Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân chính thức có hiệu lực
Thanh Phương - RFI - 22/01/2021
Hôm nay, 22/01/2020, Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân chính thức có hiệu lực, một sự kiện được Liên Hiệp Quốc và giáo hoàng Phanxicô hoan nghênh.
Ngày 24/10/2020, quốc gia thứ 50 đã phê chuẩn Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân và đúng theo quy định, hiệp ước này có hiệu lực 90 ngày sau, tức là hôm nay. Hiệp ước này cấm sử dụng, phát triển, sản xuất, thử nghiệm, tàng trữ và đe dọa sử dụng các vũ khí hạt nhân.
Hiệp ước đã được khoảng 100 nước thông qua, nhưng cho tới nay vẫn chưa có chữ ký của các quốc gia đang sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, trong một thông cáo, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: “Hiệp ước này là một bước quan trọng trên con đường tiến đến một thế giới không có vũ khí nguyên tử và cho thấy là các sáng kiến giải trừ vũ khí hạt nhân đa phương được sự ủng hộ mạnh mẽ”.
Về phần giáo hoàng Phanxicô, ngài cũng cho rằng hiệp ước vừa có hiệu lực là “một công cụ đầu tiên mang tính ràng buộc pháp lý cấm các vũ khí hạt nhân, mà việc sử dụng sẽ tác động một cách không phân biệt đến số đông người trong một thời gian ngắn, và tàn phá môi trường rất lâu dài”.
Theo hãng tin AFP, những nhà hoạt động nhằm giải trừ vũ khí nguyên tử hy vọng là hiệp ước này sẽ không chỉ mang tính biểu tượng, mà sẽ thúc đẩy những quốc gia sở hữu các vũ khí này phải thay đổi tư duy.
Hiện giờ trên thế giới có tổng cộng 9 quốc gia đang nắm giữ vũ khí hạt nhân, trong đó Hoa Kỳ và Nga nắm giữ đến 90% các vũ khí này. Bảy nước còn lại là Trung Quốc, Pháp, Anh Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Bắc Triều Tiên. Đa số các nước này vẫn khẳng định là kho vũ khí nguyên tử của họ chỉ nhằm mục đích răn đe và họ vẫn ủng hộ Hiệp ước cấm phổ biến hạt nhân nhằm ngăn chận việc phát tán các vũ khí hạt nhân sang những nước khác.
Nga hoan nghênh Mỹ đề xuất triển hạn Hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân
Thanh Hà - RFI - 22/01/2021
Phát ngôn viên của phủ tổng thống Nga, Dmitri Peskov, ngày 22/01/2021 tuyên bố « hoan nghênh quyết tâm chính trị » của tân chính quyền Mỹ triển hạn thêm 5 năm Hiệp ước song phương giải trừ vũ khí hạt nhân New Start. Văn bản này sắp hết hiệu lực kể từ ngày 05/02/2021.
Theo hãng tin Pháp AFP, phát ngôn viên của tổng thống Nga nói thêm Matxcơva cần « xem xét một số những chi tiết trong đề xuất » của chính quyền Biden để triển hạn Hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân song phương.
Hiệp ước song phương New Start được Nga và Mỹ ký kết năm 2010 nằm trong khuôn khổ chương trình từng bước giải trừ vũ khí hạt nhân, được dự trù trong Hiệp định cấm phổ biến vũ khí nguyên tử TPN (Mỹ và Liên Xô ký năm 1968), giới hạn mỗi bên chỉ giữ 700 dàn phóng tên lửa chiến lược và 1.550 đầu đạn hạt nhân.
Trong cuộc họp báo hôm 21/01/2021, phát ngôn viên của Nhà Trắng, bà Jen Psaki, cho biết một ngày sau khi nhậm chức, tổng thống Joe Biden đề nghị triển hạn thêm 5 năm thỏa thuận then chốt nói trên « vì quyền lợi an ninh quốc gia của Hoa Kỳ » và New Start lại càng cần thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh « quan hệ giữa Mỹ và Nga đang căng thẳng ».
Từ nhiều tháng qua, tổng thống Nga Vladimir Putin đã thiên về giải pháp triển hạn thêm 5 năm hiệp định New Start. Từ năm 2019, Matxcơva đã yêu cầu đàm phán lại về thỏa thuận này, nhưng chính quyền Trump đặt điều kiện, đòi Trung Quốc cũng phải tham dự, do Bắc Kinh là một « vấn đề ».
