Cannes, không gian của những nhà làm phim mất tự do
10/07/2021 - Thanh Hà / RFI
Một lần nữa Liên hoan Cannes trở thành diễn đàn cho một đạo diễn bị “bịt miêng”. Lần thứ nhì chiếc ghế dành cho nhà làm phim người Nga Kirill Serebrennikov bị bỏ trống. Trong tầm ngắm của điện Kremlin, Serebrennikov bị tước quyền tự do đi lại, nhưng phim của ông luôn tỏa sáng trên các màn ảnh lớn tại Cannes. Sau Leto hồi năm 2018, lần này Cơn Sốt của Petrov được chọn tranh Cành Cọ Vàng.
Không làm chính trị, cũng chẳng phải là một nhà bất đồng chính kiến, hay một đối thủ chính trị của tổng thống Putin, nhưng Serebrennikov vẫn trong tầm ngắm của chế độ. Người nghệ sĩ này đã làm gì để Kremlin phải lo sợ đến nỗi Matxcơva tìm mọi cách cấm cản ông ra tiếp xúc với thế giới bên ngoài ?
Nổi tiếng trong thế giới kịch nghệ sân khấu, điện ảnh, Serebrennikov, 52 tuổi, điều hành nhà hát nổi tiếng của Matxcơva - Trung tâm văn hóa Gogol từ năm 2012. Tháng 6/2021 ông bị tuyên án ba năm tù treo và bị cấm ra khỏi lãnh thổ Nga.
Trong suốt thời gian Kirill Serebrennikov điều hành nhà hát Gogol, ông đã khuyến khích nhiều thế hệ nghệ sĩ khai mở những con đường nghệ thuật mới, biến trung tâm văn hóa này thành một mái nhà chung cho nhiều thể loại nghệ thuật, từ kịch nghệ đến kịch biên đạo múa. Nhà hát Gogol dưới dự dẫn dắt của Serebrennikov đã trở thành nhà hát thính phòng, thư viện của thủ đô nước Nga.
Nhưng cũng chính sự táo bạo trong sáng tác, tư tưởng tư do về nghệ thuật đó đã đẩy Serebrennikov vào tù. Tại Nga, dưới những năm tháng của chế độ Putin, bảo vệ giới đồng tính hay đưa ra một cái nhìn mới về thân thể các vũ công cũng là một tội. Dù không trực tiếp tham gia vào đời sống chính trị, nhưng Kirill Serebrennikov không ngần ngại chỉ trích « các quyền tự do đang bị siết chặt » trên quê hương ông. Đạo diễn này cũng dám đả kích một nước Nga càng lúc càng « bảo thủ ».
Năm 2017, khi đang thực hiện Leto Kirill, Serebrennikov đã bị bắt với tội biển thủ gần hai triệu đô la công quỹ. Trong một năm rưỡi, ông bị quản thúc tại gia. Không có điện thoại hay internet nhưng ông vẫn tiếp tục hoàn tất những vở kịch còn dang dở. Cuối năm 2017, ông cho ra mắt khán giả Matxcơva vở ballet nói về cuộc đời của vũ công Rudolf Noureiev. Noureiev là một vũ công lớn của thế kỷ XX, là một người đồng tính đã đào thoát khỏi Liên Xô, tìm tự do trên đất Pháp.
Tháng 5/2018, phim Leto của Kirill Serebrennikov tỏa sáng tại Liên hoan Cannes. Lần này Cơn Sốt của Petrov là một phóng tác dựa trên tiểu thuyết của Alexei Salnikov : Bị cúm nặng, Petrov cùng với người bạn là Igor giải sầu bằng rượu mạnh. Dưới ép-phê của cơn sốt và của rượu, những hình ảnh trong quá khứ hiện về, không còn biên giới với hiện tại mà anh đang sống.
Liên hoan Cannes luôn là một ốc đảo cho những nhà làm phim bị tước đoạt tự do. Năm 2018, cùng với Serebrennikov, nhà làm phim người Iran, Ashgar Farhadi cũng đã có một chiếc ghế trống trong buổi phim của ông được công chiếu. Phim của một đạo diễn Iran khác là Jafar Panahi cũng thường xuyên được giới thiệu phim trên các màn ảnh lớn tại Cannes.
Xa hơn nữa, vào năm 1965, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Cannes từng là mái nhà nghệ thuật đối với đạo diễn người Tiệp Khắc Milos Forman. Đạo diễn Thổ Nhĩ Kỳ Yimaz Guney thì đã từng vượt ngục để làm phim. Toàn bộ phần hậu kỳ được thực hiện tại Pháp và Yol, la permission đã đoạt Cành Cọ Vàng của liên hoan Cannes 1982.
