổ đau của bao người kiệt quệ vì đói khát, vì bạo lực và bất công, chúng ta không thể ở đó như các khán giả. Không biết nỗi khổ đau của con người, nghĩa là không biết Thiên Chúa. Nếu tôi không đến gần người đàn ông này, bà kia, và em đó, tôi không đến gần Thiên Chúa.
Yêu mến Chúa trong nhà thờ thôi thì chưa đủ, cần phải yêu mến Chúa trên đường đi và trong người anh em đồng bào, đồng loại. Chúng ta phải sống đạo chứ không phải chỉ biết luật dạy mến Chúa yêu người trong sách vở. Thánh Gioan Tông đồ đã nói: "Anh em đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương thực sự bằng việc làm". Ngài còn nói: "Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối. Ai yêu thương anh em mình thì sống trong ánh sáng. Nhưng ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối" (1Ga 2,9-11). Tình yêu đòi thể hiện bằng việc làm cụ thể. Người Samaritanô đã chạnh lòng thương trước nạn nhân, nhưng anh không dừng lại ở tình cảm suông. Anh đã thể hiện tình thương qua hành động.
Hãy nhận ra khuôn mặt của tất cả mọi người là người anh em. Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết rằng: yêu thương là hành xử như người Samaritanô nhân hậu. Hơn nữa, chúng ta biết rằng Người Samaritanô tuyệt vời là chính Chúa Giêsu: mặc dù là Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu đã hạ mình làm người và hiến dâng mạng sống mình để cứu chuộc chúng ta.
Như thế, tình thương là "con tim" của đời sống kitô; chỉ có tình yêu thương mà Chúa Thánh Thần khơi dậy trong chúng ta, mới làm cho chúng ta trở nên những chứng nhân của Chúa Kitô. Giới luật yêu thương của Chúa Giêsu đòi chúng ta phải thể hiện tình thương với mọi người.
Câu hỏi: "Tôi là anh em của ai? ", mỗi người chúng ta tự đặt ra cho mình, không phải là câu hỏi cho người khác, nhưng cho chính mỗi chúng ta. Những người anh chị em đang sống chung quanh chúng ta đang tìm kiếm sự cảm thông, chút thanh thản và an bình của tình người. Nhưng biết bao nhiêu lần những người tìm kiếm điều ấy đã không tìm được sự cảm thông, tiếp đón, không tìm được liên đới!
Chúng ta nhìn thấy một người, trên bờ vực của cái chết, nằm trên đường phố và chúng ta nghĩ "tội nghiệp quá". Tuy nhiên, chúng ta tiếp tục với công việc hàng ngày của chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng: Đó không phải là trách nhiệm của tôi ... và cho rằng mình có lý. Có người thờ ơ, hết biết rơi nước mắt, trước những cảnh huống đau khổ của tha nhân. Chúa bảo mỗi chúng ta : "Hãy đi và làm như vậy" (Lc 10,37).
Lạy Chúa, xin cho con biết mau mắn làm theo lời Chúa dạy. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Chuyện không tin cũng xảy ra: Chính Thống Giáo Nga tranh cãi gay gắt về việc làm phép các vũ khí hạt nhân
Đặng Tự Do 11/Jul/2019

Trong một diễn biến gây bàng hoàng cho nhiều người, Religion News Service cho biết Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa đang tranh cãi về việc có nên tiếp tục thực hiện việc làm phép các vũ khí giết người hàng loạt, bao gồm cả các tên lửa hạt nhân. Tin tức này thật sự gây chóng mặt và kinh hoàng cho nhiều người: làm sao lại có thể làm phép cho những thứ kinh khủng như thế vì nó đối kháng triệt để với giới răn cấm giết người.
Một ủy ban về giáo luật đã họp tại Mạc Tư Khoa và đề nghị chấm dứt thực hành ban phép lành cho các hỏa tiễn và các đầu đạn hạt nhân, và đề nghị các linh mục chỉ nên ban phép lành cho từng binh sĩ và cùng lắm là vũ khí cá nhân của họ.
Đức Cha Savva Tutunov, chủ tịch ủy ban giáo luật của Thánh Công Đồng Mạc Tư Khoa nói rằng sẽ phù hợp hơn khi các linh mục chỉ ban phép lành cho các chiến binh đang bảo vệ đất nước và vũ khí cá nhân của họ.
“Ta có thể nói về việc ban phép lành cho một chiến binh đang thi hành quân dịch nhằm bảo vệ tổ quốc,” Đức Cha Tutunov nói.
“Vào cuối nghi thức tương ứng, vũ khí cá nhân cũng có thể được làm phép - chính xác là vì nó được liên kết với cá nhân người đang nhận được phép lành. Còn những thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt thì không nên được thánh hóa,” ngài nhấn mạnh.
Đề nghị chấm dứt việc ban phép lành cho những thứ vũ khí giết người hàng loạt vẫn chưa được Đức Thượng Phụ Kirill chấp thuận.
Các hệ thống vũ khí, bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol, thường được các giáo sĩ Chính thống Nga ban phép lành trong các cuộc diễn hành quân sự và các sự kiện khác. Những phép lành này được coi là một cách bảo vệ đất nước một cách siêu nhiên.
Vào năm 2007, vũ khí hạt nhân của Nga đã được thánh hiến trong một buổi lễ tại Nhà thờ Chúa Cứu thế ở Mạc Tư Khoa. Trong Chính thống giáo Nga, người ta còn đặt Thánh Seraphim là vị thánh bảo trợ các vũ khí hạt nhân của Nga.
Quan điểm của Đức Cha Tutunov không được tán thành rộng rãi trong Giáo hội Chính thống. Linh mục Vsevolod Chaplain, nguyên phát ngôn viên của Đức Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, nói rằng kho vũ khí hạt nhân của Nga giống như các “thiên thần hộ mệnh” của đất nước và là cần thiết để bảo vệ Chính thống giáo.
“Vũ khí hạt nhân là phương thế duy nhất bảo vệ Nga khỏi sự nô lệ phương Tây,” linh mục Chaplin nói với một tờ báo Nga.
Ngược lại với quan điểm này, Giáo Hội Công Giáo mạnh mẽ phản đối vũ khí hạt nhân, và hỗ trợ các quốc gia tháo dỡ kho vũ khí của họ.
Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII từng kêu gọi cấm vũ khí hạt nhân. Trong thông điệp Pacem In Tetris, nghĩa là Hòa Bình Tại Thế, được công bố năm 1963, ngài viết rằng, “một thỏa thuận chung phải đạt được trong một chương trình giải giáp phù hợp, với một hệ thống kiểm soát lẫn nhau có hiệu quả.”
Giáo lý Giáo Hội Công Giáo mô tả các hành động chiến tranh nhằm phá hủy bừa bãi toàn bộ một thành phố hoặc các khu vực rộng lớn như một tội ác chống lại Thiên Chúa và con người.
“Một mối nguy hiểm của chiến tranh hiện đại là nó mang đến cơ hội cho những người sở hữu các vũ khí hiện đại - đặc biệt là vũ khí nguyên tử, sinh học hoặc hóa học – khả năng thực hiện những tội ác đó.”
Tháng 11 tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ đến Nagasaki và Hiroshima – là hai thành phố đã gánh chịu hai quả bom nguyên tử của Hoa Kỳ trong Thế chiến II. Tại đó, ngài sẽ đưa ra các thông điệp chống chiến tranh.
'Người cha' cả đời đi 'mua' lại những đứa bé bị nhiễm... HIV
4/28/2019 12:11:13 PM
Cuộc đời mình, ông dành cho những “thiên thần” vô tội, vốn không may mắn ngay khoảnh khắc chào đời.

Linh mục Phương Đình Toại - người cha của hàng trăm đứa trẻ mang căn bệnh thế kỉ. Ảnh: Hoài Nhân
Cuộc đời mình, ông dành cho những lần đối mặt đám “cò” người, vì đồng tiền mà bất chấp lương tri. Cuộc đời mình, ông dành cho những người phụ nữ ở bên bờ tuyệt vọng. Cuộc đời mình, ông dành cho những “thiên thần” vô tội, vốn không may từ ngay khoảnh khắc chào đời.
