Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 3/22/2011(UTC) Posts: 3,307
Thanks: 326 times Was thanked: 364 time(s) in 256 post(s)
|
Tin Tong Hop
Bài giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Chúa Giêsu, Thầy dạy cầu nguyện
Vũ Văn An 04/Nov/2020

Theo tin Zenit, do con số lây nhiễm và tử vong vì Covid-19 lên cao mỗi ngày, khắp thế giới và riêng tại Ý, nơi hàng ngày số người lây nhiễm lên tới 30,000 và 300 người chết, hôm nay, 4 tháng 11, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trở lại hình thức yết kiến trực tuyến, để phát đi bài giáo lý hàng tuần của ngài từ thư viện.
Khởi đầu buổi yết kiến trực tuyến, Đức Giáo Hoàng nói rằng quả là bất hạnh khi không còn được trực tiếp gặp gỡ tín hữu, mà phải hành động có trách nhiệm theo khuyến cáo của các nhà cầm quyền dân sự.
Buổi sáng nay, Đức Giáo Hoàng tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về cầu nguyện và đề cao Chúa Giêsu làm Tôn sư dạy ta cầu nguyện. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài dựa theo bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:
Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!
Thật không may, chúng ta đã phải quay lại với việc tổ chức buổi yết kiến này trong thư viện, để tự bảo vệ trước sự lây nhiễm của Covid. Điều này cũng dạy chúng ta điều này: chúng ta phải hết sức chú ý đến các quy định của các nhà cầm quyền, cả thẩm quyền chính trị lẫn thẩm quyền y tế, để bảo vệ mình chống lại đại dịch này. Chúng ta hãy dâng lên Chúa khoảng cách này giữa chúng ta, vì lợi ích của tất cả mọi người, và chúng ta hãy nghĩ, chúng ta hãy nghĩ nhiều về những người bệnh, về những người đã bị gạt ra bên lề khi họ phải vào bệnh viện, chúng ta hãy nghĩ đến các bác sĩ, các y tá, các thiện nguyện viên, nhiều người đang làm việc với người bệnh vào thời điểm này: họ liều mạng sống nhưng họ làm vậy vì tình yêu đối với người lân cận, như một ơn gọi. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ.
Trong suốt cuộc đời công khai của Người, Chúa Giêsu không ngừng tận dụng sức mạnh của lời cầu nguyện. Các sách Tin Mừng cho chúng ta thấy điều này khi Người lui về những nơi vắng vẻ để cầu nguyện. Đây là những nhận xét đúng mực và thận trọng, giúp chúng ta chỉ hình dung những cuộc đối thoại cầu nguyện đó. Tuy nhiên, rõ ràng chúng chứng tỏ rằng ngay cả những lúc tận tụy hơn trong việc chăm lo cho người nghèo và người bệnh, Chúa Giêsu vẫn không bao giờ bỏ quên cuộc đối thoại thân mật của Người với Chúa Cha. Càng đắm mình phục vụ nhu cầu của người ta, Người càng thấy cần phải dựa vào sự Hiệp thông Ba Ngôi, trở về với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.
Do đó, có một bí quyết trong cuộc đời của Chúa Giêsu, được che giấu đối với đôi mắt phàm nhân, một bí quyết vốn làm điểm tựa cho mọi điều khác. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là một thực tại mầu nhiệm, mà chúng ta rất ít trực giác được, nhưng là điều giúp chúng ta giải thích toàn bộ sứ mệnh của Người theo quan điểm đúng đắn. Trong những giờ phút tĩnh mịch ấy - trước bình minh hoặc vào ban đêm - Chúa Giêsu đã đắm mình trong tình thân mật với Chúa Cha, nghĩa là trong Tình Yêu mà mọi linh hồn đều khao khát. Đây là điều xuất hiện ngay từ những ngày đầu trong sứ vụ công khai của Người.
Thí dụ, vào một ngày Sabát, thị trấn Caphácnaum đã biến thành một “bệnh viện dã chiến”: sau khi mặt trời lặn, họ mang tất cả những người bệnh đến với Chúa Giêsu, và Người chữa lành họ. Tuy nhiên, trước bình minh, Chúa Giêsu biến dạng: Ngài rút lui vào một nơi thanh vắng và cầu nguyện. Simon và những người khác đi tìm Người và khi thấy Người, họ nói: "Mọi người đang tìm kiếm Thầy!" Chúa Giêsu trả lời thế nào? “Chúng ta hãy đi đến các thị trấn kế bên để thầy cũng có thể giảng dạy ở đó; vì thầy ra đi cốt để làm việc đó” (xem Mc 1: 35-38). Chúa Giêsu luôn đi xa hơn một chút, xa hơn để cầu nguyện với Chúa Cha, và xa hơn nữa, đến những làng mạc khác, những chân trời khác, đi và rao giảng cho các dân tộc khác.
Cầu nguyện là bánh lái dẫn đường cho Chúa Giêsu. Không phải thành công, không phải sự đồng thuận, không phải cụm từ quyến rũ “mọi người đang tìm kiếm thầy”, đã chỉ định các giai đoạn trong sứ mệnh của Người. Con đường mà Chúa Giêsu vẽ ra là con đường ít thoải mái nhất, nhưng đó là con đường qua đó Người vâng theo sự linh hứng của Chúa Cha, sự linh hứng mà Chúa Giêsu đã vâng nghe và nghinh đón trong lời cầu nguyện thanh tĩnh của Người.
Sách Giáo lý nói rằng “Khi Chúa Giêsu cầu nguyện, Người đã dạy chúng ta cách cầu nguyện rồi” (số 2607). Do đó, từ gương sáng của Chúa Giêsu, chúng ta có thể rút ra một số đặc điểm của lời cầu nguyện Kitô giáo.
Đầu tiên và quan trọng nhất, nó có địa vị hàng đầu: đó là ước nguyện đầu tiên trong ngày, một điều được thực hiện vào lúc bình minh, trước khi thế giới thức giấc. Nó phục hồi linh hồn trở lại điều mà nếu không có nó sẽ không có hơi sống. Một ngày sống mà không có lời cầu nguyện có nguy cơ bị biến thành một trải nghiệm khó chịu hoặc tẻ nhạt: tất cả những gì xảy ra với chúng ta có thể trở thành một số phận tồi tệ và mù quáng. Thay vào đó, Chúa Giêsu dạy phải tuân theo thực tại và do đó, phải lắng nghe. Cầu nguyện trước hết là lắng nghe và gặp gỡ Chúa. Nhờ thế, những vấn đề của cuộc sống hàng ngày không trở thành các trở ngại, nhưng là các lời kêu gọi của chính Thiên Chúa biết lắng nghe và gặp gỡ những người đang ở trước mặt chúng ta. Vì vậy, những thử thách trong cuộc sống biến thành cơ hội để trưởng thành trong đức tin và đức ái. Cuộc hành trình hàng ngày, bao gồm các gian khổ, nhận được viễn ảnh “ơn gọi”. Cầu nguyện có sức mạnh biến đổi thành tốt đẹp điều, trong cuộc sống, có thể bị lên án; lời cầu nguyện có sức mở rộng tâm trí đón chào một chân trời rộng lớn.
