Bầu cử Mỹ: Mặt trận Thượng Viện cũng gay go không kém cuộc đua vào Nhà Trắng
Mai Vân - RFI - 02/11/2020
Ngày 03/11/2020 nước Mỹ sẽ bầu ra vị tổng thống cho nhiệm kỳ 4 năm sắp tới, và mọi sự chú ý đều dồn vào cuộc đua tranh khốc liệt giữa tổng thống Donald Trump, thuộc đảng Cộng Hòa và cựu phó tổng thống Joe Biden, thuộc đảng Dân Chủ. Bên cạnh đó còn có một cuộc bỏ phiếu khác rất quan trọng : Bầu lại 1/3 Thượng Viện, hiện trong tay đảng Cộng Hòa.
Và ở đây, cuộc chiến giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa cũng gay go không kém, với đảng Cộng Hòa dồn sức giữ lại đa số ghế mà họ chiếm được từ năm 2018, trước làn sóng tấn công ào ạt từ phía đảng Dân Chủ mà một số nhà quan sát cho là rất có khả năng thành công.
Vai trò quan trọng của Thượng Viện Mỹ
Trong nhiệm kỳ 4 năm sắp kết thúc của tổng thống Donald Trump, vai trò tối quan trọng của Thượng Viện Mỹ - bao gồm 100 thượng nghị sĩ đại diện cho 50 bang, mỗi bang được 2 đại diện bất kỳ quy mô lớn hay nhỏ - đã nổi bật qua hai sự kiện.
Gần đây nhất là bất chấp mọi phản đối, ngày 26 tháng 10 năm 2020, 52 thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa đã phê chuẩn đề nghị của tổng thống Trump, cử bà Amy Coney Barett làm thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, nâng đa số “thân” đảng Cộng Hòa trong định chế tư pháp cao nhất Hoa Kỳ này lên thành 6 người trên tổng số 9 thẩm phán. Trước đó, đã có hai thẩm phán khác do ông Trump đề nghi được chuẩn y là các ông Neil Gorsuch (năm 2017) và Brett Kavanaugh (2018).
Và nổi bật hơn cả việc Thượng Viện Mỹ, trong tay đảng Cộng Hòa, ngày 05/02/2020 đã phán quyết tha bổng tổng thống Donald Trump, bị Hạ Viện, trong tay đảng Dân Chủ đề nghị truất phế.
Quyền truất phế tổng thống hay bầu chọn thẩm phán Tối Cao Pháp Viện chỉ là hai trong số những thẩm quyền quan trọng của Thượng Viện Mỹ, bên cạnh các quyền khác như thông qua các đạo luật cấp quốc gia, phê chuẩn các thành viên chính phủ, các thẩm phán liên bang, các đại sứ…
Đảng Cộng Hòa khởi hành trong thế bất lợi
Hiện nay, cơ cấu đảng phái trong Thượng Viện Mỹ là đảng Cộng Hòa chiếm đa số với 53 thượng nghị sĩ, trong lúc đảng Dân Chủ chỉ có 45 đại diện, cùng 2 thượng nghị sĩ đồng minh nhưng tự nhận là “độc lập”.
Theo thông lệ, cứ hai năm một lần thì Thượng Viện Mỹ thay đổi khoảng 1/3 số đại biểu, đối với những người đã mãn nhiệm kỳ 6 năm. Trong cuộc bỏ phiếu lần này, đảng Cộng Hòa bị rơi vào tình thế bất lợi. Trong tổng số 35 ghế thượng nghị sĩ được bầu lại, bên Cộng Hòa nắm đến 23 ghế, trong khi phe Dân Chủ chỉ phải thay 12 ghế mà thôi.
Để nắm Thượng Viện, đảng Dân Chủ sẽ phải giành thêm 4 ghế. Nếu Joe Biden thắng cử, bà Kamala Harris sẽ là phó tổng thống và tự động được một ghế trong Thượng Viện và như vậy đảng Dân Chủ chỉ cần giành thêm 3 ghế. Ở phía đối diện, đảng Cộng Hòa chỉ được phép mất 3 ghế nếu ông Trump tái đắc cử, và 2 ghế nếu đương kim tổng thống bị thua.