Nga công nhận lo ngại của Mỹ là « có cơ sở », nhưng Bắc Kinh đương nhiên dứt khoát bác bỏ đòi hỏi của Washington. Không ai biết Trung Quốc đang nắm giữ bao nhiêu đầu đạn hạt nhân và dàn phóng tên lửa chiến lược.
Tiết lộ bất ngờ của Navalny về cung điện hoành tráng của Putin đại đế
Thụy My - RFI - 22/01/2021
Trong một cuộc điều tra tiến hành trước khi bị bắt, nhà đối lập Alexei Navalny đã tiết lộ một cơ ngơi choáng ngợp của tổng thống Nga Vladimir Putin nằm bên bờ Hắc Hải. RFI lược dịch từ Le Figaro ngày 21/01/2021.
Trước khi rời Berlin hôm Chủ nhật (17/01) và ngay sau đó đã bị chận bắt tại sân bay Cheremetyevo ở Matxcơva, Alexei Navalny đã dành cho Vladimir Putin một ngạc nhiên : một video sốc dài gần hai tiếng đồng hồ. Trong đó nhà đối lập tấn công vào điều cấm kỵ lớn nhất tại Nga, đó là khối tài sản của ông chủ điện Kremlin và các mối quan hệ với gia đình ông.
Video này được đưa lên mạng hôm thứ Ba 19/01, sau khi Navalny vừa trải qua ngày đầu tiên trong nhà tù Matrosskaya Tichina ở Matxcơva, và đến hôm thứ Tư 20/01 đã được xem hơn 23 triệu lần. Cuộc điều tra quy mô này do ê-kíp Quỹ chống tham nhũng (FBK) của Navalny tiến hành, xung quanh « Cung điện của Putin ». « Cung điện » này thực sự là một « Điện Versailles », rộng 17.700 mét vuông, được xây dựng gần Gelendjik ; ở vùng Krasnodar bên bờ Hắc Hải.
Dự án khổng lồ được khởi công cách đây 15 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành, trị giá đến 100 tỉ rúp (1,12 tỉ euro). Navalny khẳng định công trình này được tài trợ từ một « hệ thống mafia » xung quanh Vladimir Putin từ thập niên 90, khi mà cựu trung tá KGB mới chỉ là một viên chức của tòa thị chính Saint-Petersbourg. Phát ngôn viên điện Kremlin lập tức bác bỏ những cáo buộc. Dimitri Peskov nói : « Tất cả như một các dĩa hát cũ. Từ nhiều năm qua chúng tôi đã nói rằng ông Putin không có dinh thự nào ở Gelendjik ».
Tiết lộ trên không hoàn toàn độc đáo. Năm 2010, doanh nhân Seigei Kolesnikov, người ban đầu có liên hệ đến dự án này, đã cho biết tầm cỡ của công trình mà ban đầu ông ngỡ là « một căn nhà nhỏ cho Vladimir Vladimiroviech (tức Putin) một khi rời chức vụ » …Theo các dự trù mà Kolesnikov đã công bố, gồm các hợp đồng và những tài liệu liên quan đến việc xây dựng, công trình được ông chủ điện Kremlin giao cho Nikolai Shamalov giám sát. Nhân vật này là một trong những bạn cũ của Putin, ngoài ra còn là cha của Kirill Shamalov, chồng cũ của Katerina Tikhonava – một trong hai cô con gái của Putin, cho dù ông ta chưa bao giờ công khai xác nhận.
Một thành phố thực sự
Lần này Navalny đã đi xa hơn, tiếp tục tấn công vào Putin, người bị cho là hám tiền vô hạn và mê sự xa xỉ một cách bệnh hoạn. Nhà đối lập từ nhiều năm qua trong các video đã tố cáo nạn tham nhũng của các quan chức cao cấp trong chế độ, nhưng chưa bao giờ điều tra riêng về tổng thống Nga.
Với sự nhạy bén về truyền thông, Navalny kết thúc quãng thời gian dài đả kích Putin bằng cách như thế - thách thức quyền lực đến cực độ. Một phiên tòa chờ đợi ông vào ngày 05/02 - vì cáo buộc vu khống một cựu chiến binh đã ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp hồi tháng Bảy - sau đó còn nhiều vụ khác. Alexei Navalny trong video cuối cùng đã đưa ra lời kêu gọi biểu tình vào thứ Bảy 23/01 – một thử nghiệm cho uy tín của ông.