Thứ hai, cầu nguyện là một nghệ thuật cần được thực hành một cách kiên trì. Chính Chúa Giêsu nói với chúng ta: hãy gõ, hãy gõ, hãy gõ mãi. Chính Chúa Giêsu nói với chúng ta: hãy gõ, hãy gõ, hãy gõ mãi. Tất cả chúng ta đều có khả năng cầu nguyện đây đó, xuất phát từ cảm xúc nhất thời; nhưng Chúa Giêsu dạy chúng ta một kiểu cầu nguyện khác: kiểu cầu nguyện có kỷ luật, một thao tác, được thực hiện trong quy tắc sống. Lời cầu nguyện kiên định tạo ra sự biến đổi tiệm tiến, làm chúng ta trở nên mạnh mẽ trong lúc khổ sầu, mang lại cho chúng ta ơn thánh để được nâng đỡ bởi Đấng yêu thương chúng ta và luôn bảo vệ chúng ta.
Một đặc điểm khác trong lối cầu nguyện của Chúa Giêsu là sự tĩnh mịch. Những người cầu nguyện không trốn khỏi thế gian, nhưng thích những nơi vắng vẻ hơn. Ở đó, trong im lặng, nhiều tiếng nói có thể vang lên từng bị chúng ta che giấu trong sâu thẳm nội tâm của mình: những khao khát bị đè nén nhất, những sự thật mà chúng ta cố gắng bóp nghẹt, v.v. Và, trên hết, Thiên Chúa nói trong im lặng. Mọi người cần có một khoảng không gian riêng để có thể vun xới đời sống nội tâm, trong đó các hành động tìm được ý nghĩa. Không có đời sống nội tâm, chúng ta trở nên hời hợt, giao động và lo lắng - lo lắng làm hại chúng ta xiết bao! Đây là lý do tại sao chúng ta phải đi cầu nguyện; không có đời sống nội tâm, chúng ta chạy trốn thực tại, và chúng ta cũng trốn chạy chính mình, chúng ta là những người đàn ông và đàn bà luôn chạy hối hả.
Cuối cùng, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là nơi chúng ta tri nhận được rằng mọi điều đều phát xuất từ Thiên Chúa và trở về với Người. Đôi khi con người chúng ta tin rằng mình làm chủ mọi sự, hoặc ngược lại, chúng ta mất hết lòng tự trọng, chúng ta đi từ phía này sang phía khác. Cầu nguyện giúp chúng ta tìm được chiều kích đúng đắn trong mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa, Cha của chúng ta và với mọi tạo vật. Và lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, cuối cùng, có nghĩa là phó mình trong tay Cha, giống như Chúa Giêsu trong vườn cây dầu, trong cuộc thống khổ đó: “Lạy Cha, nếu có thể… xin cho ý Cha được thực hiện”. Phó mình trong tay Chúa Cha. Điều tốt là khi chúng ta bị giao động, có chút lo lắng, và được Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta từ bên trong và dẫn chúng ta tới việc phó thác trong tay Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cho ý Cha được thực hiện”.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy khám phá lại Chúa Giêsu Kitô như Thầy dạy cầu nguyện trong Tin mừng và gia nhập trường dạy của Người. Tôi bảo đảm bảo với anh chị em rằng chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui và bình an.
Tòa Thánh kêu gọi bảo vệ tính chất thánh thiêng sự sống con người
11/5/2020 9:00:18 AM
Hôm thứ Ba 03/11, phát biểu tại Hội nghị Địa Trung Hải 2020, Đức ông Janusz Urbańczyk, Đại diện Thường trực của Tòa thánh nhấn mạnh: Các vấn đề an ninh phải luôn được giải quyết ở cấp độ toàn cầu. Phải xem xét đến các vấn đề như an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, di cư và cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính hiện nay do đại dịch gây ra. Và đặc biệt, sự bao gồm tất cả và việc bảo vệ tính chất thánh thiêng của sự sống con người là hai nguyên tắc cơ bản mà các chính phủ cần phải quan tâm.

Đức ông Janusz Urbańczyk
Dựa theo chủ đề của Hội nghị: “Thúc đẩy an ninh trong khu vực Địa Trung Hải của Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE), qua sự phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế”, Đức ông giải thích: “Thông thường mức độ tăng trưởng kinh tế của một quốc gia là nhân tố duy nhất được xem xét trong sự phát triển, nhưng sự phát triển mà chúng ta đang nói đến không thể chỉ giới hạn trong sự tăng trưởng kinh tế. Thực tế, để có sự xác định rõ ràng trong lĩnh vực này, tăng trưởng phải hướng đến sự phát triển của mỗi người và của cả đời sống con người. Chúng ta không thể tách rời nền kinh tế ra khỏi thực tại của con người hoặc tách rời sự phát triển khỏi nền văn minh”.
Dưới ánh sáng của những suy tư này, Đức ông Urbanczyk đề cập đến các hình thức nghèo đói mới do đại dịch Covid-19 gây ra, điều “không chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói hiện có mà còn gia tăng những hình thức khác”. Vị đại diện Tòa Thánh nói về những hạn chế của hệ thống y tế hiện nay thiếu khả năng tiếp cận thông tin và giáo dục chính xác, những đau khổ do xã hội bị cô lập, bạo lực gia tăng và khó khăn.
Đức ông cũng nhấn mạnh phụ nữ là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các tác động của đại dịch, đồng thời nhắc lại vai trò quan trọng của cả nền kinh tế và xã hội nói chung. Phụ nữ phải làm những công việc nặng nề, bao gồm làm việc từ xa, hỗ trợ, làm việc nhà, nghỉ việc không lương hoặc bị mất việc làm. Vì thế, trước sự bất bình đẳng đang thấy rõ trong thời điểm đại dịch này, chính phủ phải có trách nhiệm bảo vệ phẩm giá của phụ nữ và cung cấp cho họ một hệ thống bảo vệ xã hội và bổ túc phù hợp.