Theo đài phát thanh Pháp France Inter ngày 31/10 vừa qua, giới quan sát cuộc bầu cử Mỹ cho rằng cuộc đấu giành chức thượng nghị sĩ lần này đặc biệt quan trọng tại khoảng một chục bang mà kết quả thăm dò dư luận cho thấy cử tri còn do dự.
Cho dù một số trang web chuyên về dự báo - như FiveThirtyEight hay The Cook Political Report – đều dự báo thắng lợi của đảng Dân Chủ (FiveThirtyEight nói đến 74% khả năng đảng Dân Chủ giành được Thượng Viện), nhưng giới phân tích vẫn cho rằng họ sẽ chật vật hơn. Một trong những lý do là đối với Thượng Viện, xu hướng thường thấy nơi cử tri là tín nhiệm người cũ.
Những bang và gương mặt cần theo dõi
Đề cập đến cuộc bầu cử Thượng Viện, dĩ nhiên là phải chú ý đến những gương mặt cụ thể phải ra trình diện cử tri. Báo chí trong thời gian gần đây đặc biệt quan tâm đến trường hợp thượng nghị sĩ nổi tiếng là ủng hộ viên hết mình của tổng thống Trump là ông Mitch McConnell, và ông Lindsay Graham.
Theo ghi nhận của đài France Inter, ông McConnell, 78 tuổi, lãnh đạo phe đa số đảng Cộng Hòa tại Thượng Viện, cho đến gần đây được cho là một nhân vật mà không ai có thể lật đổ, đã liên tục được bầu làm thượng nghị sĩ bang Kentucky trong suốt 6 nhiệm kỳ, và lần này ra tranh một nhiệm kỳ thứ 7.
Thế nhưng trong cuộc bầu cử lần này, ngay trong lãnh địa của mình, Mitch McConnell đã bị một phụ nữ trẻ của đảng Dân Chủ thách thức: bà Amy McGrath, 45 tuổi, nguyên là phi công trong Quân Đội Hoa Kỳ, phụ nữ đầu tiên thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến đã lái chiến đấu cơ F-18 đi tham chiến.
Tại một bang là thành trì của đảng Cộng Hòa, nơi mà tổng thống Trump đã chiến thắng với chênh lệch 30 điểm hơn đối thủ, bà McGrath đang cố thu ngắn cách biệt 10 điểm so với ông McConnell. Với lượng tiền to lớn đang đổ vào quỹ tranh cử của bà, hơn hẳn nguồn tài trợ cho đối thủ, giới quan sát đang rất thận trọng và không ai dám khẳng định là nữ ứng viên chắc chắn thua cuộc.
Còn tại bang Nam Carolina, thượng nghị sĩ đầy uy lực của đảng Cộng Hòa Lindsey Graham, chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện đã đóng vai trò quyết định trong chiến thắng của ông Trump trên hai mặt trận Tối Cao Pháp Viện và “phiên tòa truất phế” gần đây, thì được cho là có nguy cơ thất cử.
Theo ghi nhận của báo Pháp 20 minutes ngày 29/10, một trong những người ủng hộ tổng thống Trump nhiệt tình nhất này những tưởng sẽ được bầu lại một cách dễ dàng tại một bang mà ông Trump đã giành chiến thắng vào năm 2016 với 15 điểm hơn bà Hillary Cliton.
Thế nhưng không ngờ là ông Graham đang phải đối mặt với ông Jaime Harrison, một đối thủ thuộc đảng Dân Chủ có sức lôi cuốn lạ thường, đã làm bùng nổ mọi kỷ lục gây quỹ (hơn 50 triệu đô la trong quý vừa qua), đến mức mà bản thân ông Graham đã phải than thở rằng đảng Dân Chủ đang “giết” ông bằng nguồn tài chánh.
Theo một kết quả thăm dò mới nhất, hiện nay ông Harrison - với 47% ý định bầu - đang bám sát ông Graham đang dẫn đầu với 49%, một kết quả đáng lo ngại tại một thành trì của đảng Cộng Hòa.
