Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 3/22/2011(UTC) Posts: 3,194
Thanks: 326 times Was thanked: 364 time(s) in 256 post(s)
|
Tin Tổng Hợp
ĐTC công bố đề tài Ngày Quốc Tế giới trẻ tại Lisboa 2022
6/23/2019 4:42:29 PM
ĐTC công bố đề tài Ngày Quốc Tế giới trẻ năm 2022 tại Lisboa, Bồ đào nha, là ”Đức Maria đứng dậy và vội vã lên đường” (Luca 1,39).

Ngài tuyên bố như trên trong buổi tiếp kiến 350 bạn trẻ, trong đó có 250 đại biểu trẻ đến từ 109 quốc gia, vừa kết thúc Diễn đàn giới trẻ quốc tế lần thứ 11, do Bộ giáo dân, gia đình và sự sống, tổ chức trong 3 ngày qua (19-22/6) tại trung tâm của dòng Camêlô ở Ciampino gần Roma, với mục đích thăng tiến việc thực thi Thượng HĐGM năm 2018 về đề tài ”Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi”. Trong số các tham dự viên có 1 người Việt là anh Lưu Văn Tính, thuộc Giáo phận Sàigòn.
Đề tài cho hai năm chuẩn bị
ĐTC cho biết trong cuộc lữ hành liên đại lục của các bạn trẻ, ngài đã chọn đề tài vừa nói. Và trong 2 năm trước Ngày Quốc Tế giới trẻ tại Lisboa, ngài mời gọi giới trẻ suy tư về các câu Kinh Thánh: ”Hỡi người trẻ, tôi nói với anh, hãy đứng dậy! (Luca 7,14) và câu Chúa nói trong sách Tông đồ công vụ đoạn 26 câu 16: ”Hãy đứng lên, Ta đặt ngươi làm chứng nhân về những gì ngươi đã thấy”.
Hòa hợp tiến trình chuẩn bị GMG và hậu Thượng HĐGM
ĐTC nói: ”Qua những điều đó, tôi cũng muốn lần này có một sự hòa hợp lớn giữa hành trình tiến về Ngày Quốc Tế giới trẻ ở Lisboa và hành trình sau Thượng HĐGM về giới trẻ. Các bạn đừng làm ngơ không nghe tiếng Chúa đang thúc đẩy các bạn đứng lên và đi theo những con đường Chúa đã chuẩn bị cho các bạn. Như Mẹ Maria và cùng với Mẹ, mỗi ngày các bạn hãy trở thành những người mang niềm vui của Chúa và tình thương của Người”.
Những người trẻ như các môn đệ trên đường Emmaus
Trước đó, trong phần đầu của bài huấn dụ, ĐTC ví các bạn trẻ vừa tham dự Diễn đàn quốc tế giới trẻ như những môn đệ trên đường Emmaus, được mời gọi mang ánh sáng của Chúa Kitô vào trong đêm đen của thế giới. Ngài nói: ”Các bạn trẻ thân mến, các bạn được kêu gọi trở thành ánh sáng trong đêm đen của bao nhiêu người đồng lứa tuổi chưa được biết niềm vui của đời sống mới trong Chúa Giêsu”.
Chia sẻ niềm vui cứu độ với tha nhân
ĐTC nhận xét rằng ”niềm vui mà chúng ta không chia sẻ với người khác thì không phải là niềm vui chân thực... Chúng ta đặc biệt gặp gỡ Chúa Giêsu trong cộng đoàn và qua những nẻo đường thế giới. Hễ chúng ta càng mang Chúa đến cho tha nhân, thì chúng ta càng cảm thấy sự hiện diện của Chúa trong đời sống chúng ta. Và tôi chắc chắn rằng các bạn sẽ làm điều đó khi các bạn trở về nguyên quán của mình... và như các bạn biết, ngọn lửa, để không tắt ngúm, nó phải lan ra, phải trải rộng. Vì thế các bạn hãy nuôi dưỡng và làm lan rộng ngọn cửa Chúa Kitô ở trong tâm hồn các bạn!”
Diễn đàn giới trẻ quốc tế XI
Diễn đàn Quốc tế giới trẻ đã khai diễn từ ngày 19-6-2019, với chủ đề là ”Hành trình Thượng HĐGM về giới trẻ và ảnh hưởng của sinh hoạt này trong các giáo hội địa phương”.
Hiện diện trong diễn đàn này cũng có ĐHY Kevin Farell, Bộ trưởng Bộ giáo dân, gia đình và sự sống, cũng như của ĐHY Baldisseri, Tổng thư ký Thượng HĐGM, cha Giacomo Costa, Tổng thư ký đặc biệt của Thượng HĐGM về giới trẻ đã thuyết trình. Trong những ngày họp, các bạn trẻ đã lắng nghe các chuyên gia và các bạn trẻ khác, rồi có những cuộc hội thảo và trao đổi trong các nhóm.
G. Trần Đức Anh OP (VaticanNews 22.06.2019)
Linh mục Venezuela dâng lễ thu hút như siêu sao ca nhạc
6/22/2019 6:09:01 PM
http://www.vietcatholic.net/News/Html/251032.htm
Cha Luis Antonio Salazar, linh mục Dòng Anh Em Hèn Mọn đã rất nổi tiếng sau khi xây dựng một mạng xã hội để rao giảng Kinh Thánh trên Instagram.
 Ngài còn nổi tiếng hơn nữa sau khi tham gia vào các cuộc biểu tình chống tên độc tài Nicolás Maduro và công khai ủng hộ cho lãnh tụ đối lập Juan Guaido. Ngài tham gia các cuộc biểu tình chống chính phủ trong lớp áo dòng của mình. Người ta có thể thấy ngài ban phép lành cho những người biểu tình; và một lúc sau cũng có thể thấy cảnh ngài bị cảnh sát rượt chạy chung với người dân.
Cha Salazar nói:
“Nếu mọi người ra đường, bạn cũng phải ra đường với họ. Như thế, mới gọi là đồng hành”.
Cha Salazar được kể là một người rất đẹp trai. Thực tế là ngài đã từng tham gia vào cuộc thi sắc đẹp dành cho nam giới tại Caracas trước khi đi tu.
Hai năm trước đây, cha Salazar đã bắt đầu sử dụng iPhone của mình để quay một loạt video với tên gọi là “Sống Phúc Âm” một chương trình truyền hình hiện đại về thần học phát vào mỗi thứ Bảy, lôi cuốn hơn 30,000 người theo dõi trên Instagram.
Các video của ngài thường dài không quá một phút thảo luận về một loạt các đề tài như sự bình an nội tâm, cuộc thương khó Chúa Kitô, tội lỗi. Gần đây hơn là các đề tài về công lý và hòa bình cũng như sự tham gia vào cuộc sống chính trị của người Công Giáo.
Các thánh lễ về công lý và hòa bình của ngài mỗi cuối tuần lôi cuốn hàng ngàn những người trẻ là những người thích được chụp hình selfie chung với ngài sau các thánh lễ.

Carol Alvarez, 23 tuổi, sinh viên, người phải cuốc bộ mỗi tuần hơn 10km để tham dự các thánh lễ của cha Salazar trong một nhà thờ treo đầy các ảnh tượng Đức Mẹ, nói.
“Đối với tôi, ngài là linh mục siêu sao nhạc rock, vị linh mục của ngàn năm mới này”
Đặng Tự Do (vietcatholic 22.06.2019/ Aleteia)
Thánh giá Hòa bình Bladensburg không bị di dời
6/22/2019 12:22:14 AM
Hôm thứ năm 20.05 (2019), Tối cao pháp viện của Hoa Kỳ tuyên bố rằng Thánh giá Hòa bình Bladensburg, một di tích tưởng niệm chiến tranh có hình Thánh giá lớn được dựng trên đất công, là hợp hiến.
 Thánh giá Hòa bình Bladensburg
Đài tưởng niệm Chiến tranh Thế giới thứ nhất ở Bladensburg thường được gọi là Thánh giá Hòa bình, nằm ở ngã ba đường Bladensburg, Đại lộ Baltimore và Đường Annapolis ở Bladensburg, Maryland. Nó là một cây thánh giá lớn, cao 12 mét, bằng bê tông và ốp đá granit màu hồng.