Là người kể chuyện lưu loát, Navalny cho biết đến từng chi tiết về « Cung điện Putin », dù được bảo vệ nghiêm ngặt tuyệt đối nhưng một thiết bị không người lái cũng đã quay phim được. Một trong số những nhà thầu còn cung cấp các bản vẽ chi tiết, và với vài tấm ảnh có được, FBK đã tái tạo nội thất 3D của dinh thự choáng ngợp cao ba tầng. Những người mê các phóng sự về giới siêu giàu sẽ rất thích thú. Sự hoành tráng của nó vượt mức tưởng tượng.
Dinh thự Gelendjik trải dài trên 6 hecta, là một thành phố thực sự. Ở đó có một sân bay dành cho trực thăng, một sân trượt để chơi hockey trên băng – đam mê của Putin – một nhà thờ, một khán đài, một khu nhà kính và một trà thất rộng đến 2.500 mét vuông, một chiếc cầu dài 80 mét. Ngoài ra còn có một hồ bơi, khu tắm hơi, một rạp chiếu phim, một phòng trà ca nhạc, một bar chicha, và các phòng dành cho khách mời trong đó căn phòng rộng nhất có diện tích 260 mét vuông…
Để ra bãi biển, một đường hầm được xây dựng trong lòng một ngọn núi, trong đó có bố trí một hầm rượu và một phòng để thưởng thức rượu. Alexei Navalny nhấn mạnh, từ địa điểm kín đáo này có góc nhìn ra biển tuyệt vời nhất.
Dọc theo bờ biển, những người du ngoạn bằng thuyền và ngư dân không được tiến gần quá hai kilomet. Một vùng cấm bay cũng được đặt ra. Dinh cơ này có một casino, một khu vui chơi dưới nước - Navalny bình luận « Tôi cũng chẳng biết là có những thứ này » - và một quán bar có bục nhảy đầm… Có 47 canapé nhập từ Ý với giá 4 triệu rúp (45.000 euro) một chiếc, những giá đựng giấy vệ sinh giá 900 euro/cái, chổi quét nhà giá 700 euro…
Thủ đoạn mua bán ảo
Sau khi bị tiết lộ cách đây vài năm, ông bạn Nikolai Shamalov của Putin đã bán « cung điện » cho doanh nhân Alexander Ponomarenko, người này nói rằng muốn dùng làm khách sạn nghỉ dưỡng. Nhưng theo FBK, vụ mua bán này là ảo : Poromarenko chỉ chuyển có 350.000 đô la, thấp hơn giá trị ước tính của « cung điện » đến 1.000 lần. Hơn nữa, một trong các công ty của Shamalov phụ trách quản lý cơ ngơi này.
Một khu đất bên cạnh rộng 7.000 hecta, « rộng gấp 39 lần công quốc Monaco », chủ yếu là những khu rừng trồng nho do những người hợp tác với Putin kiểm soát. Khu này thuộc về cơ quan tình báo Nga FSB, nhưng theo FBK thì được chuyển giao cho công ty sở hữu « cung điện » cho đến năm 2068. Đối với Navalny, vụ dàn dựng này « chỉ có mục đích duy nhất là lập ra vùng đệm xung quanh cung điện của Putin ». Theo ông, chi phí xây dựng dinh cơ này do các công ty liên quan đến bạn bè của Vladimir Putin đóng góp. Chẳng hạn như Igor Setchine, người đứng đầu tập đoàn dầu khí Rosneft và doanh nhân Guennadi Timtchenko, thông qua việc trả tiền thuê ảo và các thủ đoạn tham nhũng khác.
Vingroup tính mua lại nhà máy điện thoại LG ở Việt Nam, Trung Quốc, Brazil
VOA Tiếng Việt - 22/01/2021
Tập đoàn Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đang trong tư thế sẵn sàng mua lại tất cả các nhà máy sản xuất điện thoại thông minh của hãng LG Electronics đặt tại Việt Nam, Trung Quốc và Brazil, một nguồn tin thạo tin cho hay hôm 21/1 và được tường thuật trên các trang tin của Korea Times, Business Korea và TechRadar.