Nhìn chung, theo hãng tin Mỹ AP ngày 01/11, trường hợp của thượng nghị sĩ Lindsey Graham ở Nam Carolina cũng là hoàn cảnh chung của khoảng một chục ứng viên đảng Cộng Hòa trên toàn quốc, đang phải đối mặt với nguy cơ thất cử. Về phía đảng Dân Chủ, chỉ có hai ghế đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Bầu cử Mỹ 2020: Quan sát viên quốc tế gặp trở ngại
VOA Tiếng Việt - 02/11/2020
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ lâu đã mời các quan sát viên quốc tế đến để xem nền dân chủ của nước này vận hành như thế nào. Một phát ngôn viên của Bộ nói rằng việc quan sát nền dân chủ Mỹ diễn ra trong thực tế sẽ truyền cảm hứng cho các quốc gia khác. Tuy nhiên, các quan sát viên quốc tế nói với VOA rằng cuộc bầu cử 2020 có những thách thức vô cùng lớn: một số bang bất ngờ không cho quan sát viên quốc tế đến, quan ngại về dịch bệnh, phương pháp bỏ phiếu mới, và các cáo buộc gian lận bầu cử.
Bà Ursula Gacek, Giám đốc phái bộ quan sát bầu cử tại Hoa Kỳ thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), nói với VOA qua điện thoại rằng cuộc bầu cử Mỹ 2020 khác với 9 cuộc bầu cử trước đó mà OSCE đã từng quan sát. “Có nhiều lý do khiến bầu cử năm nay khác,” bà Gacek cho biết sau khi công bố báo cáo của bộ phận bầu cử của tổ chức này vào tuần vừa rồi về các điều kiện trước ngày bầu cử Mỹ.
Giảm số lượng quan sát viên
Rõ ràng nhất, bà Gacek nói, là đại dịch COVID-19, buộc Văn phòng Tổ chức Dân chủ và Nhân quyền (ODIHR) của OSCE phải cắt giảm đáng kể số lượng quan sát viên được cử đến Hoa Kỳ. Trước đó, văn phòng ODIHR lên kế hoạch cử 500 người đến Mỹ, nhưng trong tình hình đại dịch COVID-19 như hiện nay, văn phòng đành phải cử có 30 quan sát viên.
Bà Ursula Gacek, nguyên Đại sứ, Thượng Nghị sĩ Ba Lan, và Nghị viên EU, cho biết thêm rằng dịch COVID-19 “đã khiến cuộc sống của mọi người trở nên khó khăn, nó ảnh hưởng đến cách thức tiến hành các chiến dịch vận động tranh cử, ảnh hưởng đến việc quản lý cuộc bỏ phiếu và khối lượng công việc mà các cơ quan tổ chức bầu cử phải giải quyết. Còn đối với cử tri, cái khó là phải quyết định xem việc có bỏ phiếu trực tiếp hay không, đi bỏ phiếu sớm hay gửi lá phiếu qua đường bưu điện.
Nhóm của bà Gacek đã đến Hoa Kỳ vào đầu tháng 10/2020 và chia nhau theo từng nhóm nhỏ mỗi nhóm hai người làm việc trên khắp nước Mỹ. Nhiệm vụ của họ là trao đổi với các cơ quan tổ chức bầu cử, đánh giá mức độ phủ sóng của phương tiện truyền thông, kiểm tra công nghệ bỏ phiếu và hiểu được bầu không khí chính trị địa phương ở những nơi mà chính quyền địa phương chào đón họ.
18 bang cấm quan sát viên quốc tế
Có đến 18 bang của Hoa Kỳ từ chối không cho quan sát viên của OSCE quyền tiếp cận. Bà Gacek cho VOA biết các nhà quan sát không cố gắng đến những bang mà luật không cho phép.
Ủy ban Bầu cử bang North Carolina từ chối các quan sát viên quốc tế tiếp cận các địa điểm bỏ phiếu trong Ngày Bầu cử 3/11 này, một quyết định khiến các thành viên của phái đoàn OSCE bất ngờ khi họ chuẩn bị đến bang này, trang Impact 2020 cho biết hôm 27/10.