Đài tưởng niệm được xây dựng vào năm 1925 để vinh danh các quân nhân địa phương tử trận trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Hiện tại, quận Prince George, nơi có di tích này, vẫn duy trì khu vực di tích. Hiệp hội Nhân văn Hoa Kỳ cho rằng điều này là một vướng mắc của chính phủ vào tôn giáo.
Không vi phạm hiến pháp
Với tỷ lệ 7 phiếu thuận trên 2 phiếu chống, Tối cao pháp viện tuyên bố rằng Thánh giá này không vi phạm Điều khoản thành lập của Bản Tu chính thứ nhất và có thể vẫn được ở nguyên vị trí cũ, trên đất công cộng, và được bảo trì từ nguồn quỹ công.
Tối cao pháp viện đã lật ngược quyết định trước đây của Tòa án Khu vực IV, đã cho rằng đài tưởng niệm này không hợp hiến vì nó là biểu tượng tôn giáo rõ rệt.
Tòa tối cáo cũng quyết định rằng dỡ bỏ một di tích lâu đời như Thánh giá Hòa bình “có thể không còn là trung lập, đặc biệt là đối với cộng đồng địa phương mà nó có ý nghĩa đặc biệt”.
Biểu tượng tôn giáo là một phần quan trọng trong lịch sử và văn hóa của đất nước
Ông Luke Goodrich, phó chủ tịch và cố vấn cho Quỹ Becket vì Tự do Tôn giáo, nhận định: “Tòa án Tối cao đã đúng khi nhìn nhận rằng các biểu tượng tôn giáo là một phần quan trọng trong lịch sử và văn hóa của đất nước chúng ta.”
Andrea Piccotti-Bayer, cố vấn pháp luật cho Hiệp hội Công giáo, một tổ chức bảo vệ tự do tôn giáo, sự sống và Giáo hội tại nơi công cộng, ca ngợi quyết định của Tòa Tối cao là hợp lý và rõ ràng. Ông nói: “Hiến pháp không buộc loại bỏ các biểu tượng vĩ đại của sự đa tôn giáo của Mỹ khỏi nơi công cộng”.
Hồng Thủy (VaticanNews 21.06.2019)
Palestine bác bỏ giải pháp phát triển kinh tế để tạo hòa bình của con rể TT Trump
June 23, 2019

Cố Vấn Tòa Bạch Ốc Jared Kushner. (Hình: AP Photo/Susan Walsh, File)
GAZA CITY, Gaza Strip (NV) – Các giới chức chức lãnh đạo Palestine hôm Thứ Bảy, 22 Tháng Sáu, bác bỏ đề nghị phát triển kinh tế lớn lao do ông Jared Kushner, cố vấn và cũng là con rể Tổng Thống Donald Trump đưa ra, vốn được coi là phần đầu của toàn bộ kế hoạch hòa bình Trung Đông.
Một nhân vật cao cấp trong Tổ Chức Giải Phóng Palestine (PLO), bà Hanan Ashrawi , nói rằng kế hoạch của ông Kushner “toàn là những hứa hẹn mơ hồ” và chỉ có một giải pháp chính trị mới giải quyết được cuộc tranh chấp giữa Palestine và Israel, theo bản tin hãng thông tấn Reuters.
Hamas, lực lượng dân quân Hồi Giáo hiện đang kiểm soát dải Gaza, có thái độ mạnh mẽ hơn, nói thẳng rằng: “Palestine không là món hàng để bán”.
Ông Kushner đưa ra chương trình kinh tế trị giá $50 tỉ cho vùng Trung Đông, theo đó đề nghị tạo ra một quỹ đầu tư quốc tế để cải thiện nền kinh tế của Palestine cũng như của các quốc gia Ả Rập khác trong vùng, theo các giới chức Mỹ cũng như từ các tài liệu mà Reuters đọc được.
Một trong những đề nghị đó là xây dựng một hành lang vận chuyển, trị giá $5 tỉ, nối vùng West Bank và Dải Gaza.
Kế hoạch gọi là “hòa bình tới thịnh vượng” này dự trù sẽ được ông Kushner trình bày trước một hội nghị quốc tế ở Bahrainn vào tuần tới.
Ông Kushner nói với hãng thông tấn Reuters rằng các nhà lãnh đạo Palestine nên xem xét kỹ càng đề nghị này.
“Đây sẽ là ‘Cơ Hội của Thế Kỷ’ nếu họ có can đảm để theo đuổi việc này,” cũng theo ông Kushner.
Tuy nhiên, bà Ashrawi, một thương thuyết gia lâu năm của Palestine và thành viên hội đồng điều hành PLO, nói rằng chỉ có một giải pháp chính trị theo đó chấm dứt việc Israel chiếm đóng những nơi trong vùng Lãnh Thổ Palestine, mới giải quyết được cuộc đối đầu hiện nay.
Từ thành phố Ramallah ở West Bank, bà Ashrawi nói: “Nếu họ thật sự quan tâm đến nền kinh tế của Palestine, họ có thể khởi sự bằng cách chấm dứt việc phong tỏa Gaza, chặn không cho Israel lấy tiền cũng như tài nguyên của chúng tôi, đất đai của chúng tôi, mở không phận và biên giới của chúng tôi, để chúng tôi có thể tự do xuất và nhập cảng.”
Bà cho rằng lập trường của chính phủ Tổng Thống Trump là “hoàn toàn sai lầm”. Bà nói thêm: “Họ có thể chấm dứt tình trạng chiếm đóng, vốn là điều kiện căn bản nhất cho sự thịnh vượng. Không thể nào có sự thịnh vượng ở nơi bị chiếm đóng.”
Không một giới chức nào thuộc tổ chức PLO của Tổng Thống Palestine Mahmoud Abbas sẽ tham dự cuộc họp ở Bahrain. Tòa Bạch Ốc nói sẽ không mời chính phủ Israel tham dự vì phía Palestine không có mặt.
Tại Gaza, một giới chức Hamas, ông Ismail Rudwan, cũng bác bỏ đề nghị của ông Kushner.
Nhóm Hamas là đối thủ quan trọng nhất của ông Abbas, người có cứ địa tại West Bank. Tuy nhiên cả hai đều đồng ý không chấp nhận đề nghị của chính phủ Donald Trump.
“Chúng tôi bác bỏ cái gọi là ‘thỏa thuận của thế kỷ’ này, cùng với mọi góc độ, kinh tế, chính trị và an ninh,” ông Rudwan nói với hãng thông tấn Reuters.
“Vấn đề của người dân Palestine chúng tôi là vấn đề quốc gia, đây là vấn đề của một dân tộc đang tìm cách thoát khỏi sự chiếm đóng. Palestine không là món hàng để bán, và không là điều để mặc cả. Palestine là một vùng đất thiêng liêng và không có giải pháp nào khác cho việc chiếm đóng, ngoài việc rút đi,” theo lời ông Rudwan.
(V.Giang)
Vài nét về lực lượng quân đội Iran nếu phải đối đầu với Mỹ
June 23, 2019

Photo Credit: US Navy Washington Post – Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Iran gia tăng đến độ giờ đây chiến tranh có thể xảy ra bất cứ khi nào, sau khi Iran bắn hạ một máy bay trinh sát không người lái tối tân của Hoa Kỳ.
Quân đội Hoa Kỳ hơn hẳn Iran về mọi mặt, nhưng nếu chạm trán, các chuyên gia quân sự vẫn nghĩ Iran có thể gây thiệt hại ‘đau đớn có giới hạn’ cho Hoa Kỳ. Tổng số quân nhân của Iran là hơn 700,000 người, kể cả số quân 350,000 ngưòi được xem là quy ước, theo tài liệu của báo cáo Congressional Reseach Servce (CRS) của Hoa Kỳ công bố trong tháng 5.
Nhưng quân số này không kể số quân 125,000 người của Vệ Binh Cách Mạng Iran (IRGC), lực lượng tinh nhuệ này còn có 20,000 quân nhân trong Hải Quân Iran nữa.
Chính đạo quân IRGC này luôn tìm cách gây hấn với Hoa Kỳ, chính phủ Mỹ tuyên bố xem IRCG là nhóm khủng bố trong tháng 4 năm nay và cũng chính lực lượng này đã bắn hạ chiếc máy bay drone RQ-4 Global Hawk mới đây.