Theo Đức ông, sự bao gồm tất cả và việc bảo vệ tính chất thánh thiêng của sự sống con người là hai nguyên tắc cơ bản trong các chính sách của chính phủ, nhằm giúp đỡ những người đang gặp khó khăn nhất trong tình trạng khẩn cấp về sức khỏe này. Bên cạnh đó biết nắm bắt cơ hội do đại dịch này mang lại để tìm kiếm các giải pháp mới và những cải tiến hướng đến công ích và sự phát triển toàn diện của con người. (CSR_8077_2020)
Ngọc Yến (vaticannews.va 04.11.2020)
ĐTC ban hành tự sắc liên quan đến việc lập các hội dòng giáo phận
11/5/2020 9:03:03 AM
Ngày 4/11 Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành Tông thư dưới dạng Tự sắc có tựa đề “Authenticum charismatic” – Đặc sủng đích thực, sửa đổi lại điều 579 của Bộ Giáo luật. Theo Tự sắc này, từ nay các giám mục giáo phận phải có phép của Tòa Thánh trước, được ban hành bằng văn bản, mới có thể lập các tu hội thánh hiến trong giáo phận thuộc quyền.

Các nữ tu tham dự Thánh lễ Ngày Đời sống thánh hiến 02/02/2019 (Vatican Media)
Điều 579 của Bộ Giáo luật hiện hành quy định: “Trong địa hạt của mình, các Giám Mục giáo phận có thể ban hành sắc lệnh chính thức để thành lập các tu hội thánh hiến, miễn là đã tham khảo ý kiến của Tông Tòa.”
Theo giáo luật hiện hành, các giám mục được yêu cầu “tham khảo” ý kiến của Tòa Thánh trước khi lập dòng. Nhưng với Tự sắc “Authenticum charismatic”, Đức Thánh Cha thay đổi điều 579 và xác định: “Trong giáo phận của mình, các Giám mục giáo phận có thể thiết lập hữu hiệu các hội dòng thánh hiến bằng nghị định hợp thức nếu trước đó có phép bằng văn bản của Tòa Thánh”.
Đức Thánh Cha xác định rằng Tự sắc sẽ được ban hành qua việc đăng trên báo L’Osservatore Romano và có hiệu lực từ ngày 10/11 tới đây.
Đặc sủng đích thực
Mở đầu Tự sắc, Đức Thánh Cha nhắc lại Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (số 130) để nhấn mạnh đặc tính đích thực của một đặc sủng: “Một dấu hiệu chắc chắn về đặc sủng đích thực là đặc tính giáo hội của nó, khả năng nó kết hợp hài hoà vào đời sống của dân thánh trung thành của Thiên Chúa vì lợi ích của mọi người.”
Nhiệm vụ phân định của giám mục
Theo tự sắc, các mục tử có trách nhiệm phân định đặc tính giáo hội và đáng tin của các đặc sủng, và đặc biệt là nhiệm vụ đánh giá sự phù hợp của việc thành lập một hội dòng. Thật là đúng đắn khi đón nhận những hồng ân mà Chúa Thánh Thần khơi dậy trong các Giáo Hội địa phương, nhưng đồng thời phải tránh "thành lập cách bừa bãi những hội dòng vô ích hoặc thiếu sinh lực". (Perfectae caritatis, 19)
Sự nhìn nhận của Giáo hội đối với các hội dòng mới
Đồng thời Tự sắc nhấn mạnh rằng Tòa Thánh có nghĩa vụ đồng hành với các mục tử trong tiến trình phân định tiến tới việc Giáo hội nhìn nhận một tu hội hay một hiệp hội mới thuộc quyền giáo phận. Đức Thánh Cha nhắc lại Tông hiến Đời sống thánh hiến (số 12): “Giáo Hội có nhiệm vụ tiến hành những lượng định cần thiết, vừa để đánh giá tính trung thực của mục tiêu đã gợi hứng cho các hội dòng, vừa để tránh nhân thêm quá mức các tổ chức tương tự, đưa đến nguy cơ phân mảnh tai hại thành những nhóm quá nhỏ”, và khẳng định: “Do đó, các tu hội thánh hiến mới và các Hiệp hội tông đồ mới, phải được chính thức công nhận bởi Tòa thánh, thẩm quyền duy nhất đưa ra phán quyết cuối cùng.”
Ngày 1/6/2016, một phúc chiếu của cùng điều luật số 579 được ban hành, trong đó quy định rằng việc tham vấn trước với Tòa Thánh phải được hiểu là cần thiết để thiết lập hợp lệ một hội dòng giáo phận. Tự sắc mới được ban hành nói rõ rằng các Giám mục Giáo phận chỉ có thể thiết lập các hội dòng một cách hợp lệ bằng một sắc lệnh chính thức, và chỉ khi được Tòa Thánh cho phép bằng văn bản. (CSR_8085_2020)
Hồng Thủy (vaticannews.va 04.11.2020)
Hậu quả cuộc bầu cử 2020: Những ảnh hưởng với các chính sách Công Giáo
Trần Mạnh Trác 04/Nov/2020

Cho tới nay, kết quả kiểm phiếu cho thấy đảng Cộng hòa sẽ giữ quyền kiểm soát Thượng viện với một tỷ số thoải mái như trước, và đảng Dân chủ sẽ giữ đa số ở Hạ viện với một lợi thế giảm đi đáng kể vì mất nhiều ghế dân biểu ở khắp nơi.
Giả thử ứng viên Tổng thống Dân chủ Joe Biden sẽ kiểm soát toà Bạch Cung, những ưu tư cuả Công Giáo về các chính sách công cộng sẽ ra sao?
Về Tư pháp:
Một tổng thống Biden sẽ cần có sự chấp thuận của Thượng viện để bổ nhiệm các thành viên nội các và thẩm phán liên bang.
Các nhà lãnh đạo Cộng hòa ở Thượng viện có thể trì hoãn một số thành viên nội các, và có thể đấu tranh mạnh mẽ chống lại những ứng viên tư pháp ‘quá khích’ để duy trì nguyên vẹn những thành quả mà Tổng thống Trump đã đạt được, gồm có 200 bổ nhiệm vào tòa án liên bang và ba thẩm phán vào Tối cao pháp viện.
Nếu một ghế của Tòa án Tối cao nữa bị bỏ trống, thì cuộc chiến với ứng cử viên có khuynh hướng cấp tiến sẽ rất căng thẳng và có thể xa vào vòng bế tắc. Thông thường ứng viên đó phải rút lui, hoặc Tổng thống có thể đế cử một ứng viên ôn hoà hơn.
Về Lập pháp:
Sẽ tiếp tục là một chính quyền chia rẽ giống như dưới thời cuả ông Trump, sẽ vẫn có những rào cản lập pháp về một loạt các biện pháp, như các gói hỗ trợ và kích thích để ứng phó với đại dịch COVID.