Trước đây, chính quyền bang North Carolina cho phép các quan sát viên bầu cử giám sát các địa điểm bỏ phiếu của họ, nhưng họ quyết định từ chối trong cuộc bầu cử này, buộc nhóm OSCE vào phút chót phải hủy bỏ chuyến công tác của các quan sát viên.
Ông Nat Parry, phát ngôn viên của OSCE cho biết nhóm xem quyết định của North Carolina, một trong những bang chiến trường, là “vi phạm cam kết” và hy vọng sẽ đưa vấn đề này vào báo cáo sắp tới về cuộc bầu cử ngày 3/11.
“Trong khi chính phủ Hoa Kỳ có các nghĩa vụ quốc tế đối với OSCE, các bang riêng lẻ thì không,” ông Parry nói thêm, lưu ý rằng Hoa Kỳ đã phải rất khó khăn để đảm bảo rằng các bang tuân thủ các cam kết được đưa ra ở cấp liên bang. Ông nói: “Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì rất hợp tác và hữu ích.”
Từ trước đến nay, một số bang, chẳng hạn như Texas, liên tục từ chối không cho các quan sát viên từ nước ngoài tiếp cận, nhưng đối với North Carolina, đây là lần đầu tiên, cũng theo trang Impact 2020.
Theo báo cáo của OSCE, các bang khác không cho quan sát viên quốc tế tiếp cận bầu cử là: Alabama, Alaska, Arizona, Connecticut, Delaware, Florida, Georgia, Indiana, Kentucky, Mississippi, Minnesota, New Jersey, Louisiana, Oklahoma, Ohio và Pennsylvania.
Phức tạp và thiếu thốn
Sau một tháng làm việc qua điện thoại, họp trực tuyến và đi thực tế, nhóm của bà Gacek đã đưa ra báo cáo tạm thời, tập trung vào các điều kiện trước bầu cử.
Báo cáo ngày 22/10 ghi nhận sự phức tạp của việc điều hành một cuộc bầu cử quốc gia diễn ra ở 50 bang, mỗi bang có các quy định và thiết bị bỏ phiếu khác nhau. Nhìn chung, với khoảng 10.500 khu vực bầu cử trên toàn quốc, thì việc quản lý đã phức tạp, nay thêm tình hình dịch COVID-19 thì vấn đề còn thêm nan giải. Riêng các giải pháp bỏ phiếu được đưa ra trong năm nay đã vấp phải sự phản kháng không hề nhỏ.
Báo cáo lưu ý rằng có hơn 365 vụ người dân đâm đơn kiện tại 44 tiểu bang và thủ đô Washington DC liên quan đến cách thức bỏ phiếu và khi nào phiếu bầu của họ có thể được kiểm đếm.
Mọi thứ phức tạp hơn, đại dịch đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt cả kinh phí và nhân sự. Quốc hội Hoa Kỳ thông qua ngân quỹ tài trợ khẩn cấp cho các bang vào tháng 3 để giúp chi trả cho các biện pháp bất thường đang được thực hiện nhằm mang lại cho mọi người một cách thức bỏ phiếu an toàn - nhưng những khoản tiền đó, theo báo cáo, “phần lớn được xem là không đủ.” Hơn nữa, thiếu nhân viên có kinh nghiệm làm việc tại các điểm bỏ phiếu, vì nhiều người trong số những người có kinh nghiệm nhất cũng có nguy cơ về sức khỏe cao do tuổi tác. Nhiều người trong số họ không tham gia vào cuộc bầu cử này.
Các khó khăn khác đang tiếp diễn
Có sự khác biệt giữa các khu vực bầu cử trong công nghệ bỏ phiếu. Mối quan ngại đặc biệt là một số khu vực bầu cử sử dụng máy bỏ phiếu nhưng không xuất cùi phiếu, điều này có thể gây ra trở ngại trong trường hợp cần kiểm phiếu lại. Có sự khác biệt giữa các bang về việc những người bị kết án có được phép bỏ phiếu hay không. Các nhà quan sát kết luận rằng có khoảng 5,2 triệu công dân Hoa Kỳ bị tước quyền bầu cử do bị kết án hình sự. Báo cáo còn lưu ý rằng những hạn chế như vậy ảnh hưởng không nhỏ đến các sắc tộc thiểu số.