Tuy Trung tâm CSIS của Hoa Kỳ trong báo cáo năm 2018 của họ đánh giá ‘nhiều vũ khí của Iran lỗi thời, cồng kềnh và có phẩm chất kém’ thì CSIS vẫn thừa nhận ‘Tehran có hỏa tiễn đường dài và hỏa tiễn tầm du, hệ thống phòng không tinh xảo’ và sử dụng các lực lượng thân cận ngoại quốc ‘không thể xem thường’ được.

Ngoài các hỏa tiễn phòng không S-300 có thể bay cao 15 dặm, Iran còn có 300 chiến đấu cơ, nhưng kém hẳn Hoa kỳ, vì chỉ là Mig-29 và Su-24 ném bom, thậm chí cả F-4 đã mua của Mỹ trước năm 1979. Iran có trên 100 chiến hạm nhưng hơn phân nữa là loại nhỏ.
Đào Nguyên
Viễn Kiến Của Tổng Thống Trump
Vũ Linh 06/22/2019

Mandatory Credit: Photo by Andrew
Harnik/AP/REX/Shutterstock (10095146aq) President Donald Trump delivers his State of the Union address to a joint session of Congress on Capitol Hill in Washington, as Vice President Mike Pence watchrd State of Union, Washington, USA - 05 Feb 2019
Đọc báo hay coi TV thời gian qua, ai cũng thấy trong lịch sử chính trường Mỹ chưa bao giờ lại có cảnh bát nháo, loạn đả như trong hai năm qua, từ ngày ông Trump lên làm tổng thống. Chưa bao giờ nước Mỹ bị phân hóa nặng như bây giờ.
Tình trạng này bảo đảm các sử gia và học giả trong tương lai sẽ tốn rất nhiều mực và nước miếng.
Người Mỹ có câu “cần hai người mới nhẩy tango được”. Trách nhiệm trong việc tạo phân hoá chưa từng thấy trong chính trường Mỹ hiện nay đến từ cả hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa, từ các dân biểu, nghị sĩ cho đến tổng thống, và cả truyền thông luôn. Truyền thông trên nguyên tắc là một thứ ‘lực lượng thứ ba’ trung lập, nhưng trên thực tế đã gắn chặt với phe cấp tiến DC, nên tuy hai mà một, nên chỉ có hai phe nhẩy tango là CH và cấp tiến.
Nói nhẩy tango với nhau nghe có vẻ vui vẻ, thân thiện, nhưng phải nói là một cuộc nội chiến một sống một còn thì mới đúng. Mà cũng chỉ là một tiếp nối trầm trọng hơn của tình trạng dưới thời Obama là người mà Washington Post đã phong chức ‘tổng thống tạo phân hóa nhất lịch sử’.
Thái độ chống TT Trump hiện nay của phe DC có vẻ như là thái độ của một người thua cuộc không quân tử, không chấp nhận thua một cách sòng phẳng, tìm mọi cách để xóa bàn cờ, chơi lại.
Công bằng hơn, vấn đề không giản dị như vậy. Đây không phải là lần đầu tiên phe DC thua cuộc. Vậy tại sao bây giờ lại ‘dở chứng’ chống mạnh như vậy? Câu hỏi là TT Trump đã và đang làm gì để bị chống phá tàn bạo như vậy? Nhìn về phiá TT Trump, ta thấy ngay một tổng thống quả thực… không giống bất cứ một tổng thống nào khác trong lịch sử Mỹ.
TT Trump tuy là một cụ cổ lai hy nhưng lại có ‘sinh lực’ của một thanh niên tuổi đôi mươi, chưa giải quyết xong chuyện này đã ôm đồm thêm năm bẩy việc khác, 3 giờ sáng vẫn tuýt qua tuýt lại để rồi 8 giờ sáng họp nội các tỉnh bơ sau khi làm một ly cà phê Mỹ nhạt hơn nước rau muống, hung hãn tả xông hữu đột, đánh đấm tứ bề chẳng chừa ai. Không phải vô cớ mà ông ta dám gọi ông Jeb Bush là “low energy Jeb” và ông Joe Biden là “sleepy Joe”.
Cái luồng sinh lực đó lây chuyền qua tất cả mọi người chung quanh, khiến khó ai có thể ngủ gật bên cạnh ông: chống thì chống tới mù quáng, ủng hộ thì cũng ủng hộ tối tăm mặt mũi. Từ đó sinh ra bệnh ‘cuồng’, là một hiện tượng chưa từng có. Trước đây chẳng ai cuồng mê hay cuồng chống Obama, Bush hay Clinton. Bây giờ thì hầu như ai cũng đâm ra cuồng hết, không cuồng chống thì cuồng mê! Cách hành xử của TT Trump lại cực luộm thuộm, đưa vào tay các đối thủ đủ kiểu súng đạn để bắn mình.
Người ta tố ông bất nhất, nay làm chuyện này mai làm ngược lại, nói láo tỉnh queo, tuýt vung vít, huyênh hoang phóng đại đủ chuyện tốt cho mình và xấu cho đối thủ, coi thiên hạ như ruồi, từ đối thủ đến đồng minh và phụ tá, bất cần mọi cung cách hành xử cổ điển trong khuôn phép,… Người ta cũng chỉ trích TT Trump ăn nói hoàn toàn ngoài ‘phong cách’ tiêu biểu của chính trị gia, dùng ngôn ngữ bình dân nhất, gọi là ngôn ngữ chợ búa, không có tư cách của một quốc trưởng.
Đã vậy, lại còn cái ‘tật’ là ưa nói toạc móng heo. Mới đây, ông tuyên bố tỉnh bơ nếu có người ngoại quốc nào muốn cung cấp tin xấu về đối thủ, ông sẽ lắng tai nghe ngay. Tuy có thể chân thật vì là chuyện tất cả mọi chính khách, kể cả bà Hillary và ông Obama đều đã làm, nhưng lại là tặng cho đối thủ cơ hội nhẩy bổ vào công kích “Trump công khai mời ngoại quốc can dự vào chính trị Mỹ, phản quốc!”.
Tóm lại, cách xử thế của TT Trump, khó ai có thể chối cãi, quả là luộm thuộm, đầy sai sót để có thể bị chê trách, tấn công, tuy khó biết được những sai lầm này thật ra là sai lầm thật hay lại là những khiêu khích có chủ đích của ông thần Trump.
Một người mà tư cách có nhiều vấn đề như vậy, tại sao lại có một nửa nước Mỹ hoan hô? Câu trả lời rất rõ cho những người mắt mở. Tại vì cái nửa nước Mỹ đó hiểu được đâu là diện đâu là điểm, đâu là chuyện lớn đâu là chuyện nhỏ. Tại vì họ nhìn vào cuộc sống của họ, vào niềm tin tôn giáo của họ, công ăn việc làm của họ, bảo hiểm y tế của gia đình họ, an toàn không bị khủng bố đe dọa họ. Tại vì họ chán ngán cảnh đại cường Mỹ càng ngày càng hèn yếu trên thế giới, gập người xin lỗi cả những tay độc tài nhí và khủng bố điên.
Tại vì họ nhìn vào kết quả của việc làm chứ không nhìn vào cách làm. Tại vì họ nhìn vào bức tranh chiến lược lớn chứ không nhìn vào cá nhân con người Trump. Trump đến rồi đi, who cares? Trump có thất cử năm tới cũng chẳng ai dọn nhà đi Congo như trước đây đã có nhiều người bốc phét dọa đi Zimbabwe nếu Trump đắc cử. Trong khi cuộc sống của họ vẫn còn đó cho tới khi họ chết, hay xa hơn nữa, cuộc sống của con cháu họ vẫn còn đó. Họ sống trong cái an toàn tinh thần và vật chất Trump mang lại cho họ, với cái công việc Trump giúp họ có được,… Gần 5 triệu người đã có việc làm từ ngày ông Trump tuyên thệ, có đáng kể không? Có quan trọng hơn chuyện Trump ăn bánh trả tiền cách đây cả chục năm không? Có quan trọng hơn chuyện Trump khoe nhiều người tham dự lễ nhậm chức của ông không?