Ông mang tất cả về mái nhà chung. Nơi đó, không có những gì đen tối của căn bệnh thế kỉ như người ta hay nghĩ, chỉ có tình người, chỉ có nụ cười, chỉ có niềm tin. Ông đặt tên nhà là Mai Tâm. Ông nói, đó là trái tim của ngày mai, là trái tim sáng tươi, là trái tim của niềm hy vọng. Hy vọng ấy, không chỉ của một mình ông.
Không giành thì chúng làm sao?
Năm 2000, linh mục Phương Đình Toại thuộc dòng Camillo sang Thái Lan làm y sĩ cho một trung tâm chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS. Và chính tại nơi đó, một câu chuyện đã ám ảnh ông cho đến mãi sau này.
Ông kể, có một người phụ nữ Việt bị bán qua Campuchia để “hành nghề”. Khi cô phát hiện mình mắc căn bệnh thế kỉ cũng là lúc cô biết mình đang có một sinh linh. Bị đuổi ra đường, cô tìm cách sang Thái Lan. Đứa trẻ chào đời, cô suy kiệt. Cô được đưa vào trung tâm nơi linh mục Toại làm việc và được chính tay ông chăm sóc vì chỉ có ông nói được tiếng Việt. Trước khi nhắm mắt, cô nhìn ông khẩn cầu, rằng điều duy nhất cô muốn chỉ là tìm lại đứa con, đưa nó về quê nhà.
Và rồi ông giúp cô hoàn thành ý nguyện. Nhưng cũng từ đó nhiều điều khiến ông thao thức: Tại sao có một đồng hương bị xã hội vùi dập? Tại sao có một phận đàn bà bị ruồng bỏ? Tại sao có một linh hồn vừa mở mắt, một linh hồn kia đã phải nhắm mắt nơi đất khách quê người?
Bốn năm sau, linh mục Toại trở về Việt Nam, được Tòa Tổng giám mục địa phận TP.HCM giao nhiệm vụ quản lý Ban Mục vụ chăm sóc người có HIV/AIDS. Ông đi khắp các bệnh viện, tìm hiểu, động viên từng bà mẹ mắc bệnh mà không ai chăm sóc. Ông lo thuốc thang, giúp nơi ăn chốn ở cho từng người. Rồi số người cần giúp đỡ ngày càng nhiều nên năm 2005, ông phải thuê một căn nhà ở Q.Phú Nhuận cho việc này.

Một phòng tự học trong mái ấm Mai Tâm. Mái ấm là nơi những đứa trẻ mắc bệnh HIV/AIDS được nuôi nấng bởi các linh mục dòng Camillo và những người tình nguyện khác.Ảnh: Lưu Trân
Mai Tâm ra đời với 5 trẻ được ông bảo bọc và chỉ trong vòng hơn một năm, số lượng các em đã gấp 5 lần. Năm 2009, ông chuyển “nhà” về một nơi khang trang hơn ở Q.Thủ Đức. Người ta nghĩ ông vui nhưng mà vui sao được khi điều đó đồng nghĩa với việc ông phải chứng kiến ngày càng nhiều bi kịch. Một đứa trẻ bơ vơ, một đời người thăm thẳm…
Ban đầu, ông chủ động tìm đến những hoàn cảnh khó khăn để thuyết phục họ. Đó là những bà mẹ cực cùng tuyệt vọng, không còn người đàn ông cạnh mình, không còn được gia đình chào đón. Họ nghĩ đã mang căn bệnh này, chỉ có chết, đẻ con chỉ có bệnh. Thôi thì lấy được đồng nào qua ngày thì hay đồng đó.
Họ nằm trên giường, một vài “cò” lân la. Những cuộc ngã giá đôi khi chóng vánh. Mười, mười lăm triệu cho một đứa trẻ lần đầu mở mắt nhìn đời. Liệu trên đời này còn những cuộc mua bán nào tàn nhẫn và nghiệt ngã hơn nữa không?
Vậy là ông phải “mua”, phải “giành”. Cái ông muốn là đưa một người mẹ vừa rứt ruột bán con, một đứa trẻ vừa "hóa" thành món hàng, trở về với cuộc sống bình thường. Ông không oán trách ai cả, nhưng ông sẽ trách mình nếu để lỡ “món hàng” kia.
Ông nhiều lần vét sạch túi, chỉ để làm "xiêu lòng" những người mẹ đang hoảng loạn. Ông nhiều lần vướng vào những hợp đồng mua bán đã xong, nhưng vẫn cố ẵm bằng được đứa trẻ đỏ hỏn ra khỏi bệnh viện, an toàn vượt qua những tay “cò” nguy hiểm vừa bị cướp miếng ăn. Nguy hiểm đến độ, có lần cơ quan chức năng phải hộ tống ông về.
Biết đứa trẻ nào cũng cần có mẹ, ông luôn cố gắng thuyết phục cả người mẹ về cùng: “Thôi chị về mái ấm, xem như nghỉ sinh vài ngày. Với nuôi đứa trẻ giúp chúng tôi vài ngày thôi, nó còn nhỏ quá”. Chỉ cần họ chịu về là ông thở phào. Bởi vì, chỉ một vài lần nhìn đứa trẻ khóc, một vài lần cho nó bú mớm, một vài lần thấy bàn tay nhỏ xíu nắm chặt ngón tay mình, người mẹ sẽ tự khắc chẳng muốn buông.
Cứ vậy, mái ấm chở che hàng trăm phận người, chật ních. Thế mà chỉ cần nghe ở đâu có trẻ “si-đa”, ở đâu có cuộc bán mua số phận, ông lại tức tốc lên đường.
Mai Tâm là mái ấm của 87 đứa, khó đủ bề với 87 miệng ăn, 87 cái đầu cần nạp kiến thức, 87 trái tim cần được yêu thương… người ta nói vậy mà ông còn đi "giành giật".
Còn ông trả lời: “Không giành, thì chúng làm sao?”
Cuộc đời tụi con rất quan trọng với cha
Nếu tính luôn cả những trường hợp bà mẹ nhiễm bệnh thì Mai Tâm là nơi nương náu của hơn 300 phận người. Vậy mà linh mục Toại nhớ từng câu chuyện đời, nhớ tính tình từng đứa trẻ.

Linh mục Phương Đình Toại vẫn nhớ như in từng phận đời từng được chở che trong mái ấm Ảnh: Hoài Nhân
Rất nhiều trong số đó, vì được uống thuốc kịp thời khi vừa sinh ra và phơi nhiễm, chỉ khoảng 40 ngày thì triệt tiêu hoàn toàn căn bệnh. Rất nhiều trong số đó, được chăm sóc và thuốc thang đều đặn, sống khỏe mạnh như một người bình thường. Thậm chí, nhiều em còn học đại học, trong đó có em tốt nghiệp ngành điều dưỡng, rồi tự quay về mái ấm làm việc. Nhưng cũng có người vì phát hiện muộn mà không đủ sức chống chọi được số phận của mình.
“Cô ta nghèo, mắc bệnh, rồi sinh con ra. Trước khi mất, cô nhờ ông xe ôm đi tìm chỗ gửi con giùm. Ông ta mang thằng bé về nhà một người chú. Một thời gian, người chú gửi nó vào Mai Tâm, trước khi gửi có cho nó một bộ đồ vest nhỏ. Nó quý lắm, để dành mặc đi học, không cho ai đụng vào hết. Bệnh tình nó ngày càng nặng, chỉ còn nằm một chỗ. Lần đó, mái ấm có tổ chức đám cưới cho một người. Cả nhà dắt nhau đi, thì có một đứa không có đồ mới nên buồn. Thằng bé kia nghe, tự nhiên bảo, lấy áo mình mặc đi. Vài hôm sau, thằng bé mất…”, ông kể. Lần nào nhắc đến thằng bé, ông cũng lặng người.