Đối với cả hai bên, việc tài trợ để cứu trợ COVID đợt 2 tuy là một ưu tiên nhạy cảm nhưng các đảng viên Dân chủ trong Quốc hội đã đặt thêm vào việc thúc đẩy các biện pháp ủng hộ phá thai trong bất kỳ biện pháp cứu trợ nào, và do đó vẫn bị trì hoãn cho tới nay.
Việc tài trợ cho các nhóm phá thai qua sự cứu trợ COVID đã được tranh luận ngay từ đầu đại dịch. Vào tháng 3, Đạo luật CARES được thông qua với sự ủng hộ lưỡng đảng với những biện pháp ngăn cấm Planned Parenthood không được nhận các khoản vay khẩn cấp dành cho doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, các chi nhánh Planned Parenthood vẫn có thể tiếp cận 80 triệu đô la trong khoản vay PPP.
Với một đa số ở Hạ viện nhỏ hơn, người ta hy vọng bà Pelosi sẽ phải nhượng bộ và đợt cứu trợ COVID thứ 2 này sẽ không còn những đòi hỏi phá thai nữa.
Đạo luật CARES cũng bao gồm các biện pháp bảo vệ của Tu chính án Hyde. Tu chính án Hyde đã được ban hành hàng năm kể từ năm 1976 như một phần đính kèm với các dự luật chi tiêu y tế, và cấm liên bang tài trợ cho các ca phá thai tự chọn ở Medicaid.
Chủ tịch Hạ viện Nacy Pelosi đã từng tuyên bố bà sẽ tìm cách bãi bỏ Tu chính án Hyde. Ông Joe Biden, khi tranh cử tổng thống, cũng nói rằng ông sẽ bãi bỏ Hyde.
Tuy nhiên, với một đa số Dân chủ ít hơn, việc bà Pelosi có thể thực hiện lời hứa cuả mình trở nên khó hơn, ít ra là trong 2 năm tới.
Ông Biden, và đảng Dân chủ cũng ủng hộ một dự luật gọi là Luật Bình đẳng, để bảo vệ các khuynh hướng tình dục và giới tính và ngăn chặn sự phân biệt đối xử trong nhiều lĩnh vực, bao gồm các phòng vệ sinh công cộng, giáo dục, tài trợ liên bang, việc làm, nhà ở, tín dụng và bồi thẩm đoàn. Những người phản đối dự luật - gồm có các giám mục Hoa Kỳ - đã cảnh báo luật này sẽ hủy bỏ các biện pháp bảo vệ tự do tôn giáo và có thể được sử dụng để buộc các bác sĩ thực hiện một số ca phá thai. Nó đã từng được Hạ viện thông qua một lần, và đã bị Thượng viện ngăn chặn vào năm ngoái, vậy thì sau này nó vẫn có thể bị ngăn chặn thêm nữa nếu đảng Cộng hòa còn giữ Thượng viện.
Về các dự luật phò sinh
Các dự luật ủng hộ sự sống — chẳng hạn như luật cấm phá thai 20 tuần và luật bảo vệ những trẻ sơ sinh sống sót sau khi phá thai — sẽ chẳng đi đến đâu trong Hạ viện do Đảng Dân chủ lãnh đạo. Và tại Thượng viện, các thành viên ủng hộ sự sống cũng đành phải bó tay vì họ không có đủ túc số 60 ghế cần thiết để chấm dứt một filibuster mà thúc đẩy một đạo luật từ Thượng viện.
Trước đây các thành viên phò sự sống trong Hạ viện đã cố gắng để buộc một cuộc bỏ phiếu về luật bảo vệ thai nhi bị phá thai mà còn sống (Born-Alive Abortion Survivors Protection Act,) tức là ra hình phạt cho các bác sĩ hoặc chuyên gia đã không cung cấp việc chăm sóc cần thiết cho những trẻ sơ sinh còn sống sót sau khi bị phá thai.
Tuy nhiên, “discharge petition” (kiến nghị thông qua) chỉ nhận được 205 chữ ký – tức là thiếu mất 13 chữ ký để có số 218 cần thiết. Trong số những dân biểu ký tên có 3 dân biểu Dân chủ, nhưng tiếc thay hai người trong số này đã thua trong cuộc bầu cử vừa qua.
Bầu cử Mỹ 2020: Ai sẽ chiến thắng dễ dàng hơn?
Anthony Zurcher Phóng viên Bắc Mỹ 5 tháng 11 2020

Biden and Trump Nguồn hình ảnh, Getty Images
Đó là ngày sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và người chiến thắng vẫn chưa được định rõ. Nhưng khi các lá phiếu từ hơn 160 triệu người Mỹ vẫn đang tiếp tục được kiểm đếm, một bức tranh khác trở thành tiêu điểm.
Tổng thống Donald Trump tuyên bố sai sự thật rằng mình đã giành chiến thắng và cáo buộc đối thủ của mình gian lận bầu cử. Ông đăng hàng loạt tweet (những tweet này đã bị gắn nhãn gây tranh cãi và sai sự thật) cho rằng đối thủ của ông đang ngụy tạo các phiếu bầu. Tuy nhiên, điều này không đúng như vậy ở thời điểm này. Vẫn còn hàng triệu phiếu bầu hợp lệ đang được kiểm đếm.
Bây giờ, ông Biden được dự đoán sẽ thắng tại Michigan và truyền thông Mỹ cũng dự báo ông cũng sẽ thắng ở Wisconsin, cuộc đua đang sôi sục trên toàn quốc khi chỉ còn một vài tiểu bang chưa có kết quả. Arizona, Nevada, Georgia và Pennsylvania.
Biden đang có được 243 phiếu đại cử tri và Trump có 214 phiếu. Nhà Trắng sẽ nằm trong tay người đạt được con số 270.
Đây là những điều mà cả hai ứng cử viên cần để thắng cuộc đua vào Nhà Trắng.
Joe Biden làm sao để thắng
Nói một cách tóm tắt, ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden chỉ đơn giản phải duy trì vị trí dẫn đầu mà ông đang nắm giữ ở Arizona, Nevada và Wisconsin (các bang có màu xanh nhạt trên bản đồ). Nếu làm được, Biden sẽ giành được 270 phiếu đại cử tri - mức tối thiểu cần thiết để vào Nhà Trắng.