Tại vì họ thấy được đằng sau cách hành xử luộm thuộm, thậm chí thiếu tư cách đó, lại là những viễn kiến hơn người. Quả vậy, TT Trump thật sự hơn người vì có cái nhìn chiến lược rất rõ, rất xa, nhìn thấy con đường dài phải đi, những sai trái cần phải sửa đổi. Cái khẩu hiệu “Make America Great Again” nói lên đầy đủ cái nhìn của ông. Và đặc biệt hơn cả, ông là người dám làm một cái gì để sửa sai, chấp nhận khó khăn và thử thách. Đó chính là điểm ‘không giống ai’ của TT Trump.
Nước Mỹ có những chuyện sai trái gì? Tại sao không còn là ‘great’ đến nỗi phải cố gắng để ‘great again’?
Xã hội Mỹ càng ngày càng mất phương hướng, nhân danh cái gọi là ‘phải đạo chính trị’ mà chính xác hơn, phải gọi là ‘phải đạo cấp tiến’. Phe cấp tiến và đảng DC cùng với TTDC, đang dắt nước Mỹ vào một thế giới mới, trong đó nền tảng văn hoá, văn minh, đạo đức, giá trị tinh thần và tôn giáo cổ truyền của cả nước Mỹ và dân tộc Mỹ đang bị lật bốn vó lên trời, để được thay thế bằng những ‘tư duy’ quái lạ như da trắng là cái tội mà da màu là chân chính, black power đáng tung hô nhưng white power đáng phỉ nhổ, chống cộng là phát xít, cộng sản núp dưới cái danh từ hoa mỹ hiền lành ‘xã hội chủ nghiã’ là nhân bản, chính quyền có trách nhiệm lo làm cho ‘dân nghèo đảng mạnh’, càng nhiều người lệ thuộc trợ cấp càng thành công, di dân có quyền vừa tràn qua biên giới vừa đốt cờ Mỹ, quốc hội ra luật bảo đảm an toàn cho di dân phạm luật, đồng tính là anh hùng, chuyển giới là can đảm, cầu tiêu xài chung, giới tính được định theo ý muốn chứ không phải theo thân xác, con cái nhìn ‘bố mẹ’ không biết ai bố ai mẹ, thiên hạ nhìn ‘vợ chồng’, không biết ai chồng ai vợ, thai nhi ngày nào còn trong bụng thì vẫn chỉ là cục thịt thừa người mẹ toàn quyền cắt bỏ tùy hỷ, phụ nữ hãnh diện đội mũ tai mèo màu hồng (mà kẻ này không dám giải thích ý nghiã) xuống đường với những biểu ngữ trẻ em dưới 21 tuổi không được đọc, người gọi God là mê tín hận thù đáng miệt thị, người kêu Allah là có đức tin cần tôn trọng,… Còn vô số chuyện quái dị khác.
Có cái gì thật chéo cẳng ngỗng khi phe cấp tiến ồn ào sỉ vả tổng thống thiếu văn hóa trong khi chính họ lại liệng văn hóa của cả một dân tộc xuống cống. Họ chửi tổng thống ăn nói thô tục nhưng dạy cho con gái tỵ nạn Việt viết biểu ngữ “Đ… ICE” nghênh ngang xuống đường không một chút xấu hổ!
Dĩ nhiên, cả nửa nước Mỹ ‘văn minh tiến bộ’ hoan nghênh luồng gió mới, chạy theo cái họ cho là bánh xe lịch sử tiến hoá nhân loại, nhưng cũng có một nửa nước Mỹ ‘cổ lỗ bảo thủ’ lo sót vó nhưng không biết phải làm gì hay có thể làm gì.
Cho đến khi ông Trump xuất hiện. Tìm cách tái lập cái tôn ti trật tự gia đình đã có từ mấy ngàn năm lịch sử nhân loại trên cả thế giới, phục hồi những giá trị luân lý cổ truyền của Mỹ, là những yếu tố nền tảng đã đưa nước Mỹ từ vài trại định cư của di dân Âu Châu trở thành đại cường hùng mạnh nhất lịch sử nhân loại chỉ trong vòng 300 năm.
Đụng ngay phản ứng của phe ‘văn minh cấp tiến’. Họ chống đánh bằng cách nào? Kích động tâm lý bằng cách khai thác, phóng đại những sai lầm của ông Trump để công kích, cản mọi việc làm của ông. Tố ông Trump theo phe ‘thượng tôn da trắng’, kỳ thị tất cả màu da ngoài da trắng, miệt thị người nghèo, bài bác tất cả tôn giáo ngoài ky tô giáo, không tôn trọng phụ nữ. Họ tìm đủ cách bóp méo, xuyên tạc, fake news, để bôi bác tư cách cá nhân, hạ uy tín của ông.
Công bằng mà nói, đảng DC không phải tự nhiên vô cớ biến thái đến mức điên cuồng như vậy. Thật ra, họ cảm thấy họ đang bị đe dọa, chẳng những sự tồn vong của đảng DC bị đe dọa, mà ngay cả nền tảng triết lý nhân sinh quan cấp tiến cũng bị đe dọa đến tận gốc. Một cuộc chiến sinh tử.
Cái nguy hại ngắn hạn là gây rối loạn chính trị, gây khó khăn khiến tổng thống không thực hiện được những chuyện ông đã hứa và dân đã bầu để ông làm, lập pháp tìm cách lấn át hành pháp làm lung lay cái thế chân vạc tam quyền phân lập. Nhưng cái nguy hại lớn hơn là tạo tiền lệ, nghiã là trong tương lai lâu dài, cả hai đảng mỗi lần thua đều sẽ bác bỏ việc đã thua, tìm đủ cách phá và lật ngược kết quả bầu cử. Hậu quả hiển nhiên là nền tảng của thể chế dân chủ kiểu Mỹ thực sự bị đe dọa đến tận cốt lũy. Thể chế dân chủ này dựa trên quyết định của dân, qua bầu bán tuyệt đối tự do. Trong chế độ dân chủ kiểu Mỹ, ai cũng có quyền chống đối khi họ khác ý với chính quyền, nhưng khi những người thua cuộc tìm mọi cách ‘đảo chánh’, lật đổ chính quyền dân bầu, khi kết quả bầu bán bị phủ nhận thì nền tảng thể chế dân chủ đó dĩ nhiên đã bị lung lay tận gốc rễ.
Ở đây, không còn là vấn đề quyền lợi tối thượng của quốc gia, bảo vệ định chế, mà chỉ là chuyện… tìm chiến thắng cho đảng bằng bất cứ giá nào.
Ông Trump nhìn thấy có đảng đối lập DC dĩ nhiên. Nhưng ông cũng nhìn thấy cái đảng đối lập đó tự nó không nguy hiểm lắm, vẫn là một tổ chức mà ông coi thường vì thiếu nhân tài, thiếu sách lược, mà triết lý kinh bang tế thế đã không thu hút được thiên hạ, thậm chí đi quá xa về phiá tả, xa hơn suy tư của người dân Mỹ bình thường. Việc đảng DC đại bại trong cuộc bầu cử năm 2016, từ cấp tổng thống đến toàn thể các cấp chính quyền tiểu bang và địa phương đã là một bằng chứng quá rõ, bất kể việc đảng DC tìm cách bào chữa bằng cái fake news ‘thông đồng với Nga’.
Cái viễn kiến hơn người của TT Trump là ông cũng hiểu rõ quyền lực thực tế quá mạnh, ảnh hưởng quá lớn trên quần chúng của truyền thông đang sát cánh với phe cấp tiến đối lập. Hiểu rõ đến độ biết cách triệt để khai thác phương tiện này, rồi sau khi đã thành công, tìm đủ cách triệt hạ phương tiện đó, không cho đối phương xử dụng.
Ngay trong mùa vận động tranh cử, ông Trump, một ‘bậc thầy’ về ngành truyền thông, hiểu rõ chìa khóa của thành công là việc làm sao hình ảnh và tên tuổi của mình nằm trên trang nhất các báo và trong phút mở đầu các chương trình TV. TTDC công kích ông Trump luôn đấm ngực coi cái tôi quá lớn mà không hiểu đó chính là chiến thuật hữu hiệu nhất trong cái thể chế chính trị đặc biệt của Mỹ, khi mà một chính khách muốn thành công, luôn luôn phải đấm ngực khoe là mình tài giỏi nhất. Khiêm tốn theo truyền thống Á Đông sẽ không ngóc đầu lên được ở cái xứ này. Cái ‘chân lý’ này, chỉ cần nghe bất cứ bài diễn văn vận động tranh cử của bất cứ chính khách thuộc bất cứ đảng nào, là thấy rõ ngay.