Bảy tám tuổi, ai dạy chúng những điều đó? Thứ đứa trẻ ấy rất quý, trước khi ra đi, nó biết cho đi. Đó là bài học về lòng nhân mà ông được đứa trẻ ấy dạy cho mình. Lòng “nhân” đó phải được khơi dậy, cả trong đói nghèo và bệnh tật. Ông nói chính bài học mà tụi trẻ đã dạy ngược lại cho ông cũng chính là động lực để ông sống và làm công việc này.
Mỗi ngày, ông luôn thủ thỉ với những đứa con của mình rằng: “Cuộc đời tụi con rất quan trọng với cha”. Ngoài bệnh tật, mất cha mất mẹ, chúng phải đối mặt với nỗi đau lớn nhất là không có ai xem chúng quan trọng. Tụi trẻ luôn mặc cảm, khép mình vì cảm thấy bị bỏ rơi. Ông nói khi đứa trẻ lớn dần, nó biết có một người xem nó là quan trọng, nó có niềm tin sống tiếp.

Một góc học tập gọn gàng, tươm tất của những đứa trẻ trong ngôi nhà chung Ảnh: Lưu Trân

Những bức vẽ này được bắt đầu từ đường nét chấm phá, nguệch ngoạc tự do của những đứa trẻ. Sau đó mới được những người quản lý mái ấm hoàn thiện. Đó cũng là một cách định hình tư tưởng cho các em với thông điệp: Mặc dù bắt đầu từ một cái gì đó không hay, nhưng chỉ cần có sự cộng tác thì sẽ trở nên tươi đẹp. Ảnh: Hoài Nhân
Ngôi nhà của những đứa trẻ HIV chẳng giống với những mái ấm khác. Bởi lẽ, mái ấm trẻ mồ côi hay cơ nhỡ, tụi trẻ còn mong đến ngày có người đến nhận về. Nhưng những đứa trẻ ấy lại có một gia đình mới, là chính chúng với nhau. Chúng tự hiểu tính nhau, tự lo cho nhau. Như linh mục Toại nói, có những bất hạnh mà chính những người bất hạnh sẽ tự hóa giải khi ở cùng nhau.
Hành trình đó, vẫn còn dài.
Mái ấm Mai Tâm ở số 23, đường 15, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM. Mái ấm do linh mục Phương Đình Toại, phụ trách Ban Mục vụ chăm sóc người có HIV/AIDS thuộc Tòa Tổng giám mục Sài Gòn sáng lập vào năm 2005. Mái ấm được điều hành bởi linh mục Toại cùng một số linh mục dòng Camillo (dòng Tá Viên Mục Vụ Bệnh Nhân) khác. Hiện mái ấm đang là nơi sinh sống và học tập của 87 trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS cùng nhiều bà mẹ cũng nhiễm bệnh.
Hoài Nhân, Lưu Trân (thanhnien)
UB Tư pháp Hạ viện bỏ phiếu trát đòi Kushner, Sessions trong điều tra Trump cản trở
July 11, 2019

Photo Credit: Andrew Harnik/AP (Washington Post) – Liên quan đến cuộc điều tra liệu ông Trump có cản trở công lý và lạm dụng quyền lực hay không, Uỷ ban Tư pháp Hạ viện vào hôm thứ 5 đã bỏ phiếu triệu tập 12 người có mối quan hệ với Tổng thống Donald Trump, trong đó có con rể đồng thời cố vấn cao cấp Jared Kushner và cựu Tổng trưởng Tư pháp Jeff Sessions.
Cuộc bỏ phiếu theo đảng phái là leo thang mới nhất trong cuộc chiến giữa Uỷ ban do Dân chủ kiểm soát với Toà Bạch Ốc về một loạt các cuộc điều tra nhắm vào Trump và chính phủ của ông, nhằm tìm hiểu xem Tổng thống có tìm cách cản trở cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller hay không. “Chúng tôi sẽ không an lòng cho đến khi có được lời khai của họ và tài liệu để uỷ ban này và Quốc hội có thể thực thi công việc giám sát được Hiến pháp và người dân Mỹ giao phó,” Chủ tịch Jerrold Nadler (Dân chủ – New York) cho hay.
Trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, Trump lên Twitter chỉ trích Dân chủ, bảo họ nên tập trung vào vấn đề di trú. “Giờ thì Dân chủ đòi gặp hơn 12 người đã ngồi xuống nói chuyện hàng giờ đồng hồ với Robert Mueller, và đã chi tiền lớn vào các luật sư để làm như vậy,” Trump ghi. “Họ muốn bao nhiêu nữa trước khi bắt tay vào những lỗ hổng biên giới và Tỵ nạn.” Trump cũng mắng Dân chủ đã tống trát đòi Mueller tra điều trần về cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016. “Đã đủ rồi, quay trở lại làm việc đi!” Trump tweets.
Uỷ ban Tư pháp Hạ viện vào hôm thứ 5 cũng bỏ phiếu tống trát đòi tài liệu liên quan đến chính sách “bất khoan dung” đối với di dân vào Mỹ bất hợp pháp, dẫn đến việc chia cắt hàng ngàn trẻ em khỏi bố mẹ vào năm 2018.
Trump chỉ trích các cuộc điều tra của Dân chủ tại Hạ viện là hành vi “quấy rối.” Ông ra lệnh cho thuộc hạ bất tuân, phớt lờ các trát đòi. Vào tháng trước Dân chủ bỏ phiếu cho phép các uỷ ban đệ đơn khởi kiện những người đã xem thường trát đòi của Quốc hội.
Kết quả bỏ phiếu vào hôm thứ 5 cho phép Nadler tống trát đòi theo ý muốn để có được lời khai và tài liệu. Chủ tịch Uỷ ban Tư pháp Hạ viện cho hay, ông sẵn sàng giữ trát đòi nếu thông tin được tự nguyện cung cấp cho uỷ ban.
Bên cạnh trát đòi Kushner và Sessions, uỷ ban cũng bỏ phiếu cho phép Nadler triệu tập cựu Đổng lý Toà Bạch Ốc John Kelly, cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, cựu Giám đốc ban vận động tranh cử của ông Trump Corey Lewandowski, cựu phó Tổng biện lý Rod Rosenstein, cựu Phó Chánh văn phòng Toà Bạch Ốc Rick Dearborn, Phụ tá Biện lý Jody Hunt, và cựu thư ký văn thư Rob Porter.
Uỷ ban cũng muốn có lời khai liên quan đến khoản chi trả trước bầu cử 2016 cho hai phụ nữ tuyên bố có chuyện tình ái với ông Trump nhiều năm trước. Vì vậy, uỷ ban đã bỏ phiếu trát đòi đối với Keith Davidson – cựu luật sư cho cô đào phim khiêu dâm Stormy Daniels, Biên tập tờ National Enquirer Dylan Howard, và Tổng Giám đốc American Media Inc. David Pecker. Các công tố viên cáo buộc Howard và Pecker có liên can đến những thoả thuận bị miệng Daniels và cựu người mẫu Playboy Karen McDougal.
Hương Giang (Theo Washington Post)
Trung Quốc lần đầu có biểu tình 'quy mô hiếm thấy' ở Vũ Hán
BBC News Bắc Kinh 9 tháng 7 2019

Người biểu tình nói nhà máy đốt rác gần khu dân cư, gây nguy hiểm cho đời sống của họ
Trong khi thế giới đang hướng sự tập trung vào các cuộc biểu tình ở Hong Kong, Trung Quốc đại lục cũng vừa chứng kiến tình trạng bất ổn ở quy mô hiếm thấy.
Hàng ngàn người Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, đã xuống đường tuần trước trong vài ngày.
Họ tức giận về kế hoạch xây một nhà máy đốt rác thải mà theo họ sẽ khiến thành phố bị ô nhiễm mức nguy hiểm.