Hãng công nghệ khổng lồ LG của Hàn Quốc có kế hoạch bán mảng thiết bị liên lạc di động do ngày càng bị lỗ trong những năm gần đây, Korea Times, Business Korea và TechRadar cho biết.
Là một trong những tập đoàn lớn nhất tại Việt Nam, Vingroup đang tìm cách mở rộng sang lĩnh vực công nghệ cao thông qua việc mua lại các cơ sở sản xuất hiện đại của LG, vẫn theo Korea Times, Business Korea và TechRadar.
Tính đến ngày 30/9/2020, tổng tài sản Vingroup đạt 430.011 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 124.552 tỷ đồng, tăng lần lượt 6,5% và 3,3% so với cuối năm 2019, theo thông tin được công bố ở Việt Nam.
Còn theo tính toán của các nguồn nước ngoài, đến hết năm 2020, vốn hóa thị trường của Vingroup đạt 16,5 tỷ đô la, và chiếm 14% trong tổng vốn hóa thị trường của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Vingroup hiện diện trong nhiều ngành, bao gồm cả khách sạn, du lịch, bất động sản, phân phối, xây dựng, xe hơi và điện thoại di động.
Korea Times dẫn lời một quan chức cấp cao ở Hàn Quốc nhưng không nêu tên nói rằng: "Chính phủ Việt Nam và Vingroup lâu nay vẫn tìm cách mở rộng sang các ngành công nghệ cao và thúc đẩy tạo việc làm tại địa phương. Ngoài ra, nhu cầu về hàng cao cấp trong khu vực bao gồm cả ở Việt Nam, Myanmar và Thái Lan cũng cao”.
Vẫn quan chức này nói thêm rằng: “Vingroup chỉ nhắm đến mua lại các cơ sở sản xuất, trong khi LG có kế hoạch tiếp tục hoạt động nghiên cứu và phát triển, nhưng với số lượng nhân viên ít hơn làm việc tại trụ sở chính ở Hàn Quốc. Vingroup chào mức giá tốt nhất so với các hãng khác trong số những người mua tiềm năng”.
LG Electronics hiện đang vận hành một nhà máy sản xuất điện thoại thông minh tiên tiến tại Việt Nam. Hồi năm 2019, LG đã tích hợp nhà máy sản xuất ở Pyeongtaek, Hàn Quốc, với nhà máy ở Hải Phòng, Việt Nam, bằng cách di dời các cơ sở quan trọng sản xuất điện thoại thông minh của họ đến Hải Phòng.
Về phía Vingroup, tập đoàn này đã ra mắt công ty con chuyên về điện thoại thông minh Vinsmart vào năm 2018 và vận hành một nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Hải Phòng gần nhà máy điện thoại thông minh LG. Hiện nay, Vingroup đang hy vọng sẽ hợp nhất hai nhà máy đó để tạo ra sức mạnh to lớn hơn.
Công ty con của Vingroup hiện là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ ba ở Việt Nam, đứng dưới Samsung Electronics và Oppo.
Chính phủ Việt Nam và Vingroup đặt mục tiêu mua lại nhà máy của LG ở Hải Phòng và tận dụng nó để tăng khả năng cạnh tranh cho điện thoại thông minh của Việt Nam trên toàn cầu, đồng thời tạo thêm việc làm tại địa phương. Cùng lúc, đồng thời, sau khi Vingroup mua lại các nhà máy ở Brazil và Trung Quốc, tập đoàn sẽ sử dụng chúng để thâm nhập thị trường ở các khu vực đó tốt hơn.
Business Korea cho rằng Vingroup nhắm đến sử dụng nhà máy của LG để tiến vào thị trường Mỹ. Năm 2020, thị phần của LG Electronics ở Bắc Mỹ đạt mức 12,9%.
Một khi hai bên đạt được thỏa thuận, nhiều khả năng LG Electronics sẽ đi theo con đường tương tự như Apple, theo đó, LG sẽ chịu trách nhiệm thiết kế, nghiên cứu và phát triển, trong khi Vingroup lắp ráp các sản phẩm như một công ty sản xuất thiết bị gốc (OEM).
Lâu nay đã có tin tức là LG Electronics cân nhắc việc bán tách các nhà máy sản xuất thiết bị liên lạc di động của họ, song vẫn giữ lại bộ phận nghiên cứu và phát triển, mục đích là để nâng cao hiệu quả kinh doanh cho tốt hơn.