Căn bản của ‘nghệ thuật tranh cử’ là chỉ cần có tin tức về mình trên mặt báo hay trên TV, bất cần tin tốt hay xấu. Tin tốt sẽ giúp tạo nghi ngờ trong đầu những người chống mình. Tin xấu sẽ gây tức tối trong đám cử tri của mình, kích thích họ đi bầu cho mình. Đó là cách vận động hữu hiệu nhất mà ông Trump đã hiểu rõ hơn bất kỳ ai khác.
Có tin gì thì tốt, không có tin gì thì ông quậy cho ra tin, tuyên bố hay tuýt bậy bạ gây sốc nếu cần, chỉ cốt truyền thông đưa tên ông lên. Và cái truyền thông ham tin giựt gân vì tiền đã mắc ngay bẫy của ông Trump. Các chuyên gia ước tính ông Trump đã được truyền thông quảng cáo miễn phí tính ra trị giá tới cả vài trăm triệu đô, trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất đưa ông vào Tòa Bạch Ốc.
Sau khi thành công, TT Trump ‘chặt cầu’, tìm cách chặn ảnh hưởng của TTDC. Bằng hai cách. Một là liên tục hạ uy tín của TTDC bị tố là phe đảng, fake news. Và hai là tìm cách nhẩy qua đầu TTDC, đi thẳng vào quần chúng qua các tuýt hàng ngày.
Truyền thông cổ điển, từ báo in đến TV, đang đi vào thùng rác của lịch sử, cạnh tranh không nổi với các phương tiện truyền thông xã hội đại chúng như các diễn đàn, facebook, tweeter,… Với các tuýt của TT Trump, TTDC càng ngày càng trở thành thừa thãi, còn khó sống hơn nữa. Dĩ nhiên cũng đụng ngay phản ứng của TTDC. TTDC trả đũa. Những báo lớn hay đài TV lớn, đã chấp nhận vứt cái uy tín lớn của họ vào thùng rác, quay qua loan tin đến hơn 90% bất lợi cho TT Trump. TTDC bị mặc cảm đã bị lợi dụng hay bị lừa, vô tình giúp ông Trump vào Tòa Bạch Ốc phải đánh Trump để hả giận, cộng thêm vấn đề sinh tồn phải hạ Trump để tồn vong.
Cái đau đầu cho đảng DC cũng như cho TTDC là cho đến nay, bất kể những tấn công tàn bạo nhất, ông thần Trump vẫn là một thứ đá nam châm có sức thu hút thiên hạ cực mạnh. Theo một nghiên cứu mới của Washington Post, sức thu hút của TT Trump hiện nay cao hơn sức thu hút của tất cả hai tá ứng cử viên DC cộng lại (xem bài trên trang Báo Mỹ tuần này). Bất cứ TT Trump làm gì hay nói gì cũng gây chú ý dù làm bậy, nói sai. Thu hút sự chú ý của thiên hạ, đó chính là bí quyết thành công trong chính trị hiện đại Mỹ.
TT Trump là một đe dọa sinh tồn –existential threat- cho đảng DC, cho TTDC, và cho tư tưởng cấp tiến thiên tả. Ông đang tấn công, tìm cách ngăn chặn sự trổi dậy của tư tưởng ‘tân xã hội chủ nghĩa’ [neo-socialism], những tư tưởng ‘phải đạo chính trị’ quái dị, sự bành trướng của Nhà Nước Vú Em đang muốn ‘quốc hữu hoá’ hệ thống y tế, hệ thống giáo dục, hệ thống an sinh, luôn cả tổ chức kinh tế qua những thủ tục luật lệ kinh doanh cực rườm rà và khắt khe.
Mặt khác TT Trump cũng đang cố tìm cách bảo vệ quyền lực của tổng thống, không phải của TT Trump mà là của chức vị tổng thống, một định chế cột trụ trong thể chế chính trị Mỹ, bảo vệ nguyên tắc tam quyền phân lập, và bảo vệ kết quả bầu cử, tức là bảo vệ nguyên tắc tôn trọng ý dân.
Tất cả những tranh cãi đôi co lắt nhắt giữa TT Trump và phe cấp tiến ta thấy qua tin tức thời sự chỉ là phần nổi rất nhỏ trong một tảng băng đá mà phần ngầm lớn gấp trăm lần phần nổi.
Cái viễn kiến nhìn xa của TT Trump không chỉ giới hạn trong các vấn đề đối nội, mà còn ra khỏi biên thùy Mỹ rất xa.
Trên nguyên tắc, giải pháp lý tưởng cho mọi khác biệt quyền lợi là giải pháp mà Mỹ gọi là ‘win-win’, tức là ‘anh được lợi, tôi cũng được lợi’. Nhưng thực tế địa chính trị thế giới là chỉ có những giải pháp “anh thắng, tôi thua; tôi thắng, anh thua’, chẳng bao giờ có chuyện ‘chúng ta cùng thắng’.
Khi TC bán qua Mỹ hơn 500 tỷ hàng trong khi chỉ mua có 100 tỷ hàng Mỹ, thì Mỹ thua khẩm. Khi các công ty Mỹ dọn hãng xưởng đi Tầu hay các xứ chậm tiến khác thì nhân công Mỹ mất job. Khi TC kiểm soát được cả Biển Đông thì tất cả các đối tác kinh doanh quan trọng nhất của Mỹ ở Á Châu trở thành ‘thuộc địa’ của TC. Khi Nga chiếm Crimea, mở đường biển xuống Trung Đông thì quyền lợi của Mỹ trong vùng mỏ dầu hỏa của cả thế giới bị trực tiếp đe dọa. Khi cậu Ấm có đủ bom nguyên tử thì Nam Hàn sẽ bị xóa khỏi bản đồ. Khi các nước Tây Âu bán cái chuyện quốc phòng cho Mỹ thì dân Mỹ mất tiền trong khi thanh niên Mỹ chết.
Tất cả những chuyện này đều gây thiệt hại cho quyền lợi của Mỹ, chuyện lộ liễu ai cũng thấy, nhưng khổ cái là chẳng có tổng thống Mỹ nào dám nhúc nhích cản lại, nhất là TT Obama, hoàn toàn mãn nguyện với việc ‘lãnh đạo từ sau lưng’, tối ngày lo vái lạy xin lỗi tứ phương.
Những vị tổng thống đó nhìn thấy những rủi ro lớn ngay trước mắt, nhưng họ đã không nhìn thấy hay không dám nghĩ đến những rủi ro còn lớn hơn gấp vạn lần trong đường dài. Cái điểm yếu nhất của thể chế chính trị Mỹ là các chính khách Mỹ, không có ai có thể nhìn xa hơn cuộc bầu cử tới. TT Trump đã nhìn xa hơn và đã dám cố gắng làm một cái gì để lật ngược thế cờ, cho dù khó khăn cao hơn núi. Vì TT Trump cũng chẳng giống bất cứ tổng thống nào khác ở điểm ông… bất cần chức tổng thống. Việc cần làm thì phải làm thôi. Năm tới, có mất cái job không lương, ông cũng vẫn còn là tỷ phú, vẫn còn vợ đẹp con khôn. Mà khỏi nhức đầu.
Cuộc chiến của TT Trump không có gì dễ dàng hết. Thành công hay không, không ai biết. Ông sẽ tái đắc cử hay không cũng chẳng ai đoán được. Vét đầm lầy không phải là chuyện dễ khi có quá nhiều rắn rít trong đầm. Không khéo sẽ bị rắn rít cắn chết.
Bất kể thành công hay thất bại, TT Trump sẽ đi vào lịch sử như một tổng thống để lại dấu ấn quan trọng nhất, hay nói theo Mỹ, the most consequential president.
Vũ Linh Diễn Đàn Trái Chiều ngày 21/6/2019
Nguyễn Xuân Phúc dùng báo chí quốc doanh để dập tắt mạng xã hội
Phạm Chí Dũng/Người Việt
June 21, 2019

Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm Nga, 23 Tháng Năm 2019. (Hình: Evgenia Novozhenina/AFP/Getty Images)
Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc đang sa vào lối mòn nguy hiểm của cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng khi một lần nữa trong nhiều lần “kêu gọi báo chí đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá.”