Nhưng khi các cuộc biểu tình gia tăng trong tuần, chính quyền Trung Quốc bắt đầu kiểm duyệt và tăng cường an ninh để cố gắng che đậy tình trạng bất ổn.
Tại sao họ tức giận?

Người Trung Quốc học được gì từ biểu tình ở Hong Kong?
Vũ Hán đã tuyệt vọng tìm cách xử lý rác thải ra từ 10 triệu cư dân thành phố. Vì vậy, chính quyền thành phố đã lên kế hoạch xây một lò đốt rác khổng lồ, có trụ sở tại khu Yangluo của quận Tân Châu, nơi khoảng 300.000 người sinh sống.
Theo một tài liệu của chính quyền Vũ Hán công bố vào tháng Hai, lò đốt rác có công suất 2.000 tấn rác/ngày.
Huyện Tân Châu cũng đã sở hữu một bãi rác thải, mùi nồng nặc, theo một số người dân địa phương, có thể ngửi thấy ngay cả khi người ta đi ngang qua bằng xe buýt.
Nhưng người dân lo ngại rằng các lò đốt rác công nghệ tồi có thể thải ra dioxin, tàn phá hệ miễn dịch, biến đổi hormone và gây ung thư. Trong năm 2013, năm nhà máy như vậy ở thành phố Vũ Hán bị phát hiện không đạt tiêu chuẩn và thải ra các chất gây ô nhiễm nguy hiểm, theo đài truyền hình CCTV của Trung Quốc.
Vào cuối tháng Sáu, tin đồn bắt đầu lan truyền rằng lò đốt rác mới bắt đầu được khởi công tại Yangluo, nơi được quy hoạch làm một khu công nghiệp, gần khu dân cư và hai trường học.
Người dân địa phương đã xuống đường trong vài ngày, yêu cầu phải xem xét lại địa điểm xây nhà máy đốt rác.
Họ giương cao các biểu ngữ với các khẩu hiệu như "ô nhiễm không khí sẽ hủy hoại thế hệ tiếp theo" và "chúng tôi không muốn bị đầu độc, chúng tôi chỉ cần hít thở không khí trong lành". Họ không yêu cầu phải loại bỏ hoàn toàn mà chỉ cần nhà máy được di chuyển xa hơn.
Các cuộc biểu tình đã tăng lên trong nhiều ngày và theo một số người dân địa phương, thời điểm đông nhất đã có tới 10.000 người tham gia.
Chính phủ trả lời như thế nào?

Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình Trung Quốc
Lúc đầu, chính quyền huyện Tân Châu đã cố gắng xoa dịu tình trạng bất ổn. Họ đưa ra một tuyên bố vào thứ Tư tuần trước phủ nhận việc bắt đầu xây nhà máy rác. Họ nói dự án thậm chí đã không được phê duyệt, và cũng chưa có bất kỳ đánh giá tác động môi trường nào.
Họ nói chính quyền địa phương sẽ "coi trọng tiếng nói của người dân" trong việc ra quyết định, nhưng cảnh báo rằng các cơ quan an sẽ trấn áp bất kỳ "hành vi bất hợp pháp nào như kích động và khiêu khích độc hại".
Một số người dân địa phương được cho là đã bị giam giữ nhưng không kiểm chứng được con số chính xác.
Cuối tuần qua, chính quyền dường như đã thành công trong việc dẹp tan các cuộc biểu tình. Một số người dân địa phương cho biết có cảnh sát chống bạo động trên đường phố và các cửa hàng xung quanh các địa điểm biểu tình được lệnh đóng cửa trước 6 giờ tối.
Trong khi đó, cơ quan kiểm duyệt của Trung Quốc đã hoạt động.
Các ý kiến trên mạng xã hội biến mất nhanh chóng. Video và hình ảnh các con đường đầy người biểu tình và các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát có thể được kiểm duyệt trong vài giờ. Trong khi có một vài tường thuật trên truyền thông nhà nước về nhà máy đốt rác, không có tờ báo nào trong số đó đưa tin về các cuộc biểu tình.
Người dân địa phương cho biết họ không hài lòng với sự trấn an của chính quyền quận, bởi vì chính quyền thành phố phải là người có tiếng nói cuối cùng.
Nhưng chính quyền thành phố giữ im lặng cho đến nay.
Điều này khác thường như thế nào đối với Trung Quốc?
Trung Quốc thường thấy các cuộc biểu tình công khai như thế này, nhưng chủ yếu ở tầm vóc nhỏ hơn nhiều.
Trong khi người dân Trung Quốc hầu như tránh các cuộc biểu tình về cải cách chính trị kể từ khi phong trào Thiên An Môn bị nghiền nát năm 1989, thì các cuộc biểu tình liên quan đến các vấn đề môi trường trở nên phổ biến hơn.
Các phong trào dân sự chống lại các dự án gây ô nhiễm bắt đầu từ năm 2007 khi một cuộc biểu tình nổ ra ở thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, phản đối một nhà máy hóa chất công nghiệp.
Vụ việc trở nên nổi tiếng tại thời điểm kiểm duyệt vẫn nhẹ tay hơn bây giờ, và chính quyền địa phương cuối cùng đã đưa dự án này ra khỏi thành phố.
Năm 2015 có những cuộc biểu tình ở cả Thượng Hải và phía bắc Thiên Tân, phản đối kế hoạch xây các nhà máy sản xuất mà người dân địa phương cho rằng 'đặt họ vào tình thế nguy hiểm'.
Năm 2017, thành phố Thanh Viễn thuộc tỉnh Quảng Đông cũng chứng kiến các cuộc biểu tình phản đối một lò đốt rác.
Trong các cuộc biểu tình ở Thanh Nguyên, gần 10.000 người dân địa phương đã xuống đường và cảnh sát đã bắn hơi cay vào đám đông. Ba ngày sau, chính phủ hủy bỏ kế hoạch xây lò đốt rác.
Chính quyền Vũ Hán có thể học hỏi từ Thanh Nguyên?
Cho đến nay không có dấu hiệu của điều đó.
Thậm chí một tuần sau các cuộc biểu tình, chính quyền thành phố dường như vẫn bị điếc trước dư luận.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48918146
Đảng cấm ‘Mở Lon’
Ông Quán July 11, 2019

Minh họa: Họa sĩ Nín.
Đảng đã cấm rất nhiều thứ. Cấm biểu tình chống “Tàu lạ.” Cấm đảng viên chao đảo. Cấm diễn biến hòa bình. Nay thêm lệnh cấm mới dành cho hãng nước ngọt Coca-Cola không được quảng cáo với hai chữ “Mở Lon.”
Tại sao Đảng Cộng Sản cấm Mở Lon?
Dân Hà Nội đồn nhau rằng quyết định tối quan trọng này bắt nguốn từ một phiên họp Bộ Chính Trị! Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân mở tủ lạnh lấy lon Coca uống, nhân tiện lấy thêm một lon nữa, hất hàm hỏi Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc có muốn không. Kim Ngân đưa lon nước ngọt, Xuân Phúc cười giả lả: “Bà phải Mở Lon cho tôi chớ?”
Xuân Phúc cãi không lại, bởi vì trong Bộ Chính Trị đã nhiều lần đem hai chữ “Mở Lon” ra đùa cợt với nhau. Ai cũng khen hãng nước ngọt Coca-Cola khéo chọn một khẩu hiệu bán hàng rất gợi cảm, các thợ viết khẩu hiệu trong Ban Tuyên Giáo cũng không thể nghĩ ra một khẩu hiệu gợi tình như thế được – kể từ khi Bác đặt ra khẩu hiệu mà đêm đêm các cán bộ vẫn reo hò: “Ta nhất định thắng! Địch nhất định thua! Địch nhất định thua! Thua này! Thua này! Thua này!”Kim Ngân nổi giận, ném lon Coca vào mặt Xuân Phúc, hét lớn: “Cái lão Ma Dzê này nó dám Dzê tôi! Yêu cầu các đồng chí xử lý!”