Hôm 20/1, Giám đốc điều hành của LG Electronics Kwon Bong-seok nói bóng gió rằng tập đoàn sẽ rút khỏi lĩnh vực sản xuất điện thoại di động và nói thêm rằng công ty vẫn cân nhắc mọi phương án về việc có tiếp tục kinh doanh trong mảng điện thoại thông minh đang thua lỗ hay không.
Để trấn an nhân viên, Giám đốc điều hành Kwon của LG Electronics gửi ra e-mail hôm 20/1 xác nhận rằng sẽ có những nỗ lực tái cơ cấu quy mô lớn. Ông cho biết: “Bất kể số phận của mảng thiết bị liên lạc di động sẽ được quyết định như thế nào, các nhân viên không nên lo lắng vì sự bảo đảm về công việc sẽ vẫn được duy trì. Đã đến lúc chúng tôi phải đánh giá khách quan về khả năng cạnh tranh trong tương lai của mảng thiết bị di động và quyết định cho phù hợp".
LG đã cố gắng vực dậy mảng này bằng cách tăng cường các sản phẩm và di dời các cơ sở sản xuất, nhưng không thể giảm khoảng cách về mặt công nghệ so với các hãng có vị thế toàn cầu như Samsung và Apple.
LG đã chịu lỗ trong 23 quý liên tiếp ở mảng điện thoại thông minh, bắt đầu từ quý 2 năm 2015 và mức lỗ lũy kế lên đến 5.000 tỷ won (4,5 tỷ đô la) vào cuối năm ngoái.
Korea Times, Business Korea và TechRadar cho biết thêm rằng Facebook là một trong những công ty quan tâm đến việc mua lại các bằng sáng chế liên quan đến điện thoại di động của LG và các tài sản trí tuệ khác, trừ công nghệ phần cứng.
Cựu TT Trump mướn luật sư bào chữa cho phiên luận tội
VOA / Reuters - 22/01/2021
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mướn luật sư Butch Bowers ở bang South Carolina, để bảo vệ ông tại phiên xét xử ở Thượng viện về cáo buộc xúi giục nổi loạn, một nguồn thạo tin cho biết hôm 21/1.
Luật sư Bowers không hồi đáp yêu cầu bình luận của hãng tin Reuters.
Trong khi ít người biết tới ông trên bình diện quốc gia, luật sư Bowers đã đại diện cho nhiều cựu thống đốc ở bang South Carolina và từng phục vụ trong Bộ Tư pháp Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush của Đảng Cộng hòa.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham, đại diện bang South Carolina và là một đồng minh của ông Trump, là người giới thiệu luật sư Bowers cho ông Trump, nguồn tin này cho biết.
Năm 2012, luật sư Bowers đại diện cho Thống đốc South Carolina lúc bấy giờ, bà Nikki Haley, trong một cuộc điều trần liên quan tới các cáo buộc rằng bà Haley vi phạm nguyên tắc đạo đức khi tham gia vận động hành lang bất hợp pháp.
Bà Haley đã được tha trắng án, và tuyên bố không làm điều gì sai trái.
Năm 2009, luật sư Bowers đại diện cho Thống đốc Mark Sanford trong một cuộc điều tra về nguyên tắc đạo đức xoay quanh vụ ông dùng máy bay nhà nước cho một chuyến du hành 5 ngày tới Argentina, gặp một phụ nữ dan díu với ông trong một vụ ngoại tình.
Ông Sanford đồng ý thanh toán 74.000 USD chi phí dùng máy bay chính phủ vào mục đích riêng và dùng tiền vận động chính trị, vi phạm luật đạo đức, nhưng tiếp tục chối bỏ ông đã làm bất cứ điều gì sai trái.
Luật sư Bowers, tên đầy đủ là Karl Smith Bowers Jr., tốt nghiệp từ trường luật Đại học Tulane, ông có văn phòng luật sư riêng thuộc nhóm Luật sư Miller. Trên trang mạng của ông, luật sư Bowers cho biết ông thích đi “săn chim” và “rượu bourbon”.
“Tôi thấy ông là một luật sư có khả năng và đạo đức,” luật sư Jay Bender cùng quê South Carolina, nói. Ông Bender ủng hộ Đảng Dân Chủ và đã quen biết ông Bowers hơn 2 thập niên.
Nhưng luật sư Bender nói thêm rằng ông Trump không phải là thân chủ gây tranh cãi đầu tiên của luật sư Bowers.