Lời kêu gọi trên đang biến Phúc thành một đồ đệ của chủ nghĩa kinh viện, giáo điều và cực đoan cộng sản, thay vì đi theo con đường cải cách đất nước, tiếp nhận một cách cởi mở rất nhiều ý kiến phản biện trên mạng xã hội, đặc biệt là cải cách thể chế chính trị, như hy vọng của một số thành phần quan chức và trí thức.
Vì sao một quan chức như Nguyễn Xuân Phúc, dù đã có hơi hướng tham khảo bài học phát triển mạnh mẽ của Nhật Bản sau Thế Chiến Thứ Hai và còn tham khảo cả thuyết “Đại Đông Á” của người Nhật, cùng lúc tỏ ra ngày càng gắn bó với Hoa Kỳ – xứ sở dung thân và dung dưỡng tài sản của rất nhiều gia đình quan chức trung cấp và cao cấp Việt Nam, lại trở nên “chuyên chính vô sản” theo cái lối dùng báo chí quốc doanh để dập tắt mạng xã hội?
Có hai nguồn cơn chính yếu là từ nội bộ đảng và từ phản ứng của dư luận, đều thể hiện ngồn ngộn trên mạng xã hội.
Nỗi ám ảnh “Chân Dung Quyền Lực”
Hẳn Nguyễn Xuân Phúc không thể quên, hoặc còn nhớ mãi về trang mạng “Chân Dung Quyền Lực.”
Vào cuối năm 2014, lần đầu tiên “Chân Dung Quyền Lực” xuất hiện và tạo nên một cơn địa chấn trong chính trường và chính giới Việt nam khi tấn công không thương tiếc, với nhiều chi tiết liên quan đến tài sản, sân sau và nhân thân “chính trị nội bộ,” đối với một số ủy viên bộ chính trị khi đó, đặc biệt là Nguyễn Xuân Phúc.
Khỏi phải nói rằng hiệu ứng của trang mạng phe cánh chính trị này đã khiến nhiều “chính khách” co rúm và phải uống thuốc ngủ. Nhưng đến gần cuối năm 2015 khi sắp diễn ra Đại Hội 12, trang Chân Dung Quyền Lực tự nhiên “biến mất” (ngưng cập nhật) theo đúng cái cách mà nó đã thình lình xuất hiện. Có lẽ vào lúc đó, “nhiệm vụ lịch sử” của nó đã tạm hoàn thành.
Nhưng không có “Chân Dung Quyền Lực” này thì lại xuất hiện “Chân Dung Quyền Lực” khác.
Vào Tháng Tám, năm 2018, hiện tượng đơn thư tố cáo nội bộ lại xuất hiện trên mạng xã hội. Một vụ việc độc đáo được mạng xã hội đề cập là một bức thư của một người được cho là nhà giáo Nguyễn Cảnh Bình từ Học Viện Chính Trị Quốc Gia HCM tố cáo Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc về nhiều vấn đề, trong đó nổi cộm là chuyện ông Phúc để cho một số cấp dưới, đại gia và người thân trong gia đình ông Phúc thao túng chính trường và trục lợi cá nhân.
Bức thư đồng thời tố cáo Nguyễn Xuân Phúc đang tổ chức một chiến dịch vừa chạy đua vừa tranh giành chức vụ tổng bí thư tại đại hội 13 vào năm 2021, với “liên danh” Nguyễn Xuân Phúc-Trương Hòa Bình-Nguyễn Văn Bình để đối chọi với một “trục” khác là Trần Quốc Vượng-Vương Đình Huệ…
Cho tới nay người ta vẫn chưa thấy ông Nguyễn Cảnh Bình lên tiếng phản bác về bức thư trên hay tố cáo kẻ nào đó đã mạo danh ông. Sự im lặng như thể công nhận ấy càng khiến dư luận tin rằng bức thư trên, tuy chưa biết những nội dung của nó đáng tin cậy đến đâu, nhưng có vẻ xuất phát từ “người thực việc thực.”
Một cách tối thiểu, hiện tượng “người thực việc thực” đó đã được chứng thực trên phương diện lobby chính trị. Từ giữa năm 2017 và trùng với thời điểm Trần Đại Quang bất thần bị “bệnh lạ” mà đã “biến mất” lần đầu tiên trong gần hết Tháng Tám năm đó, người ta nhận ra Thủ Tướng Phúc đã bắt đầu chiến dịch vận động cho chức vụ tổng bí thư tại Đại Hội 13 vào năm 2021.
Ngoài thành tích “GDP tăng trưởng vượt bậc,” ông Phúc đi nhiều địa phương và nơi nào cũng được ông ta xem là “đầu tàu,” cùng những từ ngữ đầy hoa mỹ mà đã khiến giới lãnh đạo những địa phương này “tự sướng” đến mức có thể sẵn lòng bỏ phiếu cho ông Phúc trong một hội nghị trung ương “thăm dò uy tín tổng bí thư cho Đại Hội 13” và kể cả tại Đại Hội 13…
Cùng lúc, nhiều dư luận bắt đầu đề cập nhiều hơn đến “nhóm sân sau” của Thủ Tướng Phúc – một câu chuyện rất tương đồng với các nhóm lợi ích sân sau của Nguyễn Tấn Dũng trong 9 năm trời ông ta làm thủ tướng.
Tuy chưa đến mức thao túng chính phủ và “đớp hốt” ghê gớm như các nhóm sân sau của Nguyễn Tấn Dũng, những nhóm kinh tài được cho là sân sau của Thủ Tướng Phúc lại được cho là “rất nhiều triển vọng” để trở thành nhóm lợi ích có sức ảnh hưởng lớn nhất đến chính phủ và cả đường lối của đảng Cộng sản Việt Nam trong tương lai không xa.
Tham vọng và học phí ứng cử viên
Thực ra Thủ Tướng Phúc đã vượt trên các ứng cử viên khác để trở thành nhân vật bộc lộ tham vọng chính trị rõ hơn hết trong những năm sau Đại Hội 12.
Còn giờ đây, cuộc chiến quyền lực đã bắt đầu manh nha, và nếu không có gì thay đổi thì sự việc sẽ diễn ra theo đúng quy luật xung đột chính trị – lại một cuộc chạy đua sống mái vào các chức danh chủ chốt trong Bộ Chính Trị và trong “tam trụ” tại Đại Hội 13, kể cả một cuộc vận động để điều chỉnh “tam trụ” thành “tứ trụ” như cũ.
Cuộc chạy đua đó càng trở nên “hợp pháp” hơn sau cú bạo bệnh của Nguyễn Phú Trọng tại Kiên Giang “nhà Ba Dũng” vào Tháng Tư, năm 2019.
Bởi nếu đến một lúc nào đó Nguyễn Phú Trọng không thể gượng lại và buộc phải tự nguyện nhường lại cái ghế tổng bí thư cho người khác, hai ứng cử viên hàng đầu đã hoặc được sắp sẵn, hoặc cố ngoi lên vị trí sắp sẵn đó: Trần Quốc Vượng và Nguyễn Xuân Phúc.
Đây là hai tính cách khác nhau một trời một vực: trong khi Thủ Tướng Phúc thậm chí còn được dân gian đặt cho biệt danh là “Phúc nổ” với đủ thứ giai thoại về “đầu tàu kinh tế” và “tăng trưởng GDP” tại các địa phương mà ở đó ông ta lộ rõ chiến dịch vận động để vị thế của mình được “nâng lên một tầm cao mới,” Trần Quốc Vượng lại chỉ nói quá ít so với Phúc. Và trong khi Nguyễn Xuân Phúc được xem là “một thế lực đang lên” với “mạnh vì gạo bạo vì tiền,” thì Trần Quốc Vượng lại “nghèo” và kín đáo hơn nhiều, tuy không phải không có dư luận về “sân sau” của nhân vật này.
Khác với thời tiền đại hội 12, giai đoạn “toàn đảng, toàn quân lập thành tích chào mừng Đại Hội 13” không những là cuộc chiến đánh vào các sân sau của nhau, mà tính xung đột của nó còn “máu lửa” hơn nhiều bởi yếu tố hình sự hóa của cuộc chiến này – thể hiện bởi Bộ Công An ở cấp trung ương và cơ quan công an ở một số địa phương then chốt – những nơi đậm đà yếu tố “phe cánh chính trị.”