Câu chuyện được báo cáo tới Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Trọng bèn ra lệnh cấm. Lý do: Muốn tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội phải nói tiếng Bắc. Người Bắc mình gọi là hộp sữa, hộp bia, hộp nước ngọt; bọn Ngụy ở miền Nam mới nói lon sữa, lon nước! Đây là một âm mưu diễn biến hòa bình của đế quốc Coca-Cola muốn dân miền Bắc bắt chước rồi dần dần chạy theo văn hóa miền Nam!
Bộ Chính Trị đảng quán triệt chỉ thị của tổng bí thư: ra lệnh cấm Coca-Cola không được “mở lon” nữa!
Nhưng câu chuyện trên đây khó tin. Vì Nguyễn Phú Trọng đang bệnh, cái đầu không làm việc nữa; sức đâu mà “ní nuận.” Hơn nữa, nếu Xuân Phúc yêu cầu mở lon thì Kim Ngân sẽ chỉ cười khúc khích: “Muốn mở lon thì cứ mở! Làm sao cho nó mở ra đi?” Và nếu Nguyễn Phú Trọng cấm chữ “lon” thì tại sao hai chữ “Khui Lon” mà hãng nước ngọt Mỹ vẫn dùng trong quảng cáo, lại không bị cấm?
Vậy vì sao Đảng Cộng Sản lại cấm “Mở Lon?”
Ban Tuyên Giáo đã can thiệp, nghiên cứu và thảo luận chuyện này từ mấy năm qua, từ thời đồng chí Đỗ Mười còn tại thế.
Một bữa ông Đỗ Mười thấy cái quảng cáo “Mở Lon” trên ti vi, mắt ông nhấp nháy, ông hỏi: “Đứa nào nó Mổ Lợn thế chúng bay?”
Ông cựu thủ tướng, cựu tổng bí thư xuất thân là một chiến sĩ “hoạn lợn,” trong Nam gọi là “thiến heo”cho nên nói đến Mổ Lợn là ông rất nhạy cảm. Sau khi nghe cải chính hai chữ đó là “Mở Lon” ông Đỗ Mười hỏi: “Mở Lon là cái gì? Ăn nói bậy bạ! Chúng nó định chửi tao phải không? Cấm!”
Lệnh được truyền đi. Tuy Đỗ Mười về hưu đã lâu nhưng thế lực còn rất mạnh. Ban Tuyên Giáo được lệnh phải nghiên cứu tìm ra lý do để cấm hai chữ “Mở Lon.” Cấm nói hai cữ đó vì bị hiểu lầm ra Mổ Lợn nghe không hợp lý. Mổ lợn có gì xấu mà cấm? Mỡ Lợn, cũng không đủ lý do bắt hãng Coca-Cola bỏ.
Sau cùng, một bà cục trưởng thuộc Bộ Văn Hóa, rụt rè nêu ý kiến: “Từ “lon” có rất nhiều vấn đề… Các đồng chí coi, nếu người ta thêm dấu, thêm mũ vào vào từ đó…” Bà không nói hết câu nhưng mọi người nghĩ ra bà định nói gì! Luật Sư Trần Vũ Hải viết trên Facebook gọi một quan chức là “Mặt Lợn” sau đó lại gỡ đi cũng vì sợ người đọc lộn!
Nếu bảo hãng Coca-Cola ngưng dùng hai chữ Mở Lon vì cái đó thì thật chính dáng! Đó là cái thứ các cụ nhà mình đã tả cảnh: Xấu thì thật xấu. Xem vẫn muốn xem! Nói đến thì thèm! Bảo ăn thì giận!
Nhà văn Nguyễn Đình Bổn viết trên trang cá nhân: “Lon – một từ tiếng Việt rõ ràng,… ví dụ như… lon bia, lon nước ngọt, lon sữa… đứa bé lên 3 cũng hiểu như vậy, chỉ có bọn ở cái bộ xưng là văn hóa lại hiểu thành… l**… Đúng là bọn rảnh háng. Đầu óc lúc nào cũng bị ám ảnh chuyện tính dục!”
Xin hỏi nhà văn Nguyễn Đình Bổn: “…rảnh háng” nghĩa là gì? Coi chừng lại bị cấm đó nghe!
(Ông Quán)
Hồng Kông: Giờ đây không bên nào còn có thể quay lui
Thụy My 05-07-2019

Cảnh sát để yên cho người biểu tình trong nhiều tiếng đồng hồ dùng các dụng cụ thô sơ để cố đập vỡ kính tòa nhà Nghị Viện Hồng Kông, ngày 01/07/2019. Liệu đây có phải là một cái bẫy?
REUTERS/Tyrone Siu
Libération hôm nay 05/07/2019dành hai trang lớn cho bài phóng sự mang tựa đề « Hồng Kông : Bắc Kinh nhe nanh múa vuốt, người biểu tình siết chặt hàng ngũ ».
Ba ngày sau cuộc biểu tình tập hợp 550.000 người và cuộc xâm nhập vào LegCo tức Nghị Viện của hàng trăm thanh niên, Hồng Kông vẫn còn bị sốc. Tối thứ Tư, bắt đầu có một số vụ bắt giữ. Tờ báo đặt ra một loạt câu hỏi và trả lời.
Liệu việc chiếm lĩnh Nghị Viện có phải là một vụ dàn dựng để làm phong trào đấu tranh mất uy tín hay không ? Đó là giả thiết được nhiều nhà đấu tranh dân chủ nêu ra.
Hôm thứ Hai đầu tuần, khi tầng lớp ăn trên ngồi trước thân Trung Quốc mở sâm banh ăn mừng 22 năm ngày Hồng Kông được Anh trao trả, lực lượng an ninh trong suốt bảy tiếng đồng hồ chỉ đứng nhìn những người trẻ đang tìm cách đập vỡ cửa sổ, cửa lớn của tòa nhà ; và để yên cho 30.000 người tập hợp bên ngoài Nghị Viện. Trong khi 3.000 cảnh sát cơ động trang bị đầy đủ đứng canh cách đó không xa, hàng trăm người biểu tình vẫn có thể tung hoành bên trong LegCo nhiều giờ, và chỉ bị giải tán dễ dàng bằng hơi cay sau đó.
Một video do cảnh sát đăng lên vào 21 giờ 30 tối thứ Hai, cho thấy một sĩ quan cảnh sát lên án vụ xâm nhập. Nhưng chiếc đồng hồ đeo tay của người này lại chỉ 17 giờ, làm tăng mối nghi ngờ việc tuyên bố này đã được ghi hình từ chiều, tức bốn tiếng đồng hồ trước khi người biểu tình vào được Nghị Viện. Nhà đấu tranh Martin Lee còn nghi rằng những người đập phá đầu tiên là theo đơn đặt hàng.
Nhà báo Pháp cũng gặp trong métro năm thanh niên trang bị bộ đàm, đeo túi ba lô giống nhau, sau đó biến mất vào đám đông sinh viên. Rất có thể là cảnh sát chìm, nhưng chưa hẳn là người gây rối. Ngoài ra, tất cả những người được phỏng vấn đều tỏ ra hăng hái chống lại chính quyền, và họ rất xúc động trước hai vụ thiếu nữ tự tử vào cuối tuần.
Làm thế nào giải thích việc một lá cờ Anh được treo lên trong Nghị Viện ? Tấm ảnh này được lan truyền rộng rãi, nhưng thực ra khi đặc phái viên Libération vào đến bên trong thì đã được hạ xuống. Theo Eric Sautedé, chuyên gia về Trung Quốc tại Hồng Kông, thông điệp ở đây là « Những ông chủ mới của Hồng Kông cũng chẳng hơn gì thực dân ». Từ « Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa » trên biểu tượng Hồng Kông bị bôi đen với dòng chữ « Hồng Kông không phải là Trung Quốc », cũng là một thông điệp tương tự.