“Tôi thấy nhiều thân chủ của ông Bowers là những nhân vật đáng chê trách.”
Phiên luận tội cựu Tổng Thống Trump có thể khởi sự vào trung tuần tháng 2, để cho phép luật sư Bowers có thời gian chuẩn bị, Thượng nghị sĩ Mike Braun của Đảng Cộng hòa nói với các phóng viên hôm thứ Năm.
Hạ viện Mỹ do Đảng Dân Chủ kiểm soát hôm 13/1 biểu quyết luận tội ông Trump, khiến ông trở thành vị Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị luận tội hai lần. Ông Trump bị cáo buộc về tội danh kích động nổi loạn, tập trung vào bài diễn văn đổ lửa của ông, đọc trước hàng ngàn ủng hộ viên hôm 6/1, ngay trước khi một đám đông hỗn loạn ủng hộ ông Trump xông tấn công điện Capitol, trụ sở quốc hội Mỹ.
Tin tổng hợp RFI/Tiếng Việt
22/01/2021
(AFP) - Covid-19: Số vụ tự tử lại tăng ở Nhật Bản. Lần đầu tiên từ 11 năm qua, tại Nhật Bản, số vụ tự tử vào năm ngoái đã tăng trở lại. Tác động của đại dịch Covid-19 đã làm tiêu tan tiến bộ của nhiều năm qua trong việc chống hiện tượng này ở Nhật. Theo thông báo của bộ Y Tế hôm nay, 22/01/2021, trong năm 2020 đã có 20.919 người tự tử, tăng 3,7% so với năm ngoái, trong khi số ca tử vong vì dịch Covid-19 năm ngoái chỉ là 3.460 người. Nhật Bản hiện là quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất trong nhóm G7 (16,6 trên 100.000 dân năm 2020).
(AFP) - Người sử dụng mạng tại Úc có nguy cơ bị cấm dùng công cụ tìm kiếm Google. Điều trần trước Thượng Viện Úc ngày 22/01/2021, đại diện của tập đoàn mạng hàng đầu của Mỹ, bà Mel Silva dọa sẽ ngưng công cụ Google Search nếu như Canberra không thay đổi dự thảo luật buộc Google và Facebook phải trả tiền tác quyền cho các hãng truyền thông.
(RFI) - Rửa tiền, một lãnh đạo ngân hàng của Vatican bị kết án tù nặng. Ông Angelo Caloia, cựu chủ tịch Viện giáo vụ, một dạng ngân hàng của Vatican, hôm 21/01/2021, đã bị kết án 8 năm rưỡi tù giam vì tội rửa tiền và biển thủ công quỹ. Một bản án được cho để làm gương và chứng minh một nền tư pháp nghiêm khắc hơn trong các vụ tai tiếng tài chính.
(AP) - Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ chấp thuận tướng Lloyd Austin trở thành bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ. Trong khóa họp hôm 21/01/2021, Hạ Viện và Thượng Viện Mỹ đồng ý miễn áp dụng đối với tướng Austin một quy định theo đó, một sĩ quan quân đội chỉ có thể được bổ nhiệm làm bộ trưởng Quốc Phòng sau 7 năm về hưu. Tướng Austin được tổng thống Biden bổ nhiệm làm bộ trưởng Quốc Phòng và cho đến tháng 4/2016 ông vẫn còn phục vụ trong quân đội.
(AFP) - Thủ tướng Mông Cổ từ chức sau vụ cảnh sát ngược đãi một phụ nữ vừa sinh con bị nhiễm Covid-19. Ngày 21/01/2021 thủ tướng Khurelsukh Ukhnaa thông báo từ chức. Đây là bước kế tiếp sau cuộc biểu tình ở thủ đô Oulan Bator. Tất cả bắt nguồn từ video cho thấy hình ảnh một người mẹ vừa sinh con lọt lòng, trong một bộ đồ ngủ mỏng manh, bị cảnh sát tống lên xe từ nhà hộ sinh đến một trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19. Nhiệt độ ngoài trời làm âm 25 °C. Cảnh tượng tàn nhẫn đó khiến công luận Mông Cổ phẫn nộ. Khoảng 5.000 người bất chấp khí hậu khắc nghiệt đã biểu tình hôm Thứ Tư 20/01/2021 trước văn phòng thủ tướng.