Tham vọng và hy vọng ngùn ngụt, nhưng luôn gắn liền hoặc tỷ lệ thuận với rủi ro. Đó là một loại học phí quá đắt đỏ mà Nguyễn Xuân Phúc không thể không xót ruột khi ông ta phải trở thành tiêu điểm bình phẩm, chỉ trích và tố cáo của các đồng chí trong nội bộ đảng Cộng Sản lẫn dư luận trên mạng xã hội về quá nhiều “thành tích” của Phúc trong nhiệm kỳ này.
Các thành tích này là để mặc hoặc tiếp tay cho Bộ Công Thương tăng phi mã giá xăng dầu và điện, bỏ mặc hoặc bật đèn xanh cho Bộ Giao Thông Vận Tải và nhóm lợi ích giao thông dập phí BOT lên đầu lái xe và doanh nghiệp, thả rông cho Bộ Tài Nguyên Môi Trường và các doanh nghiệp xả thải đậm đặc khắp các vùng đất nước…
(Phạm Chí Dũng)
Ngày Quân Lực VNCH
19/06/201900:00:00(Xem: 903) Vi Anh
Nghị Quyết SCR 86 vinh danh "Ngày Cựu Chiến Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 19 tháng Sáu năm 2019 do Thượng Nghị Sĩ Tom Umberg soạn thảo và thông qua Thượng viện Tiểu bang Califonia. Nghị quyết công nhận và kỷ niệm ngày 19 tháng Sáu năm 2019 là Ngày Cựu Chiến Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nhằm tưởng niệm sự hy sinh dũng cảm và những đóng góp to lớn của những cựu chiến binh người Mỹ gốc Việt ở California và ở nước ngoài.
Ngày 19 tháng 6 là Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà [QLVNCH]. Đó là ngày ghi nhớ ơn nghĩa của những nam nữ quân nhân Việt Nam Cộng Hoà đã vì dân chiến đấu,vì nước hy sinh, khi còn ở nước nhà. Và những người ấy nay đã lớn tuổi mà không nghỉ ngơi, không giải ngũ vẫn tiếp tục chiến đấu trong một cuộc “chiến tranh khác” – là cuộc chiến tranh chánh trị, chiến tranh tâm lý, đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN, trong cũng như ngoài nước.
Một, trong cuộc chiến tranh chống lại sự xâm lược của CS Bắc Việt, QLVNCH là những người dân Việt Nam, Bắc, Trung, Nam, đồng bào Thượng đem những ngày hoa mộng của đời mình để chiến đấu cho tự do, dân chủ của đồng bào trước làn sóng xâm lược của CS. Chiến đấu hào hùng, bẻ gãy mọi cuộc tấn công của CS. Dù mới thành lập nhưng kiên cường chiến đấu suốt hai thời đệ nhứt và đệ nhị VNCH. Không một xóm, một làng, một quận nào của Miền Nam từ Bến Hải đến mũi Cà mau, CS tấn công mà chiếm giữ được.
Có khoảng 400. 000 quân nhân VNCH hy sinh cho Tổ Quốc. Nếu so với dân số Mỹ với 2 triệu thương vong Mỹ trong cuộc Chiến Tranh Nam Bắc của Mỹ, tỷ lệ tổn thất của QLVNCH cao gấp đôi của Mỹ. Nếu không thực sự dũng cảm chiến đấu, thì không thể tổn thất lớn lao như vậy.
Với độ lùi thời gian quá đủ, với tài liệu về Chiến tranh VN Mỹ đã giải mật gần hết, những nhà nghiên cứu chiến lược và lịch sử đã trả lại chân lý cho QLVNCH một thời bị Phản Chiến Mỹ gieo tiếng oán một cách oan sai trên truyền thông và dư luận Mỹ. Trong thời kỳ Mỹ việt nam hoá chiến tranh và thi hành Hiệp Định Paris năm 1973, các cuộc nghiên cứu sau này của những chiến lược gia Mỹ, đặc biệt là ở Đại Học Texas cho biết nếu Quân lực Mỹ bị cúp quân viện như QLVNCH bị cúp đạn dược, xăng dầu, thì Quân Lực Mỹ chỉ có thể chịu đựng được ba tháng mà thôi, chớ không phải ba năm như QLVNCH.
Hai, trong chiến tranh chánh trị ở hải ngoại. Ngày Quân Lực là ngày thán phục những quân nhân VNCH sau nhiều năm tù cải tạo còn da bọc xương, đi tỵ nạn chánh trị ở các nước, nhưng không ai coi mình đã giải ngũ. Tướng Mac Athur nói, người lính già không chết mà chỉ khuất mờ trong lịch sử thôi. Những quân nhân của QLVNCH cùng toàn quân, dân, cán, chính vẫn tiếp tục cuộc chiến đấu. Chuyển sang hình thái chiến tranh mới, chiến tranh chánh trị, đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN. Có tự do, dân chủ nhân quyền, là không có CS độc tài đảng trị toàn diện. Tự do, dân chủ nhân quyền là khắc tinh của độc tài đảng trị toàn diện của CS.
Ngày Quân Lực là ngày quân dân cán chính VNCH tự hào mình đã góp bàn tay khai nguyên, xây dựng được một Việt Nam Hải ngoại đối kháng với chế độ CS ở nước nhà VN. Không sống được ở VN với CS, quân dân cán chính VNCH và hậu duệ đem VN theo mình. Tương kế tự kế vận động giương cao ngọn cờ VN nền vàng ba sọc đỏ tại các nước định cư ở Tây Âu, Bắc Mỹ và Úc châu dù VNCH bây giờ không còn pháp nhân công pháp đối với Liên Hiệp Quốc.
44 năm sau, non nửa đời người thôi, bất cứ nơi nào có cộng đồng người Việt là có các tổ chức chánh trị, hội đoàn, văn hóa, xã hội ngoại vi, thân hào nhân sĩ vừa là đối tượng vừa là chủ thể của cộng đồng người Việt Hải Ngoại. Cựu quân nhân VNCH là nồng cốt của các tổ chức ấy.
Trong những người Việt còn gắn bó với vận mạng nước non nhà, phần lớn có anh chị em QLVNCH. Bỏ công bỏ của riêng, “ăn cơm nhà ra vác ngà voi hàng tổng” để phục vụ cộng đồng. Bất cứ nơi nào có biểu tình chống Cộng là có mặt anh chị em quân nhân VNCH đảm trách vai trò xương sống và an ninh ngầm cho cuộc đấu tranh.
Ba, ngày Quân Lực là ngày nhớ ơn những người mẹ, người vợ, người chị, người em gái cùa quân nhân QLVNCH đã buôn gánh bán bưng, lo tần lo tảo, chắc mót từng đồng bạc để dành đi “thăm nuôi chồng con em” là quân nhân QLVNCH bị đi tù cải tạo.
Ngày Quân Lực là ngày lớp trẻ của các gia đình quân dân cán chính VNCH dành cơ hội nhớ lại và khẳng định mình từ đâu, nhờ ai mà đến được những vùng đất hứa này để tiến thân ngàn lần hơn những người đồng trang lứa còn kẹt trong nước đang bị CS tạm chiếm. Để từ đó tiếp nối truyền thống hào hùng và tinh thần bất khuất của những cha anh là chiến sĩ VNCH đi trước. Đa số những dân cử các cấp, tướng tá, khoa học gia, kỹ thuật gia, luật sư, bác sĩ, kỹ sư Mỹ gốc Việt thành đạt ở Mỹ là con, em, cháu, hậu duệ của quân nhân VNCH. Đó là những quân dân cán chinh VNCH dù già rồi vẫn tiếp tục con đường đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN mà hơn 90 triệu đồng bào trong nước rất mong mỏi.
Bốn và sau cùng, nhớ ơn không bằng trả ơn. Mấy năm vừa qua một số nhân sĩ của các cơ quan, đoàn thể quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hoà và cộng đồng người Việt ở hải ngoại đã cùng Uỷ Ban Xây Nghĩa Trang Quân Cán Chính VNCH Hải ngoại nỗ lực thực hiện một nơi để tử sĩ Việt Nam Cộng Hoà có nơi an nghỉ tương xứng và để người Việt hải ngoại có nơi tưởng niệm tri ân. Và để thực hiện ý muốn của quân dân cán chính VNCH ở hải ngoại đã sống cùng chiến đấu bên nhau với đồng đội, chết được cùng nằm bên nhau dưới bóng cờ hồn thiêng sông núi VN nền vàng ba sọc đỏ.