H6, bệnh viện Thượng Hải, địa ngục của kinh tế thị trường Trung Quốc
10/07/2021 - Thanh Hà / RFI
Thượng Hải được xem là biểu tượng của phép lạ kinh tế Trung Quốc sau hơn 40 năm cải cách. Nhưng tại bệnh viện nhân dân H6 nổi tiếng của thành phố, những người lui tới chỉ là những con số : đó có thể là số giường của bệnh nhân, là số phát cho mỗi gia đình để vào thăm người nhà, là những số tiền đến chóng mặt phải liên tục chi ra ở mỗi khâu dịch vụ trong một bệnh viện công.
Một ông cụ già vào thăm vợ phải cầm cố căn hộ của họ để đủ tiền thuốc men cho bà. Một thiếu nữ trên giường bệnh với vỏn vẹn một người bố thăm nuôi, cô bé may mắn hơn người mẹ sau một tai nạn xe cộ. Một người đàn bà quê mùa đi 31 giờ xe lửa lên thành phố thăm chồng. Một người đàn ông liệt giường sau tai nạn lao động, gia đình phải gấp rút xoay xở 100.000 nhân dân tệ để giải phẫu cho ông, một cuộc phẫu thuật mà không ai biết kêt quả như thế nào.
Điều quan trọng nhất là phải có tiền nộp cho bệnh viện, « mà đó mới chỉ là tiền thuốc, chưa kể khâu chăm lo, ăn uống ». Cũng trong bệnh viện hiện đại H6, có một ông bác sĩ già chuyên nắn xương cốt cho bệnh nhân, để « bớt tốn tiền giải phẫu », chưa kể cảnh cãi vã làm phiền không biết bao nhiêu người chung quanh, cũng chỉ vì đồng tiền.
Bộ phim đầu tay của nữ đạo diễn gốc Trung Quốc Diệp Diệp (Ye Ye) đã mở ra như vậy và gần như chỉ tập trung vào một tầng của nhà thương H6, bệnh viện nhân dân lớn nhất của Thượng Hải. « H6 » không hẳn là một bộ phim tài liệu về hệ thống y tế của Trung Quốc, vì như chính tác giả giải thích, bà đã tuyển chọn một đoàn diễn viên, nhưng rồi không dễ, vì trong số ấy đã có nhiều người bỏ cuộc. Đây càng không phải là một bộ phim hư cấu, bởi nó quá gần với thực tế của một phần rất lớn người dân xứ này. Phim của Diệp Diệp cho thấy hai mặt của thành công kinh tế Trung Quốc, cho thấy sức chịu đựng và khả năng thích nghi của những con người khi họ không có sự chọn lựa nào khác.
H6 cũng cho thấy hai cái nhìn của Đông - Tây về bệnh tật, khổ đau. Nhà thương Thựợng Hải có thể là đã rất tối tân từ cách tổ chức đến các biện pháp điều trị. Nhân viên y tế được tuyển vào đây có thể là được đào tào ở những trường y khoa tốt nhất mà Trung Quốc chưa bao giờ có được. Trung Quốc chắc chắn cũng đã đầu tư rất tốn kém để có được một chiếc tủ kính y tế như vậy. Nhưng đó cũng là nơi mà đồng tiền được đặt lên trên hết tất cả : từ ông bác sĩ đến bà hộ lý, từ ông gác cổng đến bà đẩy cơm ngày hai bữa cho bệnh nhân, ngôn ngữ họ dùng như đã được thu gọn trong một vài chữ : « tiền », « hóa đơn », « nhân dân tệ », « thanh toán ».
Chẳng ai quan tâm đến nỗi khổ của một người vợ không biết có nên đi vay để chạy tiền thuốc cho chồng, nhưng rồi suốt đời mang nợ, hay nên tìm một miếng đất để người sắp nằm xuống được mồ yên mả đẹp. Trong phim, người ta thấy hình ảnh ông già lang thang ngoài đường, bên kia hàng rào là những chiếc xe hơi bóng loáng, sang trọng, hay con chó kiểng với chiếc áo xinh đẹp chủ nó sắm cho để di dạo phố.
H6 của Diệp Diệp là hình ảnh của một xã hội đang mất hướng : mới chỉ có một số ít hiểu được ngôn ngữ của « luật chơi thị trường », bắt kịp con tàu « phép lạ kinh tế mà mô hình tư bản kiểu Trung Quốc » đem lại. Bộ phim khá độc đáo này được chiếu trong khuôn khổ chương trình « Xuất chiếu đặc biệt » / Séances Spéciales tại Liên hoan Cannes 2021.