Tại Michigan, Biden đã vượt lên dẫn trước Trump vào sáng sớm khi các lá phiếu gửi qua thư được đếm ở Detroit, nơi có tỷ lệ ủng hộ đảng Dân chủ cao - và đến chiều muộn, ông được dự báo sẽ giành chiến thắng ở tiểu bang này. Ở tiểu bang Wisconsin láng giềng, xu hướng đó cũng có lợi cho Biden. Đảng Cộng hòa đang nói về việc kiểm phiếu lại.
Biden vẫn duy trì ổn định vị trí dẫn đầu ở Arizona với nhiều lá phiếu gửi qua thư hơn đang được kiểm đếm. Cách biệt số phiếu ở Nevada chỉ là vài nghìn, nhưng tất cả các phiếu bầu được đếm trong ngày bầu cử - đang nghiêng về đảng Cộng hòa - chỉ còn lại các lá phiếu gửi qua thư, thường có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ.
Hiện tại, Biden dường như có ít trở ngại hơn trên con đường trở thành tổng thống.
Donald Trump làm sao để thắng
Giống như Biden, để giữ được Nhà Trắng, ông Trump phải bám trụ ở các tiểu bang quan trọng còn lại nơi ông đang dẫn đầu. Trong trường hợp của TT Trump, đó là Pennsylvania và Georgia (màu đỏ nhạt trên bản đồ ở trên). Sau đó, đảng Cộng hòa phải giành được ít nhất một trong những tiểu bang mà ông Biden đang đứng đầu đã đề cập ở trên.
 Những bang chiến địa được xem là sẽ quyết định kết quả bầu cử.
Nevada là một bang có cách biệt rất ít. Không cần nhiều biến đổi lớn để chuyển bang này thành của ông Trump. Nếu các lá phiếu gửi đến muộn (được đóng dấu bưu điện vào ngày bầu cử nhưng mất thêm thời gian để chuyển đến sau đó) cho kết quả là của những cử tri độc lập nghiêng về Trump hay của đảng Cộng hòa chứ không phải của đảng Dân chủ như dự đoán, viễn cảnh ông Trump thành tổng thống có thể sáng sủa hơn một cách đáng kể.
Arizona là một tiểu bang có thể đảo ngược tình thế với tổng thống. Giống như Nevada, Arizona chỉ còn lại những lá phiếu qua bưu điện đang được đếm. Tuy nhiên, tiểu bang cũng có truyền thống lâu đời cử tri bầu qua bưu điện và các đảng viên Đảng Dân chủ ở Arizona không có nhiều lợi thế như họ có ở Nevada. Sự vượt trội của Biden ở Arizona lớn hơn so với cách biệt của ông ở Nevada, nhưng cũng có khả năng có một sự đảo chiều lớn.
Đối với Wisconsin, nó đang đi theo hướng bất lợi cho tổng thống. Trong khi Trump có thể nuôi hy vọng ở các bang chiến trường Trung Tây này, các con số lại đang rời xa ông.
Kế hoạch dự phòng của Biden
Lộ trình trở lại Nhà Trắng của Trump có thể phụ thuộc vào việc nắm giữ vị trí dẫn đầu của ông ở Pennsylvania và Georgia, nhưng điều đó không có nghĩa là Trump sẽ an toàn ở một trong hai tiểu bang này. Các lá phiếu còn lại sẽ được kiểm đếm ở Georgia là từ các quận thuộc đảng Dân chủ xung quanh Atlanta.
Ở Pennsylvania, có hơn một triệu lá phiếu được gửi qua bưu điện còn lại để kiểm kê. Mặc dù Trump đang dẫn đầu với cách biệt lớn ở Keystone State, nhưng xu hướng kiểm phiếu thúc đẩy Biden dẫn đầu ở Wisconsin và Michigan cũng có thể phát huy tại đây.
Nếu Biden giành được Pennsylvania, việc mất cả Arizona và Nevada cũng không là vấn đề. Nếu đảng Dân chủ 'đảo ngược' được Georgia, ông có có thể mất tiểubang này hoặc tiểu bang kia (nếu không thì phiếu đại cử tri sẽ cân nhau và phải quyết định ở Hạ viện).
Nói cách khác, không giống Trump, Biden có nhiều con đường khác nhau để đi đến chiến thắng. Chúng có thể ít khả năng xảy ra hơn, nhưng vẫn rất thực tế.
Cuộc đấu pháp lý trước mặt
Bất kể kết quả cuối cùng ra sao, kịch bản vốn là ác mộng đang dần hiện rõ, khi Biden tuyên bố ông đang trên đường chiến thắng và Trump cáo buộc gian lận và đánh cắp cử tri mà không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào.
Đó là công thức cho hận thù gay gắt và một cuộc chiến kéo dài tại tòa án, kết thúc với những người ủng hộ bên thua cuộc cảm thấy tức giận và bị lừa. Ban vận động Trump đã thông báo rằng họ sẽ yêu cầu kiểm phiếu lại ở Wisconsin.
Dù chưa biết kết quả cuối cùng, nhưng điều rõ ràng có thể thấy trong đêm bầu cử là Mỹ tiếp tục là một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc. Các cử tri Mỹ đã không cự tuyệt Trump theo một cách mạnh mẽ nào. Họ cũng không cho ông sự hậu thuẫn rầm rộ mà tổng thống hằng mong đợi.
Thay vào đó, các chiến tuyến được vạch ra - và cuộc giao đấu chính trị sẽ tiếp tục bất kể ai thắng trong cuộc bầu cử này.
Cái giá dạy môn Sử Địa
October 24, 2020 Nguyễn thị Cỏ May
Trưa ngày 16/10/2020, một thanh niên người Tchétchène, tên Abdoullakh Anzarov, đã cắt cổ Thầy giáo Sử Địa, ông Samuel Paty, ngay trước trường Trung học Le Bois d’Aulne nơi ông đang dạy, ở Thành phố Conflans-Sainte-Honorine, ngoại ô Tây-Bắc cách Paris chừng 40km Paris. Hành động dã man này đã làm cả nước Pháp và cả một phần thế giới, giựt mình kinh tởm. Những người dấn thân tranh đấu bảo vệ quyền tự do diển đạt, tự do báo chí, đang rùng mình nghĩ rằng phải chăng quyền tự do này từ nay bị kết án tận cửa học đường?
[img]https://www.msn.com/en-gb/news/world/e2-80-98we-are-all-samuel-e2-80-99-thousands-gather-in-paris-to-pay-respects-to-murdered-teacher/ar-BB1a9iMZ[/img]
Việc ám sát Thầy giáo Samuel Paty không chỉ có nghĩa là giết ông ấy để ông phải đền tội đã xúc phạm tới Mohamed, mà còn là một thông điệp gởi cho các nước Tây phương, quê hương của Dân chủ và Nhơn quyền. Thật vậy, giết xong, thủ phạm bèn hét lớn «Allah Akbar!!» (Chúa vĩ đại!). Tiếp theo, nó chụp hình cái đầu nạn nhơn, phổ biến lên mạng. Bằng chứng chiến thắng tội ác vì Mohamed!
Một vì sao xuất hiện
Fransız öğretmeni öldüren Anzarov'un IŞİD ile temas halinde olduğu ortaya çıktı
Cách nay 5 năm, cũng hồi giáo đã tấn công Tuần báo trào phúng «Charlie Hebd», giết 8 nhà báo và 3 nhân viên Tòa soạn đang làm việc, để xử tội đã phát hành số báo 1177, hình bìa vẻ bức hí họa xúc phạm tới Mohamed. Và nay, trong lúc Tòa án Pháp xử vụ Tuần báo Charlie, một người hồi giáo tấn công bằng mả tấu hai người đang đi trước trụ sở củ của Tuần báo Charlie vì hiểu lầm đây là nhà báo Charlie.
Pháp và Tây Âu bị hồi giáo khủng bố liên tục trong lúc Chánh phủ các nước nơi đây đón nhận nhiều tỵ nạn người hồi giáo, với nhiều trợ cấp xã hội uu đải. Riêng Pháp đã tiếp nhận suốt thời gian gần đây hơn 50 000 người Tchétchènes tỵ nạn nội chiến.
Tên hồi giáo khủng bố Anzarov vừa giết Thầy giáo Samuel Paty cũng là người trong số dân tỵ nạn Tchétchènes này. Anzarov sanh ngày 12 tháng 3 năm 2002 tại Moscou, tới Pháp năm 6 tuổi, vừa được giấy định cư vì trưởng thành hôm 4 tháng 3. Gia đình ở thành phố Evreux, cách Paris chừng 70 km về phía Tây-Bắc.
Theo điều tra, lúc nhỏ, Anzarov có tánh tình hay gây gổ, đánh nhau với bạn. Nhưng trong thời gian gần đây, tánh tình thay đổi hẳn. Ít nói. Càng ít nói chuyện với bạn gái. Chịu khó giúp đỡ gia đình, săn sóc các em, đưa ông nội đi khám bịnh. Trong kỳ nhập học hồi tháng 9 vừa qua, Anzarov nghỉ học, đi làm để phụ giúp gia đình.
Một hôm, nhờ một người bạn chở dùm xuống Paris chơi, tới Conflans-Sainte-Honorine, cậu ta xuống. Và dấn thân vào tội ác để phục vụ đức tin hồi giáo.
Theo báo cáo điều tra của cảnh sát, thì không có ai, cả nhà của Anzarov nữa, biết hay thấy cậu ta tới một nhà thờ hồi giáo nào, hoặc một nhóm hồi giáo nào để bị ảnh hưởng. Tuyệt nhiên không có. Nếu Anzarov trở thành hồi giáo cực đoan đi đến hành động sát nhơn thì chính cậu ta đã âm thầm một mình chọn qua mạng internet và quyết định. Và cũng qua mạng, Anzarov tự tổ chức vụ ám sát Thầy giáo Samuel Paty.
Tới cuối trưa hôm 16/10 vùa qua, Anzarov chỉ cần giúp nhận diện đúng mục tiêu mà thôi. Tới trường Le Bois d’Aulne, Anzarov nhờ một học trò, và cho em nhỏ này 300€, để chỉ ai là Thầy Samuel Paty.
Một vụ xử tội kẻ xúc phạm Mohamed
Samuel Paty, teacher beheaded in France, awarded Legion d'Honneur - The Washington Post
Sau cái chết thảm khóc cuả Thầy giáo Samuel Paty, cảnh sát phát hiện trên Twiter của thủ phạm một thư nhìn nhận hành động sát nhơn là xử tội kẻ xúc phạm Mohamed «Abdullakh, tôi tớ của đấng Allah, gởi Macron, kẻ lãnh đạo những tên ngoại đạo (infidèles), ta đã hành huyết một trong những con chó của địa ngục của mi đã dám hạ thấp Muhammad. Mi hảy bảo những kẻ khác im ồm trước khi ta giáng cho một đón mới chí tử».
Mà ông Samuel Paty chỉ dạy học trò về quyền tự do diển đạt đúng theo chương trình giáo dục Lớp 4è (như Đệ 5 vn) của chánh phủ. Ông sử dụng những bức hí họa của Tuần báo Charlie Hebdo cho học trò của ông coi qua để đặt vấn đề thảo luận nhóm. Mà trước đó, ông đã luu ý học sinh có ai thấy nhạy cảm về chuyện này thì miển tham dự hoặc tránh coi hình. Tức Thấy Samuel Paty hoàn toàn không có ý khiêu khích hay bày bác tôn giáo.
Hoàn cảnh của những nhà giáo dạy các môn nhân văn ở Pháp ngày nay vô cùng thảm hại. Theo kết quả điều tra của Viện Ifop có 38% thầy cô đã tự kiểm duyệt bài vở và cả lời nói của mình một cách khắc khe để phòng tránh những chuyện không hay xảy ra cho chính mình!
Ngoài thư thừa nhận thành quả giết người của thủ phạm Anzarov, cảnh sát tìm thấy nhiều loại võ khí và một số người liên hệ trong đó có cha mẹ học sinh học lớp của Thầy Samuel Paty.
Thi hành xong sứ mạng hồi giáo tự nguyện, thanh niên Anzarov chạy thoát thân, bị cảnh sát được tin truy nả và hạ sát liền sau đó.
Cả nước Pháp xúc động và tưởng niệm Thầy Samuel Paty
Sáng nay, 20/10/2020, Dân biểu mang quốc kỳ theo cách để tang xếp hàng đứng trước tiền đình Quốc hội, bên cạnh là chân dung Thầy giáo Samuel Paty, làm một phút mặc niệm truy điệu Thầy Samuel Paty bị sát hại một cách dả man trước trường Le Bois d’Aulne ở Conflans- Sainte- Honorine trước khi vào phòng họp. Dồng thời Đội lính Phòng vệ Cộng hòa trổi bản quốc ca «La Marseilleise».
Trong Quốc hội, trước khi khai mạc phiên họp, Chánh phủ và Dân biểu cùng đứng lên giử một phút mặc niệm cho Thầy giáo Samuel Paty.

Thầy giáo môn sử địa
Chiều ngày 21/10, lúc 6 giờ 30, tại Sân Danh dự hay Sân chánh (la Cour d’ Honneur, trước đây, làm lễ khai giảng đầu niên khóa) của Đại học Sorbonne, nơi tiêu biểu cho hiểu biết của Pháp, dưới tương của Victor Hugo và Louis Pasteur, TT Macron và đông đảo nhơn viên Chánh phủ, giới chức Giáo dục cử hành lễ truy điệu cấp Quốc gia Thầy giáo Samuel Paty. Ông Tổng thống, mặt đanh lại, mắt rướm lệ, lớn tiếng kêu gọi toàn dân đoàn kết, khai chiến với thế lực hồi giáo khủng bố. Lần đầu tiên ông Tổng thống Macron dám công khai chỉ thẳng hồi Nhà nước hồi giáo.
Báo chí và các viện thăm dò dư luận hỏi dân pháp đối với hồi giáo, tất cả trả lời «không ưa» tới 75% nhưng không có mấy người dám nói ra. Sợ hay vì một thứ mặc cảm mang tính tổ tông?
Nay trước cái chết quá đau lòng của Thầy giáo Samuel Paty, chánh giới pháp đều cực lực lên án hồi giáo khủng bố. Cả phe Tả nữa nhưng với chừng mực nào đó. Như Ségolène Royal, cụu Tổng trưởng của TT Mitterrand, cụu ứng cử Tổng thống, lên án vụ giết Thầy giáo Samuel Paty với lời nhận xét «hành hung» (agression), không dám nói rỏ hành động đó là «cắt cổ». Hành hung hay tấn công mà cái đầu của nạn nhơn lìa khỏi xác, được hung thủ để qua một bên và chụp hình đưa lên mạng! Và cũng chính ông Tổng thống của bà ấy, ông Mitterrand, năm 1981, vừa đắc cử, liền hợp thức hóa cho 600 000 dân đen, á rặp hồi giáo ở lậu ở Pháp, sau đó, cho vào quốc tịch pháp để ông đắc cử thêm một nhiệm kỳ 7 năm nữa. Nước Pháp ngày nay thừa hưởng cái di sản xhcn của ông.
Tổng trưởng Nội vụ Gerald Darmanin vừa ra lệnh đóng cửa một nhà thờ hồi giáo ở Bobigny, ngoại ô Đông-Bắc Paris vì có những tuyên truyền có tính xách động có lợi cho khủng bố. Ông cũng chỉ thị các lực lượng an ninh theo dỏi kiểm soát những người hồi giáo có thành tích bất hảo, và nhứt là hiện nay, cộng đồng tỵ nạn Tchétchène. Ông cũng đề nghị dẹp bỏ Tổ chức chống những người chống hồi giáo (CCIF= Collectif Contre l’Islamophobie en France) vì đây chỉ là một tổ chức trá hình của con ngựa Thành Troye mà thôi.
[img]https://images.wsj.net/im-248019?width=620&size=1.5[/img]
Tổng thống Macron truy tặng Bảo quốc huân chương cho Thấy giáo.
Tối thứ ba 20 /10 /2020, một cuộc biểu tình quan trọng của chánh giời tại thành phố Conflans Sainte Honorine để tưởng niệm Thầy giáo Samuel Paty bị kẻ khủng bố hồi giáo thảm sát. Từ hôm chủ nhựt tới nay, các thành phố lớn như Marseille, Toulouse, Bordeaux, Lyon, Strasbourg, Paris, nghĩa là cả nước Pháp, dân chúng xuống đường đông nghẹt bày tỏ lòng câm thù khủng bố hồi giáo, lên án mọi hành động khủng bố, bày tỏ lòng thương tiếc nạn nhơn.
Trong không tới 2 tuần nữa là nhập học sau lể Các Thánh (toussaint), các thầy cô dạy môn văn, sử địa, luân lý và công dân, sẽ gặp lại học trò của mình. Một kỳ nhập học đặc biệt. Một cuộc gặp lại học sinh của mình trong một hoàn cảnh cũng vô cùng tế nhị.
Cả thầy lẫn trò đều không ai có thể quên được đồng nghiệp của mình, thầy của mình, vừa bị cắt đầu ngay trước trường vì đã dạy môn «luân lý và công dân» mà bài học hôm ấy là «quyền tự do diển đạt»!
Những ngày tới đây sẽ quyết định có nên tiếp tục làm nảy nở tinh thần thảo luận và phê bình ở trẻ con, truyền lại những hiểu biết là một phần tạo thành nền văn hóa của chúng ta hay không?
Nguyễn thị Cỏ May
Vụ Chặt Đầu Thầy Giáo Pháp Diễn Biến Rất Nguy Hiểm
October 30, 2020 Đào Văn Bình:
Vào ngày 16/10/2020, một nam giáo viên Pháp dạy lịch sử đã cho học trò cả lớp xem những bức hý họa châm biếm Nhà Tiên Tri Mohammad để chứng tỏ quyền tự do ngôn luận đã bị chặt đầu ở một địa điểm gần trường học của ông ở ngoại ô Paris. Hung thủ là người gốc Chechen đối đầu với cảnh sát và bị bắn chết. Trước khi chết thanh niên này hô to, “Thượng Đế Vĩ Đại” bằng tiếng Ả Rập (Allahu Akbar). Mưởi hai người sau đó đã bị bắt trong đó có cả phụ huynh học sinh của trường này.

Theo cuộc điều tra của cảnh sát hung thủ đã dò la, cho tiền các em học sinh của trường học để nhận dạng thầy giáo. Và cũng theo cảnh sát, một vài em học sinh đã khuyên thầy giáo đừng đưa ra bức biếm họa này vì trong lớp có những học sinh Hồi Giáo.
Tổng thống Pháp lên án vụ giết hại này và nói đây là cuộc tấn công của khủng bố Hồi Giáo. Câu chuyện mới đầu tưởng chỉ là vấn đề tự do ngôn luận và an ninh nội bộ của Pháp nhưng nó như lửa cháy, lan nhanh trong thế giới Hổi Giáo. Lên tiếng đầu tiên là Ô. Erdogan- tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ -một người vô cùng bất định và có thể nói là rất hung hăng. Ông này đem quân tiến vào Syria để tiêu diệt lực lượng người Kird và gửi chí nguyện quân tới Libya để ủng hổ chính phủ ở Tripoli.
-Ô. Erdogan nói rằng Ô. Macron cần coi lại hệ thống thần kinh của mình khiến Pháp tức giận triệu hồi vị đại sứ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó Ô.Erdogan kêu gọi tẩy chay hàng hóa Pháp với lý do Tổng Thống Macron đang hướng dẫn một chính sách thù nghịch với người Hồi Giáo.
-Rồi sau đó hàng hóa của Pháp đã bị gỡ xuống tại các siêu thị ở Kuwait, Qatar và một số nước Vùng Vịnh Ba Tư.
-Còn Hồi Quốc thì cũng triệu tập đại sứ của Pháp.
-Còn Tổng Thống Ai Cập al-Sisi nói rằng tự do ngôn luận cần phải ngưng lại khi nó xúc phạm hơn 1.5 tỉ người Hồi Giáo. Thế nhưng Ô. Al-Sisi nói thêm ông phản đối hình thức bạo động hay khủng bố của bất cứ ai nhân danh bảo vệ tôn giáo cũng như bảo vệ biểu tượng hay hình tượng.
-Tại Bangladesh đã diễn ra một cuộc biểu tình khổng lồ để phản đối Tổng Thống Macron.
-Rồi vào ngày 29/10/2020 tình hình trở nên vô cùng nguy hiểm khi lại thêm ba người bị giết trong đó có một người đàn bà lớn tuổi và một người bị chặt đầu, nhiều người khác bị thương khi một hung thủ tấn công khủng bố vào Nhà Thờ Notre Dame tại Nice. Hung thủ bị cảnh sát bắn bị thương vẫn la lớn “Thượng Đế Vĩ Đại” (Allahu Akbar) nhiều lần kể cả lúc đang bị giam giữ.
-Rồi một lính gác lãnh sự quán của Pháp tại Jeddah, Saudi Arabia bị đâm bằng dao. Tổng thống Pháp đã ban hành tình trạng khẩn trương và ra lệnh tăng cường an ninh tại các cơ sở thờ phượng.
-Rồi vào ngày 30/10/2020, cựu thủ tướng Mã Lai Mahathir Mohamad nói rằng người Hồi Giáo có quyền giết nhiều triệu người Pháp (vì phỉ báng Nhà Tiên Tri Mohammad). Twitter sợ quá đã phải xóa đi lời nói này sau khi nó được phổ biến vì gặp phản ứng dữ dội từ chính quyền Pháp.
Quan chức Malaysia cải trang bắt người Hồi giáo trong tháng linh thiêng
Hiện nay ngoại trừ người Hồi Giáo, còn thế giới đều giữ im lặng, không dám bênh mà cũng không dám chống. Tại sao vậy? Phải công tâm mà nói, người Hồi Giáo rất nhạy cảm trong vấn đề đức tin và tôn giáo. Ai đụng chạm tới tôn giáo của họ là phải chết thôi. Luật phỉ báng nhà Tiên Tri Mohammad được thi hành một cách nghiêm ngặt tại các quốc gia Hồi Giáo, cái giá là tử hình. Vài triệu người Hồi Giáo xuống đường và sẵn sàng chết cho tôn giáo của họ là chuyện rất bình thường. Chính vì thế mà cả thế giới đều sợ và không dám đụng chạm tới Hồi Giáo. Hồi thập niên 1960, báo chí Miền Mam có loan tin một triệu người Hồi Giáo đã chết vì có tin cái râu của Nhà Tiên Tri Mohammad bị mất. Nay tôi muốn kiểm chứng lại tin này nhưng chưa tìm ra tài liệu.
Nói về sự khác biệt giữa giáo lý của các tôn giáo tôi xin kể ra câu chuyện của chính gia đình mình. Vào năm 2001, qua truyền hình trực tiếp, cả thế giới đều nín thở theo dõi lực lượng Taliban dùng mìn và đại bác phá hủy pho tượng Phật khổng lồ tại Bamiyan- một di tích lịch sử 1500 năm. Bà xã tôi vừa xem vừa khóc! Thế nhưng tôi đã an ủi nhà tôi là: Em ơi đừng khóc, xá lợi/thân xác của Phật còn vô thường huống chi bức tượng này. Mất bức tượng này thì ta xây bức tượng khác. Và trong lòng tôi không bao giờ nảy ra ý nghĩ thù hận người Taliban. Bởi vì giáo lý của Đức Phật dạy rằng cuộc đời này, thế giới này là huyễn ảo, chỉ có cải tâm Từ Bi, cái thần thức giác ngộ và sáng suốt là đáng kể mà thôi. Đức Phật dạy phải xả bỏ dù đó là niềm tin tuyệt đối vào giáo lý của Đức Phật.
Thế nhưng thế giới này, do “nghiệp lực từ vô thủy” mà hình tướng, đầu óc, cuộc sống, hảnh động của con người khác nhau. Cử thử nhìn vào một khu rừng với biết bao nhiêu loài thú, loài cây cỏ…có con nào, cây nào giống cây nào không? Có loài đại thụ cao ngất trời, có cây dại mọc lan dưới đất và có cả loài tầm gửi. Có con bay trên trời, có con chui rúc dưới hang sâu, dưới đất. Xã hội loài người cũng thế. Có những ngưởi thật thông minh đĩnh ngộ, có những người thật ngu độn. Có những người thật đạo đức, có những kẻ lại vô cùng hung ác. Có những kẻ rất vị tha nhưng lại có những kẻ rất ích kỷ. Thế giới Ta Bà này là như thế. Nó đã như thế cách đây cả triệu năm và nó sẽ như thế cho đến ngày tận thế.
Nhưng nói thế không có nghĩa là chúng ta cứ ù lỳ và chấp nhận thực tại. Đạo Phật nói về Nghiệp nhưng lại nói Phi Nghiệp và Chuyển Nghiệp. Những cọ sát, những đau thương, những xung đột của hiện tại sẽ đưa tới một cái gì đó khác đi ở ngày mai theo giáo lý Trùng Trùng Duyên Khởi của Kinh Hoa Nghiêm.
Xin tất cả mọi người nhớ cho, thế giới này không phải chỉ dành cho người Hồi Giáo, Thiên Chúa Giáo hay Phật Giáo… mà nó là một cộng đồng chúng sinh, nếu muốn tồn tại chúng ta phải dung hòa với nhau, nhường nhịn và chịu đựng nhau… để cùng tiến lên. Và cũng xin nhớ cho chân lý của mình chưa hẳn là chân lý của người – mà chúng ta cần phải chia xẻ giá trị của chân lý. Đây là nhiệm vụ cao quý của các nhà lãnh đạo tôn giáo, lãnh đạo chính quyền, các triết gia, các nhà tư tưởng, các nhà bảo vệ nhân quyền và của tất cả mọi người nếu chúng ta muốn sống trong một thế giới yên bình.
Và sau hết, chúng ta cũng cầu nguyện cho nước Pháp qua khỏi cơn nguy khốn này.
Đào Văn Bình
(California ngày 30/10/2020)
Edited by user Friday, November 6, 2020 1:16:40 PM(UTC)
| Reason: Not specified
|