Nhơn Ngày Memorial Day, Hội Quân Nhân Mỹ Gốc Việt trong Quân Lực Hoa kỳ [Vietnamese American Uniformed Services Association – VAUSA] hôm Chủ Nhựt 26, tháng 5, 2019, lúc 6 giờ chiều có tổ chức buổi lễ trọng đại tại Little Saigon để Tưởng nhớ và Vinh danh chiến sĩ Mỹ Việt Vì Nước Hy Sinh và quân nhân Việt Nam Cộng Hoà trưởng thượng mà đại đa số quân nhân Mỹ gốc Việt là hậu duệ. Đặc biệt Hội Quân Nhân Mỹ Gốc Việt ủng hộ 200 vé miễn phí cho các vị cựu quân nhân Quân Lực VN Cộng Hoà trên 70 tuổi./.
(VA)
Lá Phiếu Dân Chủ quyết định: Ứng cử viên phe đối lập thắng cuộc bầu cử thị trưởng ở Istanbul
23/06/201911:59:00(Xem: 146) Lê Ngọc Châu
Lá Phiếu Dân Chủ quyết định: Ứng cử viên phe đối lập thắng cuộc bầu cử thị trưởng ở Istanbul / Thổ Nhĩ Kỳ. Hệ thống Erdogan đang lung lay.

Ekrem Imamoglu đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử thị trưởng (Ảnh: internet)
ISTANBUL (APPA-AFX) - Ứng cử viên phe đối lập, Ekrem Imamoglu đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử thị trưởng ở Istanbul sau khi đếm được gần như tất cả các phiếu bầu. Imamoglu nhận được 53,75 phần trăm phiếu bầu vào ngày Chủ nhật, theo hãng thông tấn nhà nước Anadolu, trong khi đối thủ của ông, cựu Thủ tướng Binali Yildirim, đạt 45,43%.
Mười triệu công dân đủ điều kiện bầu cử và bỏ phiếu trong 31.000 thùng phiếu. Hàng ngàn người Istanbul đã gián đoạn ngày nghỉ của họ để đi bầu.
Yildirim thừa nhận thất bại của mình. Trong một bài phát biểu gần như đồng thời điểm với kết quả đầu tiên, ông nói: "Tôi chúc mừng anh ấy và chúc anh ấy thành công". Còn đang chờ một tuyên bố của Ủy ban bầu cử cấp cao.
Imamoglu đã thắng suýt soát trong cuộc bầu cử thị trưởng đầu tiên vào ngày 31.03.2019. Tuy nhiên, ủy ban bầu cử (YSK) đã hủy bỏ kết quả này vào đầu tháng 5 vì cáo buộc cái gọi là (angeblich = allegedly) bất thường và do đó, chấp nhận đơn của AKP đã nộp thuộc phe của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan không chấp nhận kết quả bầu cử. Trong số những điều khác, quyết định biện minh cho quyết định hủy bỏ kết quả bằng cách nói rằng trong một số trường hợp, chủ tịch của các hội đồng bầu cử đã không phải là một quan chức, không giống như theo luật pháp ấn định. Việc hủy bỏ trên đã bị quốc tế chỉ trích.
Thay lời kết:
Ai cũng biết Thổ Nhĩ Kỳ hiện bị cai trị hà khắc dưới triều đại Erdogan. Hầu hết các nhà đối lập đều bị tìm cách cô lập. Chính Erdogan đã tuyên bố, "ai" nắm giữ chức Đô trưởng Istanbul là có thể giành được chiến thắng trên chính trường Thổ. (ghi chú thêm Erdogan xuất thân từ Istanbul với chức Thị trưởng cách đây 25 năm, từ 1994-1998).
Erdogan suy nghĩ như thế nên khi con ngựa chiến của ông ta là cựu Thủ tướng Binali Yildirim bị thua trong cuộc bầu cử cuối tháng Ba 2019 - theo giới quan sát của các chuyên gia và những ai thường theo dõi chính trị thế giới nói chung - đều nhìn thấy rằng Erdogan cay cú sau thất bại bất ngờ và dĩ nhiên "áp lực" để bầu cử lại mong lật ngược thế cờ.
Cá nhân người viết có lần nghĩ thầm, Erdogan và bộ hạ có muốn là một chuyện nhưng NẾU lòng dân hay cử tri Thổ đã quyết tâm giữ vững lập trường thì với lá phiếu kín họ vẫn bầu cho ứng cử viên đối lập. Bên cạnh đó, biết đâu sẽ có những "cảm tình viên với AKP vì lý do nào đó" nhìn ra được "mánh khóe chính trị" của Erdogan & Co đâm ra bất bình sẽ bỏ phiếu cho ƯCV đối lập và kết quả sẽ cách biệt xa hơn so với tháng Ba năm 2019.
Dự đoán chẳng sai. Rõ ràng "muốn là một chuyện mà đạt được kết quả như ý hay không lại là chuyện khác !". Có thể nói, thất bại lần thứ hai này ở Istanbul đối với AKP của Tổng thống Thổ Erdogan trước ƯCV đối lập Ekrem Imamoglu so với lần trước mới là thất bại chua cay hơn dành cho AKP và Erdogan.
Thế mới biết thế nào là giá trị "LÁ PHIẾU DÂN CHỦ" của cử tri và sự quyết tâm bầu cho ứng cử viên nào đó của họ chẳng có áp lực hay thế lực đen nào ảnh hưởng được .!
Tóm lại, phe đối lập ở Istanbul đã giành chiến thắng. Hệ thống Erdogan đang lung lay.
Ekrem Imamoglu viết lịch sử: "Ông đã đánh bại rõ ràng ứng cử viên của đảng cầm quyền AKP trong cuộc bầu cử mới ở Istanbul." Tổng thống Erdogan có khả năng chịu áp lực hơn bao giờ hết trong sự nghiệp của ông ta.
* © Lê Ngọc Châu – (Nam Đức, 20h45 tối 23.06.2019)
Theo dpa AFX 23.06.2019, 74 phút trước % Focus 30 phút trước & internet
Washington Post: Mỹ khởi động chiến dịch trục xuất di dân
22/06/2019

Hơn 1 ngàn di dân băng qua biên giới giữa Mexico với Mỹ nhập cảnh Hoa Kỳ bất hợp pháp. Hình chụp tại El Paso, Texas, hôm 29/5/19.
Giới hữu trách di trú Hoa Kỳ lên kế hoạch khởi động một chiến dịch sâu rộng vào Chủ nhật 23/6 tới đây để trục xuất các gia đình di dân mới tới Mỹ bất hợp pháp, tờ Washington Post loan tin hôm 21/6 dẫn nguồn từ ba giới chức ẩn danh.
Vẫn theo nguồn tin này, chiến dịch dự kiến nhắm mục tiêu tới 2 ngàn gia đình đang đối mặt với lệnh trục xuất tại 10 thành phố ở Mỹ bao gồm Houston, Chicago, Miami và Los Angeles.
Phát ngôn nhân Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) từ chối bình luận tin này khi Reuters yêu cầu.
Đầu tuần, quyền giám đốc ICE, Mark Morgan, cho báo giới biết cơ quan của ông sẽ nhắm mục tiêu trục xuất các gia đình di dân đã nhận lệnh trục xuất từ tòa di trú.
Ông Morgan nói bằng cách trục xuất các gia đình di dân mới tới Mỹ bất hợp pháp, Hoa Kỳ muốn làm chùn bước di dân từ Trung Mỹ đang đổ về biên giới tìm cách xin tị nạn.
Số di dân bị chặn bắt vì vượt biên giới Mỹ-Mexico trong tháng 5 tăng tới mức cao nhất kể từ năm 2006, nhiều người trong số này chạy lánh bạo lực và đói nghèo ở Trung Mỹ.
Riêng tại Texas, thống đốc cho hay tiểu bang này đang điều động 1 ngàn binh sĩ Vệ binh Quốc gia tới biên giới sau khi có hơn 45 ngàn người bị bắt vì vượt biên bất hợp pháp trong ba tuần qua.
Edited by user Sunday, June 23, 2019 5:02:28 PM(UTC)
| Reason: Not specified
|