Báo cáo của ODIHR cho biết “nhiều nhà quan sát” bày tỏ lo ngại nghiêm trọng rằng tính hợp pháp của cuộc bầu cử sẽ bị nghi ngờ khi mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump “nhiều lần cáo buộc về gian lận trong quy trình bầu cử,” đặc biệt liên quan đến bỏ phiếu qua thư. Tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố, dù không có bằng chứng, rằng việc sử dụng rộng rãi các lá phiếu gửi qua đường bưu điện sẽ dẫn đến gian lận bầu cử. Ông cũng tuyên bố rằng Cơ quan Bưu chính Hoa Kỳ (USPS) không thể cáng đáng gánh nặng ngày càng tăng trong việc chuyển các lá phiếu qua đường bưu điện.
Một vấn đề khác là tài chính trong bầu cử. Các nhà quan sát của bà Gacek lưu ý rằng Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC), cơ quan giám sát việc chi tiêu các chiến dịch vận động tranh cử , hiện không thể đưa ra quyết định hoặc đưa ra ý kiến tư vấn bởi vì, kể từ tháng 7, FEC thiếu số thành viên tối thiểu để đưa ra quyết định về các hoạt động của tổ chức này.
Sau nhiều năm thiếu nhân sự, hiện ủy ban FEC có hàng trăm trường hợp tồn đọng cần điều tra.
Không có cuộc bầu cử nào hoàn hảo
Cuối cùng, báo cáo lưu ý rằng bối cảnh truyền thông đang phân cực, cả trên truyền thông truyền thống và mạng xã hội. Bất chấp những hành động của các quản trị viên mạng xã hội nhằm chống lại những thông tin sai lệch, nhiều nhà quan sát cho biết họ vẫn lo ngại về những thông tin sai sự thật đang lan tràn trên mạng.
Nhóm của bà Gacek sẽ đánh giá cuộc bỏ phiếu vào ngày 3/11 và lưu lại Hoa Kỳ thêm khoảng một tuần để quan sát bất kỳ điều gì xảy ra tiếp theo. Sau đó, từ châu Âu, họ sẽ dành hai tháng nữa để tập hợp một báo cáo cuối cùng và sẽ công bố báo cáo này vào khoảng tháng 1/2021 — ngay khoảng thời gian tân Tổng thống của Hoa Kỳ tuyên bố nhậm chức.
Bà Katya Andrusz, phát ngôn viên của ODIHR có trụ sở tại Warsaw cho biết, dù kết quả bầu cử Mỹ như thế nào đi nữa, báo cáo của các quan sát viên có ý nghĩa hữu ích chứ không chỉ trích hay vì mục đích chỉ trích.
Bà Andrusz nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “Đôi khi tôi có cảm giác rằng mọi người có ý nghĩa này rằng những người quan sát. . . đi đến các điểm bỏ phiếu, vẫy ngón tay lên xuống và nói rằng quý vị thực hiện bầu cử không tốt.”
Bà cho biết các nhóm quan sát luôn đề nghị được quay trở lại sau khi viết xong báo cáo để trình bày các khuyến nghị và giúp đỡ việc thực hiện, nếu được yêu cầu.
Bà nói, mục tiêu là cải thiện quy trình bầu cử trong thời gian tới.
“Không có cuộc bầu cử nào là hoàn hảo,” bà nói. “Chúng tôi không đến đó để chỉ trích, mà để giúp các quốc gia và chính quyền cải thiện quy trình bầu cử vì lợi ích của công dân của mình.”
OSCE và Hoa Kỳ
Kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2000 - khi ấy quyết định kết quả thắng cuộc giữa hai ứng viên George W. Bush và Al Gore phải đưa đến Tòa án Tối cao giải quyết - cho đến nay, Hoa Kỳ liên tiếp mời các quan sát viên OSCE đến quan sát. Hoa Kỳ, đồng thời cũng là một thành viên của OSCE.
Sau cuộc bầu cử 2000, theo lời mời của chính phủ Hoa Kỳ, OSCE đã cử các nhóm quan sát cho mọi cuộc bầu cử tổng thống và giữa nhiệm kỳ của Hoa Kỳ kể từ năm 2002 cho đến nay.