Chính quyền Hồng Kông phản ứng ra sao ? Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) tố cáo những hành động « cực kỳ bạo lực », bi kịch hóa những thiệt hại nhìn thì ấn tượng nhưng thực ra không đáng kể : cửa kính, màn hình bị đập vỡ, đồ đạc bị lật nhào, ảnh các chính khách bị gỡ xuống…Cảnh sát xử lý như « hiện trường tội phạm », và loan báo loạt bắt bớ đầu tiên, trong đó có một người đàn ông chở một xe gồm nón bảo hộ, khẩu trang, thuốc nhỏ mắt…cho người biểu tình.
Liệu phong trào phản kháng sẽ tiếp tục ? Mặt trận Công dân Nhân quyền kêu gọi đoàn kết, nhiều thanh niên cho biết không sợ tù đày, nhưng các hành động bất tuân dân sự vừa rồi đã gây sốc cho một số người dân.
Còn phản ứng của Bắc Kinh ? Chính quyền Hoa lục đòi hỏi « những tên tội phạm » phải bị trừng trị, và quân đội Trung Quốc cách đây vài ngày đã tập trận ngoài khơi Hồng Kông, điều một « lực lượng đặc biệt » đến bên kia biên giới. Nhưng ít có nguy cơ Bắc Kinh cho quân đội can thiệp, vì một Hồng Kông tự do, ổn định rất cần thiết cho lợi ích tài chính.
Cũng theo Eric Sautedé, Bắc Kinh hiểu biết rất ít về những bất ổn của xã hội Hồng Kông, về nỗi tuyệt vọng của một số người dân. « Việc chiếm Nghị Viện như lời cảnh báo cuối cùng trước khi chuyển sang một giai đoạn khác. Bắc Kinh hẳn là rất lo sợ, trừng phạt những người phá hoại có lẽ là một lối thoát. Tôi cho rằng một thỏa thuận có thể đạt được ».
Những giải pháp khả thi nhất ? Có thể hủy bỏ dự luật dẫn độ, nhưng sẽ bị coi như một thất bại của đảng Cộng Sản Trung Quốc, tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho chế độ. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, mà tỉ lệ tín nhiệm đang ở mức thấp nhất, có thể từ chức. Việc này sẽ xoa dịu những người biểu tình, mà đa số không đòi Hồng Kông độc lập, chỉ muốn duy trì tự do ngôn luận và độc lập tư pháp.
Đối với ông Trần Gia Lạc (Kenneth Chan Ka Lok), cựu dân biểu dân chủ, chỉ có một điều chắc chắn : « Bắc Kinh sẽ trả thù một khi quốc tế không còn chú ý tới. Một cách lặng lẽ, các nhà tranh đấu, giới trí thức, đối lập sẽ bị đàn áp, đó là ‘chiến thuật cắt lớp’ – tỉa dần từng cụm. Nhưng xã hội công dân Hồng Kông rất năng động và có tổ chức. Chúng tôi vẫn tiếp tục đấu tranh, chấp nhận hiểm nguy ».
Hồng Kông : Cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất của Tập Cận Bình
Còn theo phân tích của ông Trương Luân (Lun Zhang), giáo sư trường đại học Cergy-Pontoise trên Le Monde, thì Tập Cận Bình đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất trong nhiệm kỳ của ông ta.
Biểu tình Hồng Kông đã bước qua một giai đoạn mới hôm 1 tháng Bảy, với logic đối đầu. Ngõ cụt này trước hết là do thái độ không khoan nhượng của chính quyền Hồng Kông, trong khi có đến 1 rồi 2 triệu người dân đặc khu xuống đường phản đối dự luật dẫn độ.
Tình hình đáng buồn hiện nay là kết quả của chính sách Bắc Kinh trong suốt hai thập niên sau khi Hồng Kông được trao trả : người dân không có quyền chọn lựa người đại diện cho mình. Đó còn do mô hình « Một đất nước, hai chế độ » được lập ra một cách thực dụng để thu hồi thành phố tư bản này, nhập vào một chế độ cộng sản. Nhưng với tư tưởng độc tài, chế độ Trung Quốc về lâu về dài không thể dung thứ cho một vùng đất nhỏ tự do. Bây giờ là lúc để thu hẹp không gian tự do của người Hồng Kông, tránh việc thành phố này trở nên thành trì đòi tự do cho toàn bộ Trung Quốc.
Kể từ vụ đàn áp đẫm máu Thiên An Môn cách đây 30 năm, người Hồng Kông luôn ủng hộ các phong trào dân chủ ở Hoa lục. Đối với họ, nếu không dân chủ hóa, họ có nguy cơ bị mất tất cả các quyền có được trong thời chính quyền Anh trước đây, và hai thập niên vừa rồi đã chứng tỏ điều đó. Công an Trung Quốc đã bắt bớ và bắt cóc nhiều người tại đặc khu mà không cần qua thủ tục xét xử nào.
Dân chủ Hồng Kông không thể tách rời dân chủ hóa Trung Quốc
Vụ chiếm lĩnh Nghị Viện đã gây chia rẽ giữa những người biểu tình muốn duy trì trật tự và số khác muốn gia tăng áp lực bằng những hành động gây chú ý. Nhưng quan trọng nhất là khoảng cách bị đào sâu giữa xã hội Hồng Kông và quyền lực Bắc Kinh. Sự kiện vừa rồi cộng với nhiều vụ tự tử trong những ngày gần đây cho thấy cảm giác tuyệt vọng đang lan tỏa trong một số người Hồng Kông. La Croix cho biết thêm, đã có ba thanh niên gồm hai nữ và một nam tự sát để ủng hộ phong trào, còn người thứ tư là một chàng trai đã được cứu sống vào phút chót khi định nhảy cầu hôm thứ Tư 3/7 vừa rồi, nhờ cư dân mạng Hồng Kông dốc toàn lực truy tìm.
Giáo sư Trương Luân kết luận, nay thì trong hai phe, không phe nào còn có thể thối lui. Bắc Kinh không muốn mất mặt khi nhượng bộ người dân đặc khu, lo sợ họ sẽ đòi hỏi một nền dân chủ thực thụ. Người Hồng Kông thì ý thức được rằng đây là thời điểm cốt yếu để bảo vệ sự tự do của mình. Tập Cận Bình nay phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ khi lên cầm quyền. Hai nền văn minh đang đối đầu với nhau trước mắt chúng ta : tự do hay độc tài, vấn đề sinh tử của Hồng Kông.
Mercosur làm tiếng nói châu Âu thêm sức nặng
Về thời sự nước Pháp, Le Figaro hôm nay nói về sự giận dữ đối với những giáo viên dùng kỳ thi tú tài để bắt bí, Libération nhấn mạnh bộ trưởng giáo dục Jean-Michel Blanquer vẫn tỏ ra cứng rắn đối với các giáo viên đình công. Riêng La Croix nhìn sang Hy Lạp, nhận định người dân nước này đang muốn lật sang một trang mới. Ở trang trong, vụ án con gà Maurice - bị ra tòa vì cáo buộc gáy quá sớm - cũng chiếm không ít giấy mực của báo Pháp.
Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos mổ xẻ « Gởi tiết kiệm, sở thích của người Pháp ». Le Monde giải thích « Vì sao hiệp định tự do mậu dịch lại bị tranh cãi như thế ». Bài xã luận của Le Monde nhận định « Mercosur : Làm cho tiếng nói của châu Âu được lắng nghe ».
Hiếm khi có một hiệp định tự do mậu dịch bị phản đối như vậy tại Pháp, từ phe vì môi trường cho đến cực hữu, từ nông gia cho đến các hiệp hội, và cả trong đảng cầm quyền cũng có những ý kiến trái ngược.
Hiệp định giữa Liên Hiệp Châu Âu (EU) và khối Mercosur (gồm 4 nước Nam Mỹ là Achentina, Brazil, Paraguay và Uruguay) nhằm bãi bỏ thuế quan trong một thị trường 780 triệu người, kèm theo cam kết về các tiêu chuẩn vệ sinh của EU và hiệp định khí hậu Paris. Tờ báo cho rằng việc phản đối hiệp định này là bất hợp lý.