OSCE gồm nhóm 57 quốc gia thành viên đến từ Bắc Mỹ, châu Âu và Nam Á, trong đó có 4/5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ (Anh, Mỹ, Nga, Pháp), được thành lập từ năm 1975, với tên gọi ban đầu là Hội nghị về An ninh và Hợp tác Châu Âu (CSCE), và từ năm 1994 đổi tên thành Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) như ngày nay.
OSCE là một tổ chức hợp tác toàn diện về an ninh khu vực, trong đó có ngăn ngừa xung đột, giải quyết khủng hoảng và tái thiết hậu xung đột. LHQ trao quy chế quan sát viên cho OSCE và ký Thỏa thuận khung Hợp tác và Phối hợp với OSCE năm 1993. HĐBA LHQ nghe báo cáo của Chủ tịch OSCE lần đầu tiên năm 2004 và duy trì cơ chế định kỳ hàng năm.
OSCE đã theo dõi các cuộc bầu cử của Hoa Kỳ trong gần hai thập kỷ. Nhiệm vụ của OSCE là đánh giá xem các cuộc bầu cử có được tổ chức theo các cam kết của OSCE mà Hoa Kỳ là một thành viên từ năm 1975 và các nghĩa vụ và tiêu chuẩn quốc tế khác về bầu cử dân chủ hay không, cũng như các cuộc bầu này phù hợp với luật pháp quốc gia.
Trong bức thư mời OSEC quan sát cuộc bầu cử Hoa Kỳ 2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng trách nhiệm tổ chức bầu cử phần lớn thuộc về các chính quyền địa phương và chính quyền bang, do đó, Bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các phái đoàn quan sát bầu cử của OSEC và sẽ hỗ trợ ODIHR trong nỗ lực liên hệ với các quan chức bầu cử cấp bang và địa phương để họ tạo điều kiện tốt hơn.
Bức thư viết: “Hoa Kỳ đánh giá cao công việc quan trọng của OSCE nhằm thúc đẩy các cuộc bầu cử tự do và công bằng trong toàn khu vực OSCE. Chúng tôi hoan nghênh việc OSCE theo dõi các cuộc bầu cử của chúng tôi như một cơ hội để thể hiện sự tôn trọng của Hoa Kỳ đối với các nghĩa vụ quốc tế liên quan và các cam kết của OSCE.”
Dưới thời Trump, quan hệ Mỹ- Việt được mở rộng hơn
Thanh Phương - RFI - 02/11/2020
Trong bốn năm dưới thời tổng thống Donald Trump, chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đã có nhiều thay đổi lớn, nhưng quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam nói chung vẫn đi theo hướng được mở rộng thêm, thậm chí hiệu quả hơn và có thực chất hơn, theo nhận định của nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 22/10/2020.
RFI : Thưa ông Lê Hồng Hiệp, trong bốn năm dưới sự lãnh đạo của tổng thống Trump, quan hệ Mỹ- Việt đã có những thay đổi gì đáng kể về chiến lược, an ninh, cũng như về kinh tế?
Lê Hồng Hiệp : Năm nay, Mỹ và Việt Nam kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong 25 năm qua, quan hệ song phương đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ, ngày càng có thực chất hơn. Nhất là trong 4 năm vừa qua, dưới thời tổng thống Donald Trump, quan hệ song phương đã có những bước tiến đáng kể. Các hoạt động hợp tác giữa hai bên ngày càng có thực chất, đặc biệt là về hợp tác chiến lược, hợp tác an ninh-quốc phòng, cũng như là hai bên có sự tương đồng ngày càng lớn về các lợi ích chiến lược, đặc biệt là trên vấn đề Biển Đông, hay cách ứng phó với Trung Quốc, nhất là trong việc Mỹ hỗ trợ các quan điểm, lập trường của Việt Nam về Biển Đông, hay các trợ giúp của Mỹ để Việt Nam xây dựng năng lực quốc phòng.
Trong năm 2017, Mỹ đã cấp cho Việt Nam 6 xuồng tuần tra Metal Shark, cùng với một tàu của tuần duyên Hoa Kỳ. Sau đấy, Philip Davidson, chỉ huy của Bộ chỉ huy Ấn Độ-Thái Bình Dương, cũng nói là Việt Nam đang chuẩn bị mua các trang thiết bị của Hoa Kỳ, như máy bay không người lái, hay máy bay huấn luyện, và Mỹ sẽ tiếp tục chuyển giao cho Việt Nam các tàu tuần duyên mới.
Những hoạt động này cho thấy quan hệ giữa hai bên về chiến lược, về hợp tác quốc phòng càng ngày càng được mở rộng. Có thể coi đó là một trong những điểm nhấn của quan hệ song phương trong 4 năm vừa qua.
Bên cạnh đó, về mặt kinh tế, có thể nói là trong giai đoạn đầu đã có một số nghi ngờ, nhất là khi chính quyền Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp định TPP. Nhưng trên thực tế, trong 4 năm qua, quan hệ kinh tế giữa hai nước tiếp tục phát triển rất mạnh.
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 23 hay 24% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong năm 2019, trao đổi thương mại giữa hai bên đã lên đến gần 76 tỷ đôla, mà đặc biệt là trong đó Việt Nam xuất sang Mỹ tới 61,3 tỷ đôla. Trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tiếp tục ngày càng tăng. Bên cạnh đó, có nhiều công ty Mỹ, kể cả các tập đoàn lớn như Apple, đã tính đến việc mở rộng sản xuất và đầu tư vào Việt Nam.
Tất nhiên là cũng có những thách thức nhất định, ví dụ như vừa rồi phía Mỹ điều tra về cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ hay đã áp thuế chống bán phá giá đối với một số mặt hàng của Việt Nam. Tuy nhiên, theo tôi đó là một trong những biểu hiện bình thường trong bối cảnh Việt Nam đang xuất siêu với Mỹ rất nhiều.
RFI : Riêng về Biển Đông, trước đây, tổng thống Obama đã đề ra chiến lược « xoay trục » sang châu Á. Đến thời tổng thống Donald Trump, Mỹ vẫn theo chiến lược đó và đã tỏ ra kiên quyết hơn với Trung Quốc trên vấn đề chủ quyền, đầy mạnh tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở vùng biển này. Chiến lược đó có những tác động gì đối với Việt Nam ?
Lê Hồng Hiệp : Dưới thời Obama, như anh có nói, họ đã có một số điều chỉnh để ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, và trong sự điều chỉnh ấy, họ có chú ý nhiều hơn đến Biển Đông. Tuy nhiên, các chuyển biến ấy còn dè dặt, tương đối còn mang tính chất thăm dò, chưa có những bước đi mạnh mẽ như dưới thời ông Donald Trump.
Dưới thời Trump, chính sách của Mỹ ngày càng cứng rắn hơn với Trung Quốc nói chung và về Biển Đông nói riêng, thể hiện ở nhiều khía cạnh. Thứ nhất là về mặt chiến lược, Mỹ đã xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh hàng đầu và họ tung ra chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương « tự do và rộng mở », trong đó nhấn mạnh đến nguyên tắc « tự do hàng hải », thúc đẩy sự can dự của Mỹ vào vấn đề Biển Đông.
Họ cũng mạnh mẽ hơn về luận điệu, với các tuyên bố khác nhau của chính quyền Trump về Biển Đông, theo hướng bác bỏ các yêu sách phi lý của Trung Quốc, hay ủng hộ các nguyên tắc về pháp quyền, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Ngoài ra, họ cũng mạnh mẽ hơn về hành động, chẳng hạn số lượng các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trong 4 năm qua lớn hơn rất là nhiều so với thời kỳ Obama : năm 2018 có 5 lần tuần tra, 2019 có đến 9 lần tuần tra, trong đó có những lần đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh các thực thể mà Trung Quốc quản lý.