Lâu nay EU vẫn bị chỉ trích là không có trọng lượng trên trường quốc tế, cả về ngoại giao lẫn quân sự. Trong khi với thị trường 500 triệu dân, châu Âu có khả năng áp đặt một mô hình dựa trên luật pháp, tự do, bảo vệ môi trường, và hiệp ước Mercosur là cơ hội tốt. Trong bối cảnh ông Donald Trump quay lại với luật của kẻ mạnh, và mưu đồ bành trướng của Tập Cận Bình, việc tự cô lập sẽ là chọn lựa tồi tệ nhất đối với châu Âu.
Đi vào tranh cử 2020
Cổ-Lũy July 4, 2019
Ứng viên tranh cử, Nghị Sĩ Kamala Harris (cựu bộ trưởng Tư Pháp California; gốc da đen và Ấn Độ) với lý luận sắc bén, lưu loát tấn công trực diện vào ông Trump. Bà có thể sẽ nắm phần thắng sơ bộ ở California với số 1/4 đại diện đảng cần thiết để được nêu danh. (Hình: Justin Sullivan/Getty Images)
Hai ngày liên tiếp giữa tuần trước, 20 ứng viên tổng thống thuộc đảng Dân Chủ gặp gỡ trong tranh luận đầu tiên do hệ thống ti vi NBC ở Florida tổ chức. Cùng thời gian này Tổng Thống Donald Trump cùng con gái và rể tham dự Hội Nghị G20 ở Nhật, với không mấy kết quả nhưng vô số cơ hội “hân hạnh” chụp hình, quay phim “lịch sử” và thân mật với nhà độc tài khét tiếng Bắc Hàn Kim Jong Un. Mùa tranh cử đã mở đầu trong những gay gắt giữa hai đảng
Thứ Hai đầu tuần, Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện cho biết chi tiết về điều trần của Điều Tra Viên Đặc Biệt Robert Mueller trước Hạ Viện ngày 17 tới; ông Trump vội tổ chức “mít tinh” lớn cùng ngày ở North Carolina để đánh lạc hướng dư luận. Ông Mueller nhận lời điều trần công khai trước Ủy Ban Tư Pháp và Tình Báo; ông có thể là tiếng nói vô tư, trung thực và ảnh hưởng vô cùng về cuộc điều tra.
Trong thông báo chung hai ủy ban cho biết, “Dân chúng Mỹ đòi hỏi được nghe trực tiếp từ công tố viên và những người làm việc dưới quyền để họ có thể hiểu những gì đã được xem xét, phát giác, và kết luận về những tấn công từ Nga vào nền dân chủ của chúng ta, rồi Mặt Trận Tranh Cử Trump đón nhận và lợi dụng những tấn công này, và Tổng Thống Trump cùng người làm việc cho ông ngăn cản những điều tra về tấn công này.”
Thứ Ba, sau những nhì nhằng, Chủ Tịch Ủy Ban Thuế Richard Neal đệ đơn kiện bộ trưởng tài chính đã không nộp hồ sơ thuế của ông Trump. Tiểu bang New York đã thông qua luật buộc các ứng viên phải công bố hồ sơ thuế; sở thuế tiểu bang sẵn sàng cung cấp hồ sơ thuế của ông Trump cho Quốc Hội.
Bắt đầu tranh cử: Cộng Hòa
Ngày 18 Tháng Sáu, ông Trump chính thức công bố tái cử tại một mít-tinh đông đảo ở trung tâm Florida; trước mặt các “cử tri trung kiên/base” sôi động, ông lập lại đề tài “chia rẽ, kỳ thị” họ dễ bị kích động nhất: “Dân di cư ào ào vào Hoa Kỳ” từ Trung Mỹ và những biện pháp gắt gao ông dùng để ngăn chặn họ – hơn cả kinh tế, chính trị, ngoại giao và quốc phòng.
Ông Trump có lợi thế về mặt kinh tế, phát triển mạnh theo đà có sẵn từ hai năm cuối của Tổng Thống Obama, với số người thất nghiệp xuống rất thấp. Bình thường tổng thống tại chức với kinh tế mạnh mẽ dễ được cử tri chọn cho nhiệm kỳ tiếp. Nhưng ông Trump không bình thường; ông bị đa số dân không chấp nhận, và ông tự tạo ra những khó khăn cho mình: Thâm thủng ngân sách vì “giảm thuế cho nhà giàu,” chi phí quốc phòng quá mức, và những chính sách “nhân tạo” về thuế nhập cảng, hay làm áp lực hạ lãi suất cho vay (nhằm giảm thất nghiệp tuy dễ tăng lạm phát).
Như thường lệ, với những huyênh hoang không kiểm chứng, ông cho biết tuần lễ kế tiếp sẽ bắt đầu trục xuất “hàng triệu người di cư bất hợp pháp… nhanh chóng như họ vào đất Mỹ” mà không cần biết khả năng nhân sự di trú và những phương pháp sử dụng vào việc này. Tuy nhiên nhóm “base,” hầu hết người da trắng, ít học, lợi tức thấp, lớn tuổi và kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, như “mê tít thò lò” và nồng nhiệt ủng hộ.
Báo giới nhận xét, qua những phát ngôn hay “tuýt” hằng ngày ông chỉ muốn chụp lấy chú ý của người muốn nghe, gây sợ hãi, và xách động giận dữ, ghét bỏ từ những người này – với không một chính sách, phương cách hay kế hoạch nào cả.
Ông đã gieo cơn gió “chia rẽ, kỳ thị” và bất ngờ thắng cử 2016; nay ông lập lại những hò hét, khẩu hiệu cũ với đề tài “mình và nhóm base da trắng” là “nạn nhân” của những “kẻ thù” da không trắng và những thay đổi trong xã hội, và do đó phải đảo ngược hiện trạng để trở lại thời “hoàng kim 1950” – khi người da trắng và văn hóa trắng độc quyền chế ngự kinh tế, chính trị và đời sống Mỹ.
Từ đây ra khẩu hiệu “Make America Great Again,” đi ngược dòng lịch sử trở lại thời da trắng độc tôn; ba năm truớc ông đã hứa sẽ cấm tất cả di dân tới Hoa Kỳ, trừ người từ Châu Âu để gia tăng tỉ số người da trắng trong nước.
Phủ nhận những tội nặng mình vi phạm mà báo giới và Điều Tra Viên Robert Mueller đã đầy đủ hồ sơ, ông nói: “Họ điều tra về gia đình, làm ăn, tài chính của tôi, và người làm việc cho tôi, nhưng thật sự là họ nhắm vào các người ủng hộ tôi… tiêu diệt nhiệm kỳ của tôi và văn hóa người Mỹ da trắng.” Trên hết, ông lại hứa sẽ xây tường ngăn người vượt biên giới với Mexico mà hơn hai năm ông chưa xây được một dặm.
Điểm đáng chú ý nhất sau mít-tinh: Tổng thống thu được gần $25 triệu ủng hộ vô cùng quan trọng cho tái cử – phần lớn từ những triệu, tỷ phú đại kỹ, thương. Dưới chính quyền Trump, các giới này được bỏ nhiều ràng buộc về môi sinh và luật lệ nhằm bênh vực công nhân và người dân tiêu thụ; họ được vay tiền làm ăn với lãi suất nhẹ để tha hồ “hốt bạc,” rồi được trừ thuế tối đa sau đó. Đảng Cộng Hòa cũng thu trên $50 triệu.
Những điều trên, cùng thời gian hơn hai năm qua, cho thấy ông quyết “đánh cá” tranh cử 2020 trên nhóm “base” của mình và giới đại kỹ, thương – không nhắm tới các cử tri cùng đảng nhưng không ủng hộ mình trước đây, hay người độc lập, chưa nói gì những cử tri Dân Chủ đối lập. Đây khác hẳn những tổng thống đi trước, sau tranh cử sát phạt đều cố hòa giải, mời chào các phe phái cùng đảng và người ngoài đảng hợp tác; điều này cũng giải thích tại sao số người ủng hộ ông vẫn ở mức 42% – xa hẳn tỉ số tối thiểu 50% để có hy vọng lấy được nhiệm kỳ hai.
Phía Dân Chủ
Khoảng hai tá ứng viên Dân Chủ tranh cử sơ bộ (primary), từ cựu Phó Tổng Thống Joe Biden với triển vọng cao đánh bại ông Trump, đến nhiều người ngay cả giới chính trị cũng không biết tên tuổi – nhảy vào vòng chiến với hy vọng nắm cơ hội chính trị lâu dài hơn là đánh bại ông Trump, người không phải qua chặng “primary” vì hầu như không có đối thủ cùng đảng.
Về những ứng viên Dân Chủ, tờ Los Angeles Times tiêu biểu miền Tây nhận định họ phải có những khả năng và tư cách mà ông Trump hoàn toàn không có, và đủ sức đánh bại ông. Quan trọng hơn nữa, người được chọn phải cho thấy mình có thể hàn gắn những đổ vỡ, tai họa chính quyền Trump để lại, nhất là những thù hận, ganh ghét độc địa về màu da, tôn giáo và những bạo hành, quá quắt từ các nhóm da trắng độc tôn (vẫn tiềm ẩn trong xã hội Mỹ nhưng đã qua ông Trump tìm được đồng minh ủng hộ mình). Những dối trá trắng trợn hằng ngày từ Tòa Bạch Ốc đã làm dân chúng mất tin tưởng vào các định chế cần thiết, như hiến pháp hoặc sự thật, để duy trì dân chủ. Về đối ngoại, thử thách lớn là làm sao lập lại những liên minh với nước ngoài mà ông Trump đã phá hoại, và các thỏa thuận với đồng minh mà ông vứt vào sọt rác với chủ trương “Nước Mỹ trước hết.”
Đảng Dân Chủ chia ứng viên thành hai nhóm tranh luận ở “primary” dựa trên mức ủng hộ và khả năng thu tiền tranh cử; mỗi nhóm gồm mười người được bốc thăm. Trong buổi tranh luận Thứ Tư trước với Nghị Sĩ Elizabeth Warren (người độc nhất trong danh sách năm ứng viên dẫn đầu) không “hào hứng” lắm vì ít tranh luận và tấn công nhắm vào ông Trump hay ông Biden. Bà Warren đưa ra nhiều kế hoạch cấp tiến nhằm thay đổi “cơ cấu kinh tế Mỹ” cho công bằng hơn.
Tranh luận Thứ Năm gồm bốn ứng viên đứng đầu danh sách trong đó bà Nghị Sĩ Kamala Harris (cựu bộ trưởng Tư Pháp California; gốc da đen và Ấn Độ) thành nhân vật trổi bật với lý luận sắc bén, lưu loát tấn công trực diện vào ông Trump và ông Biden (vì từng hòa hoãn với người và chính sách kỳ thị chủng tộc). Sau tranh luận đợt đầu, trong khi bà Warren có hy vọng “qua mặt” Nghị Sĩ Bernie Sanders như một nhân vật cấp tiến, và Thị Trưởng Pete Buttigieg gập khó khăn về chủng tộc ở thành phố mình, với thanh thế lên cao bà Harris có thể thành đối thủ chính của ông Biden với tấn công khá bất ngờ và đặt ông vào thế phòng thủ.
Sau những điều trần ở Quốc Hội làm xính vính ứng viên Tối Cao Pháp Viện Brett Kavanaugh, hai bộ trưởng tư pháp (Jeff Sessions, William Barr), và nhất là hai lần xuất hiện đầu năm ở California và Georgia để chính thức tranh cử với mức thu hút ủng hộ của dân chúng về chính trị và tài chính rực rỡ, bà thành ngôi sao sáng phía Dân Chủ và được xem là người có thể “trị”được ông Trump.
Tuy nhiên, bà lại nhìn xa và khá thận trọng xem xét 20 đối thủ, rồi âm thầm chuyển dần từ những vị trí cấp tiến sang ôn hòa hơn – dựa vào “yếu tố Biden già nua” nhưng được nhiều ủng hộ, vì “yếu tố Trump hỗn loạn” khiến đa số dân chúng muốn trở lại “normalcy/đời sống bình thường.” Có thể bà suy nghĩ đúng, nhưng giữa những giông bão “phản kháng Trump” ngôi sao bà đã lu mờ bớt.
Thành tích “trấn ngự tranh luận đầu tiên” nay có thể giúp bà cứng rắn và bớt ôn hòa trong những tháng tới, khi nhiều ứng viên ít hy vọng hơn phải bỏ cuộc.
Theo thăm dò dư luận của viện Đại Học Quinipiac, bà Harris với mức ủng hộ 20% chỉ thua ông Biden 2%. Nếu giữ được đà này, đầu Xuân tới bà sẽ nắm phần thắng sơ bộ ở California với số 1/4 đại diện đảng cần thiết để được nêu danh.
(Cổ-Lũy)
Giới thiệu Video ca khúc: ''Hongkong – Sea of Black'' tranh đấu cho Tự Do và Dân Chủ
SBTN & Truc Ho 02/Jul/2019
http://vietcatholic.net/News/Html/251176.htm
”Sea of Black" | Music by Truc Ho [Official Music Video] In Dedication to Those Who Give Their Lives to Freedom and Democracy
SEA OF BLACK" – SÁNG TÁC MỚI CỦA NHẠC SĨ TRÚC HỒ
Vào ngày 16 tháng 06, 2019, gần 2 triệu người Hong Kong trong chiếc áo đen đã xuống đường biểu tình chống lại dự luật dẫn độ về Trung Cộng của đặc khu trưởng Carrie Lâm. 2 triệu người trong chiếc áo đen đã gởi đi một thông điệp cho Bắc Kinh là người dân quyết tâm, can trường không khuất phục trước cường quyền. Từ trên không nhìn xuống, 2 triệu người nhấp nhô như ngọn sóng dâng trào. Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng đã đặt tựa cho bản tin của họ khi viết về cuộc biểu tình của 2 triệu người là Sea Of Black. Từng theo dõi cuộc biểu tình của người dân Hong Kong trong 4 năm qua, và đã có mặt tại chổ để đồng hành cùng người dân Hong Kong vào năm 2014, lần này nhạc sĩ Trúc Hồ đã cảm xúc và sáng tác một nhạc phẩm mang tên Sea of Black. Nhạc phẩm này được nhạc sĩ sáng tác bằng cả hai thứ tiếng Anh và Việt Ngữ. Đặc biệt là nhạc phẩm này có sự đóng góp của ái nữ nhạc sĩ Trúc Hồ là Lala Trương và thứ Nam là Lý Bạch cho lời của phần nhạc. Nhạc sĩ Trúc Hồ cho biết nhạc sĩ đã sáng tác được một đoạn khi ở Hong Kong vào năm 2014 tham gia cùng dòng người biểu tình lúc bấy giờ, nhưng rồi để đó. Mãi đến hôm nay khi nhìn thấy 2 triệu người mang áo đen xuống đường để dành lại quyền làm người, nhạc sĩ đã lấy lại được cảm xúc và viết tiếp phần còn lại của nhạc phẩm Sea Of Black.
Hong Kong “Sea of Black"
Producer: Truc Ho Music and Lyrics: Truc Ho / Hung Truong, Lala Truong, Ly-Bach Truong Music Arrangement: Truc Ho Recording Studio: Motif Music Group, Mai Thanh Son Mix; Quoc Khanh, Truc Ho
Singers :
Hoang Thuc Linh Quoc Khanh Mai Thanh Son Doan Phi Sy Dan Diem Lien Da Nhat Yen Nguyen Khang Viet Hoang Tu Anh Angel Gia Han The Son Viet Khang Ban Thieu Nhi Cau Lac Bo Tinh Nghe Si
(Copyrights by SBTN & Truc Ho Music 2019)
Edited by user Friday, July 12, 2019 3:25:37 AM(UTC)
| Reason: Not specified
|