Những ví dụ đấy đều cho thấy tính hiệu quả, mạnh mẽ và kiên quyết hơn của chính quyền Trump. Tuy nhiên, nói một cách công bằng thì được như thế, đó là do có tiền đề, nền tảng từ thời Obama. Vào thời Obama thì quan hệ song phương, cũng như hợp tác về Biển Đông đã có những bước đi tạo tiền đề cho 4 năm vừa qua. Ví dụ như năm 2013, hai nước đã thiết lập Quan hệ Đối tác Toàn diện. Đến năm 2016, chính quyền Obama cũng đã dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam
RFI : Chính sách cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc nói chung và trên vấn đề Biển Đông nói riêng dưới thời Trump có lợi gì cho Việt Nam hay không, trong lúc mà Hà Nội cũng phải cân bằng quan hệ với Trung Quốc ?
Lê Hồng Hiệp : Với sự can dự sâu hơn của Mỹ vào vấn đề Biển Đông và sự ủng hộ lớn hơn của Mỹ dành cho Việt Nam trên vấn đề Biển Đông trong thời gian qua thì có lợi rất nhiều cho Việt Nam so với các tác động tiêu cực, cụ thể là Việt Nam đã có thêm một đồng minh trong vấn đề Biển Đông. Họ là một đồng minh rất mạnh, có ý chí chính trị trong việc kềm chế Trung Quốc và có năng lực để thực thi chiến lược đó.
Đương nhiên, có thách thức là mặc dù trong 4 năm qua, Mỹ đã có những bước đi ngày càng quyết liệt như vậy trên vấn đề Biển Đông, nhưng trên thực tế thì dường như sự hung hăng, sự lấn lướt của Trung Quốc chưa giảm đi nhiều. Trung Quốc tiếp tục gây sức ép với Việt Nam trên Biển Đông trong 4 năm qua.
Tuy nhiên, phải chờ thêm thời gian để biết kết quả trên thực tế của chính sách đó. Tôi cho rằng nếu Mỹ liên tục gây sức ép như vậy, Trung Quốc sẽ chịu nhiều áp lực, trong nước cũng như ngoài nước, khiến họ có thể bị phân tâm, không thể duy trì sức ép liên tục với Việt Nam trong thời gian dài.
Một tác động tiềm tàng, có thể mang tính tiêu cực, đó là nếu như Việt Nam tiếp tục xích gần lại Mỹ trong hợp tác quốc phòng, an ninh, trên vấn đề Biển Đông, thì cũng có người cho rằng Trung Quốc sẽ có phản ứng và gây áp lực với Việt Nam. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp đó thì chúng ta cũng không có sự lựa chọn nào hơn là phải tăng cường hợp tác với Mỹ, tại vì nếu như Việt Nam không xích lại gần Mỹ, không hợp tác với Mỹ, thì không có gì bảo đảm là Trung Quốc sẽ mềm mỏng hay buông tha cho Việt Nam.
Việt Nam nếu không hành động và tìm kiếm các đối tác đồng minh để chia sẽ các áp lực đó, thì Việt Nam sẽ càng ngày gặp bất lợi hơn. Trong thời gian 4 năm tới, dù là dưới sự lãnh đạo của ông Trump tái cử hay của ông Biden, thì Việt Nam cũng phải củng cố quan hệ với Mỹ. Bên cạnh đó phải xây dựng năng lực trong nước để thúc đẩy sự tự cường, đồng thời phải đa phương hóa và đa dạng hóa các quan hệ để có thể tận dụng được càng nhiều nguồn lực từ bên ngoài càng tốt, để có thể ứng phó với Trung Quốc, nhưng vẫn không quá phụ thuộc vào Mỹ, qua đó giúp Việt Nam giữ được sự chủ động, sự tự chủ về chiến lược.
Tôi thấy trong thời gian qua, Việt Nam đã tăng cường quan hệ với Nhật, Ấn Độ, Úc, EU (Liên Hiệp Châu Âu) và Anh. Tất cả những bước đi ấy là hoàn toàn cần thiết, nhưng không thể thay thế được việc Việt Nam tăng cường quan hệ với Mỹ. Nếu như Việt Nam có thể khéo léo khai thác quan hệ với Mỹ, cũng như với các đối tác khác, đồng minh của Mỹ, thì Việt Nam sẽ có một vị thế tốt hơn trong việc ứng phó với áp lực ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông.